Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 07-02-2017 2:09pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
TS. BS. Nguyễn An Nghĩa
Bộ môn Nhi – ĐHYD Tp.HCM

Một nghiên cứu công bố vào 31/01/2017 trên tạp chí American Journal of Perinatology cho thấy những trẻ sơ sinh trải qua các biến cố ngắn trong lúc sinh, bao gồm sinh ngạt và tiền sản giật, sẽ gia tăng 15% nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder, ASD) so với trẻ bình thường, và nguy cơ tương đối mắc ASD thay đổi phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc.

Đặc biệt, các biến chứng trước sinh làm tăng 22% nguy cơ (tỉ số rủi ro HR 1,22; độ tin cậy 95% CI: 1,1-1,36), trong khi các biến chứng trong lúc sinh làm tăng nguy cơ 10% (HR: 1,1; 95% CI: 1,04-1,17). Những trẻ tiếp xúc với cả các biến chứng trước và trong sinh có nguy cơ tương đối tăng 44% (95% CI: 1,26-1,63).


Tiến sĩ Darios Getahun, làm việc tại Khoa đánh giá & nghiên cứu,  bệnh viện Kaiser Permanente Southern California, Pasadena, cùng cộng sự đã khảo sát các bệnh án điện tử của 401.660 trẻ sinh tại bệnh viện Kaiser Permanente Southern California trong khoảng thời gian 1991 - 2009. Kết quả cho thấy có 6255 trẻ được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ và hơn 1/3 số này (37%) trải qua những biến cố chu sinh. Những trẻ không mắc rối loạn phổ tự kỷ được xếp vào nhóm chứng. Để được đưa vào nghiên cứu, trẻ phải là thai đơn với tuổi thai trong khoảng 28 tuần-42 tuần và không có dị tật bẩm sinh. Chẩn đoán ASD ở trẻ 3 tuổi - 17 tuổi dựa trên tiêu chuẩn liệt kê trong DSM IV.

Tuổi trung bình ở lần chẩn đoán ASD đầu tiên là 6,2 tuổi (độ lệch chuẩn 3,3). Số trung vị thời gian theo dõi những trẻ trong nghiên cứu cả nhóm có lẫn không có biến cố chu sinh là 4,9 năm và 10,6 năm, theo thứ tự.

Sự gia tăng các nguy cơ nêu trên vẫn hiện diện ngay cả sau khi đã hiệu chỉnh các yếu tố như tuổi thai cũng như các yếu tố ở mẹ như tuổi, chủng tộc, học vấn, hút thuốc lá, các rối loạn tâm lý trong lúc mang thai, có nhận chăm sóc tiền sản hoặc không.

Bên cạnh sinh ngạt và tiền sản giật, các tác giả cho biết các biến chứng khác cũng có liên quan với ASD bao gồm nhau bong non, ngôi mông/ngang, kích thước hoặc vị trí thai bất thường, sa dây rốn.

Nguyên nhân gây ASD hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng ngày càng nhiều các chứng cứ cho thấy có liên quan đến cả yếu tố di truyền lẫn môi trường. Các tác giả kết luận rằng các biến chứng thai kỳ có thể giúp xác định những trẻ có nguy cơ mắc ASD và những trẻ có thể hưởng lợi từ việc tầm soát cũng như can thiệp sớm nhằm thúc đẩy trẻ phát triển.

Cỡ mẫu và tính đa dạng trong nghiên cứu đoàn hệ này là một điểm mạnh của nghiên cứu. Các nghiên cứu trước đây đa số không chỉ ra ảnh hưởng của tình trạng thiếu oxy ở bào thai trên ASD cũng như không chỉ ra liệu nguy cơ ASD có bị tác động bởi khác biệt trong chủng tộc hay tuổi thai hay không.

(Nguồn: Medscape)
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK