Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 12-03-2018 9:49am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Nguyễn Mai An – Nhóm nghiên cứu về sinh non - BV Mỹ Đức
 
            Việc tập luyện thể chất đều đặn kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, khoa học là biện pháp tối ưu giúp kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ béo phì trong thai kỳ cũng như các biến chứng nội khoa có liên quan đến béo phì như đái tháo đường, tăng huyết áp, thuyên tắc mạch… Trong điều kiện lý tưởng, tình trạng béo phì nên được kiểm soát trước khi mang thai, giúp tăng khả năng có thai và giảm các nguy cơ liên quan. Việc duy trì chế độ tập luyện thể chất trong thai kỳ cũng giúp tránh tăng cân nhanh, giảm mức độ béo phì. Tuy nhiên, sự e ngại về mối liên hệ giữa hoạt động thể chất và nguy cơ sinh non khiến nhiều thai phụ không tiếp tục duy trì tập luyện thể dục thể thao.

            Nhằm xác định liệu hoạt động thể chất có làm tăng nguy cơ sinh non hay không, cũng như làm rõ mô hình liên quan giữa mức độ tập luyện và đáp ứng, một tổng quan hệ thống và phân tích gộp đã được tiến hành với dữ liệu là các nghiên cứu đã được đăng trên cơ ở dữ liệu là PubMed, Embase, và Ovid cho tới ngày 09/02/2017.

            Có 41 nghiên cứu được thu nhận, bao gồm 20 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên và 21 nghiên cứu đoàn hệ. Kết quả cho thấy:

+ Nguy cơ sinh non giảm ở nhóm có hoạt động thể chất cao trước thai kỳ so với nhóm ít hoạt động thể chất (RR 0.87, 95% CI 0.70 – 1.06, I2 = 17%, n = 5).

+ Hoạt động thể chất ở giai đoạn sớm của thai kỳ cũng giúp giảm nguy cơ sinh non (RR 0.86, 95% CI 0.78 – 0.95, I2 = 0%, n = 30).

+ Phân tích mô hình liên quan giữa liều lượng và đáp ứng (dose/response analysis) cho thấy nếu tăng 3 giờ luyện tập thể chất mỗi tuần, nguy cơ sinh non giảm 10% (RR 0.90, 95% CI 0.85 – 0.95, I2 = 0%, n = 5)

            Với kết quả này, các tác giả kết luận việc tập luyện thể chất trước và trong thai kỳ giúp giảm nguy cơ sinh non. Đương nhiên trong những tình huống đặc biệt như thai phụ có triệu chứng xuất huyết trong thai kỳ, đa thai, dọa sinh non với chiều dài kênh cổ tử cung ngắn hay vỡ ối non, việc tập luyện thể chất không được khuyến khích.

            Thời gian và cường độ lý tưởng cho các hoạt động thể chất trong thai kỳ là vấn đề đang cần được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, dựa trên kết quả của tổng quan này chúng ta có thể khuyến khích các thai phụ duy trì việc tập luyện thể dục thể thao trong thai kỳ.

 
Nguồn: Physical activity and the risk of preterm birth: a systematic review and meta-analysis of epidemiological studies. BJOG 2017; 124(12): 1816 – 1826 (ISSN: 1471- 0528). Aune D; Schlesinger S; Henriksen T; Saugstad OD; Tonstad S

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK