Chế độ ăn “truyền thống” hoặc “khôn ngoan” của mẹ với nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và cá có liên quan với giảm nguy cơ sinh non, theo phát hiện của một nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu lớn được đăng trên BMJ. Kết quả này càng khuyến khích các thai phụ nên có một chế độ ăn cân bằng nếu muốn một kết cục tốt cho đứa con tương lai của họ.
Sinh non được định nghĩa là sinh con ở tuối thai dưới 37 tuần. Sinh non là nguyên nhân của gần ba phần tư trường hợp tử vong sơ sinh và để lại nhiều biến chứng ngắn hạn và lâu dài.
Trong những năm vừa qua, sự hiểu biết về chế độ ăn của mẹ có thể ảnh hưởng đến kết cục của thai cũng như sức khỏe lâu dài của trẻ ngày càng tăng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa chế độ ăn của mẹ và sinh non.
Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định liệu có mối liên quan giữa các chế độ ăn của mẹ và nguy cơ sinh non (từ 22 đến dưới 37 tuần) hay không. Đoàn hệ nghiên cứu gồm 66.000 thai phụ ở Na Uy từ năm 2002 đến năm 2008.
Tiêu chuẩn nhận là đơn thai, hoàn tất bảng câu hỏi về tần suất ăn uống trong 4 đến 5 tháng đầu thai kỳ, có đầy đủ dữ liệu về số lần mang thai hoặc sinh non trước đây, thời gian mang thai từ 22+0 tuần đến 41+6 tuần, không bị đái tháo đường và lần đầu tiên tham gia nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu định nghĩa một chế độ ăn “khôn ngoan” là có sự tiêu thụ đầy đủ theo tỉ lệ các chất gồm rau xanh, trái cây, dầu, ngũ cốc nguyên hạt, và bánh mì giàu chất xơ, với nước là thức uống chính. Ngược lại, chế độ ăn “kiểu phương Tây” tiêu thụ nhiều đồ ngọt và nhiều muối, bánh mì trắng, đồ tráng miệng, và các sản phẩm thịt chế biến, và chế độ ăn “truyền thống” gồm khoai tây luộc, cá, sữa ít béo và rau nấu chín.
Kết cục nghiên cứu chính là tỉ số rủi ro (HR – hazard ratio) của sinh non dựa trên mức độ tuân thủ 3 chế độ ăn riêng biệt trên sau khi hiệu chỉnh các yếu tố tuổi mẹ, tiền sử sinh non, chiều cao, chỉ số khối cơ thể, tình trạng hôn nhân, số lần có thai, hút thuốc lá, trình độ học vấn của mẹ, thu nhập và tổng năng lượng tiêu thụ.
Sinh non xảy ra ở 3505 (5,3%) trong số 66.000 thai phụ. Điểm số tuân thủ cao với chế độ ăn khôn ngoan có liên quan với giảm nguy cơ sinh non có ý nghĩa thống kê (HR hiệu chỉnh đối với điểm số cao nhất so với thấp nhất là 0,88; khoảng tin cậy 95% là 0,8 – 0,97), cũng như giảm có ý nghĩa nguy cơ sinh non tự phát và sinh non ở tuổi thai 34-37 tuần. Nguy cơ sinh non giảm đặc biệt rõ ràng ở những phụ nữ lần đầu tiên có thai.
Chế độ ăn truyền thống cũng có liên quan với giảm nguy cơ sinh non (HR hiệu chỉnh đối với điểm số cao nhất so với thấp nhất là 0,91; khoảng tin cậy 95% là 0,83 – 0,99). Ngược lại, chế độ ăn phương Tây không có mối liên quan độc lập với sinh non.
“Nghiên cứu này cho thấy rằng những phụ nữ thực hiện chế độ ăn khôn ngoan hoặc truyền thống trong thai kỳ có nguy cơ sinh non thấp hơn so với những phụ nữ khác”, các tác giả nghiên cứu viết. “Mặc dù những phát hiện này không thể thiết lập mối liên hệ nhân quả, chúng cũng ủng hộ cho việc khuyến khích thai phụ thực hiện một chế độ ăn cân bằng gồm rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá và uống nước. Các kết quả của chúng tôi cho thấy rằng tăng tiêu thụ thức ăn theo một chế độ ăn khôn ngoan quan trọng hơn là thực hiện một chế độ ăn hoàn toàn loại bỏ thức ăn chế biến, thức ăn nhanh, đồ ăn vặt và đồ ăn nhẹ.”
Vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng các bác sĩ lâm sàng cần nhấn mạnh việc tư vấn chế độ ăn cho phụ nữ mang thai, do chế độ ăn của mẹ thực sự có thể ảnh hưởng đến nguy cơ sinh non.
Hạn chế của nghiên cứu này là thiết kế quan sát, nên không thể suy luận mối quan hệ nhân quả, có thể có yếu tố gây nhiễu, và tỉ lệ tham gia thấp (40,6%).
Nguồn: BMJ. Published online March 4, 2014.
BS Nguyễn Khánh Linh
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...