Một nghiên cứu lâm sàng cho biết những cặp vợ chồng lớn tuổi gặp vấn đề về hiếm muộn nên bỏ qua những phương pháp điều trị đơn giản khác và ưu tiên chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để có một cơ hội có thai cao hơn.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người phụ nữ từ 38 tuổi trở lên nếu làm thụ tinh trong ống nghiệm sẽ tăng khả năng có thai và tỉ lệ sinh sống gấp đôi so với việc chỉ sử dụng thuốc uống hoặc tiêm. Kết quả nghiên cứu cho thấy hơn bốn trong năm em bé ra đời là kết quả từ thụ tinh trong ống nghiệm.
Nhà nghiên cứu Marlene Goldman, giáo sư sản phụ khoa tại Trường Y Dartmouth's Geisel, ở Lebanon, N.H cho biết: “Trong nhóm tuổi này, thời gian là điều cốt yếu, nhanh chóng lựa chọn phương pháp điều trị đạt hiệu quả cao là thật sự cần thiết.”
Quá trình điều trị hiếm muộn thường được tiến hành theo từng bước. Đầu tiên người ta sử dụng phương pháp bơm tinh trùng kết hợp với thuốc kích thích buồng trứng dạng uống là Clomiphen citrate, sau đó nếu không thành công sẽ kết hợp bơm tinh trùng với thuốc tiêm gonadotropin còn gọi là hormon kích thích buồng trứng (FSH).
Nếu thất bại với 2 phương pháp trên, bác sĩ sẽ chuyển sang thụ tinh trong ống nghiệm. Trứng của người mẹ được kết hợp với tinh trùng của người bố trong đĩa cấy tạo thành phôi và sau đó chuyển phôi vào buồng tử cung. Bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm, các bác sĩ có thể giúp những người phụ nữ ở tuổi trung niên có thai mặc dù số lượng trứng ít và kèm theo một số bất thường về di truyền trứng do lớn tuổi.
Trong nghiên cứu này, có 154 cặp vợ chồng ở tuổi trung niên vô sinh chưa rõ nguyên nhân tại 2 trung tâm hiếm muộn ở Boston được chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất được điều trị bằng thuốc uống, nhóm thứ 2 sử dụng thuốc tiêm và nhóm thứ 3 đi thẳng đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Các cặp vợ chồng tham gia đã cố gắng có con trong vòng ít nhất 6 tháng và trước đây chưa từng trải qua phương pháp điều trị hiếm muộn nào. Độ tuổi người phụ nữ được chọn trong khoảng 38 đến 42, và cả 2 vợ chồng phải có sức khỏe sinh sản tương đối tốt.
Qua 2 chu kỳ điều trị:
- 49% trong nhóm thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm có thai và 31% sinh bé.
- 22% trong nhóm sử dụng thuốc uống có thai và 16% sinh bé.
- 17% trong nhóm sử dụng thuốc tiêm có thai và 14% sinh bé.
Tất cả các cặp vợ chồng không thành công trong 2 chu kỳ đầu tiên với bất kỳ phương pháp nào sẽ được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm sau đó. Những cặp vợ chồng trong nhóm IVF cần ít hơn 36% số chu kỳ điều trị để có thai so với nhóm sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm.
Cuối các đợt điều trị, 71% các cặp vợ chồng đã có thai lâm sàng và 46% có ít nhất một con sinh sống. Khoảng 84% tất cả các bé sinh sống trong nghiên cứu này là kết quả của thụ tinh trong ống nghiệm.
Phát hiện này có thể là lý do để các công ty bảo hiểm xem xét lại việc hỗ trợ cho những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm. Tiến sĩ Tommer Singer, một chuyên gia nội tiết sinh sản tại Bệnh viện Lenox Hill ở thành phố New York cho biết thụ tinh trong ống nghiệm mang lại kết cục thai kỳ nhanh chóng hơn và ít biến chứng hơn.
Singer còn lưu ý thêm rằng tác dụng của thuốc uống và thuốc tiêm kích thích buồng trứng có thể gây ra quá kích buồng trứng và gây ra song thai hoặc tam thai – những thai kỳ có nhiều biến chứng hơn với chi phí cao hơn.
Dựa vào những phát hiện này, các tác giả cũng đề nghị những cặp vợ chồng lớn tuổi nếu không đồng ý làm thụ tinh trong ống nghiệm nên sử dụng thuốc uống hơn là thuốc tiêm kích thích buồng trứng.
Goldman cho rằng: “Với những người phụ nữ lớn tuổi, đôi khi các bác sĩ bỏ qua Clomiphene citrate, họ nghĩ rằng FSH cho tỉ lệ mang thai cao hơn. Tuy nhiên chúng tôi không nhận thấy bất kỳ lợi ích gì của FSH, mà lại tăng chi phí và tăng khả năng đa thai so với Clomiphene citrate.”
Nguồn: U.S. National Institutes of Health
BS Nguyễn Thị Nhã Đan
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Quinter Central Nha Trang, Chủ Nhật ngày 12 . 01 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...