Khoảng 1/70 phụ nữ trong suốt cuộc đời họ có nguy cơ ung thư buồng trứng [1]. Ung thư buồng trứng giai đoạn sớm thường không triệu chứng. Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có phương pháp nào để tầm soát bệnh. Vì vậy, bệnh lý này thường được phát hiện trễ, khi mà các phương pháp điều trị cũng không còn hiệu quả cao.
Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây ung thư buồng trứng [2-4]. Một số các yếu tố như dậy thì sớm, mãn kinh trễ, sinh ít con, vô sinh,… có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là do tổn thương biểu mô buồng trứng lặp đi lặp lại trong quá trình phóng noãn. Trong quá trình phục hồi sau các tổn thương bề mặt đó có thể xảy ra đột biến và xuất hiện các tế bào ác tính. Trong khi đó, giả thuyết gonadotropin lại cho rằng do nồng độ gonadotropin tăng dẫn đến những biến đổi ác tính ở buồng trứng. Một giả thuyết khác cho rằng ung thư buồng trứng có liên quan đến sự biến đổi nồng độ androgen. Một số nhóm nghiên cứu lại cho rằng ung thư buồng trứng là kết quả các biến đổi viêm, mà một trong những bệnh lý liên quan là lạc nội mạc tử cung [5]. Bên cạnh đó, do ung thư buồng trứng và ung thư vòi trứng thường đi đôi với nhau cho thấy có khả năng loại ung thư biểu mô này có nguồn gốc từ vòi trứng. Cuối cùng, những người mang một số đột biến gen (BRCA1 và BRCA2) có nguy cơ ung thư buồng trứng cao hơn.
Một đối tượng được các nhà nghiên cứu quan tâm là các phụ nữ vô sinh. Đây thường là những phụ nữ chưa sinh lần nào hoặc sinh ít con, có thể có nồng độ gonadotropin/androgen tăng bất thường, và thường được kích thích buồng trứng trong quá trình điều trị. Thêm vào đó, nhiều người trong số các đối tượng này bị lạc nội mạc tử cung. Có lẽ vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy có mối liên quan giữa ung thư buồng trứng với các bệnh lý vô sinh và điều trị vô sinh.
Lạc nội mạc tử cung có thể gặp ở 10-15% phụ nữ và 30-40% trong số những phụ nữ vô sinh [6]. Theo các dữ liệu đã có đến thời điểm này cho thấy lạc nội mạc tử cung kèm với các biến đổi viêm, từ đó có thể dẫn đến những biến đổi ác tính. Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung thường đi kèm với vô sinh và sinh ít con, có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa lạc nội mạc tử cung và tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này đều chẩn đoán lạc nội mạc tử cung dựa trên thông tin hỏi và khai thác từ bệnh nhân. Ngoài ra, hầu hết các nghiên cứu đều mắc phải vấn đề về phương pháp nghiên cứu, như không kiểm soát được yếu tố gây nhiễu, thời gian theo dõi ngắn, số ca ung thư ít, và thu thập dữ liệu không hoàn chỉnh.
Nghiên cứu OMEGA là một nghiên cứu đoàn hệ cấp quốc gia trên 26.428 phụ nữ vô sinh ở 12 trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm tại Hà Lan, được tiến hành từ tháng 1/1980 đến tháng 1/1995. Mục tiêu chính của nghiên cứu OMEGA là khảo sát các tác động lâu dài của nội tiết tố trong quá trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, trong đó gồm hơn 19.000 phụ nữ được điều trị thụ tinh trong ống nghiệm và nhóm chứng gồm 6604 phụ nữ được chẩn đoán vô sinh và không điều trị thụ tinh trong ống nghiệm. Dữ liệu được thu thập từ bảng câu hỏi, qua kiểm tra hồ sơ bệnh án, và liên kết với các cơ sở dữ liệu mô bệnh học và ung thư [7].
Trong đó, một phân nhóm nghiên cứu chịu trách nhiệm đánh giá nguy cơ ung thư buồng trứng ở những phụ nữ lạc nội mạc tử cung. 2851 phụ nữ từng được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung dựa trên mô bệnh học và qua phẫu thuật chẩn đoán cùng với 806 phụ nữ được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung dựa trên những thông tin khai thác qua bảng câu hỏi được nhận vào nghiên cứu. Nhóm chứng gồm 5247 phụ nữ không có bằng chứng bị lạc nội mạc tử cung. Thời gian theo dõi là 15,2 năm, các yếu tố như tuổi, sử dụng thuốc ngừa thai phối hợp, số lần sinh con và có thực hiện IVF hay không được đưa ra phân tích [8].
Kết quả cho thấy những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có tăng nguy cơ tất cả các thể ác tính buồng trứng (tỉ số nguy cơ 8.2; 95% CI 3.1 – 21.6). Ở đây lạc nội mạc tử cung được chẩn đoán dựa trên những thông tin khai thác từ bảng câu hỏi, thông tin từ hồ sơ bệnh án vô sinh và/ hoặc bằng chứng trên mô học. Với lạc nội mạc tử cung, tỉ số nguy cơ ung thư buồng trứng là 12.4 (95% CI 2.8-54.2) và 5.5 (95% CI 1.5 – 20.2) trong u buồng trứng giáp biên ác. Khi chỉ xét riêng những trường hợp được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung dựa trên mô học, tỉ số nguy cơ lần lượt là 3.0 (95% CI 1.5 – 6.1) với tất cả các dạng u buồng trứng, 4.3 (95% CI 1.6 – 11.2) với ung thư buồng trứng và 1.9 (95% CI 0.6 – 5.8) với u buồng trứng giáp biên ác. Cả lạc nội mạc tử cung trên buồng trứng và ngoài buồng trứng đều tăng nguy cơ ung thư buồng trứng cũng như u buồng trứng giáp biên ác có ý nghĩa thống kê.
Một trong những điểm mạnh của nghiên cứu này là hầu hết các trường hợp lạc nội mạc tử cung được chẩn đoán dựa trên mô học hoặc trên phẫu thuật. Những phụ nữ được chẩn đoán qua bảng câu hỏi mà không được xác định trên phẫu thuật cũng được nhận vào nghiên cứu, nhưng sau khi loại bỏ những đối tượng này, kết quả phân tích vẫn không thay đổi có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, điểm hạn chế trong nghiên cứu này là ngày chẩn đoán lạc nội mạc tử cung thường trễ so với thời điểm khởi phát bệnh. Ngoài ra, số ca trong đoàn hệ nhỏ, dẫn đến khoảng tin cậy rộng.
Một điểm đáng chú ý khác, nghiên cứu này cho thấy những phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai dạng uống trong hơn 5 năm có nguy cơ ung thư buồng trứng thấp hơn. Thuốc ngừa thai dạng uống có thể dùng để điều trị nhiều triệu chứng liên quan đến lạc nội mạc tử cung. Sử dụng thuốc ngừa thai dạng uống được biết có liên quan đến giảm đến 50% nguy cơ ung thư buồng trứng [9]. Lợi ích này dường như cũng tương tự ở những người có lạc nội mạc tử cung, tuy nhiên cần được khảo sát kĩ bằng những nghiên cứu có cỡ mẫu lớn hơn và thiết kế chặt chẽ hơn.
Tóm lại, nghiên cứu cho thấy ở những phụ nữ vô sinh bị lạc nội mạc tử cung, nguy cơ ung thư buồng trứng có thể tăng gấp 3-8 lần. Ngoài ra, nguy cơ bệnh lý ác tính buồng trứng sẽ cao hơn nhiều nếu chẩn đoán lạc nội mạc tử cung dựa trên bằng chứng mô bệnh học, điều này cho thấy trong các nghiên cứu trước đây, ở các trường hợp lạc nội mạc tử cung chỉ chẩn đoán qua khai thác bảng câu hỏi, nguy cơ ung thư buồng trứng ước tính được là quá thấp do sai lệch do phân loại sai không khác biệt giữa các nhóm.
BS Nguyễn Thị Ngọc Nhân
Tài liệu tham khảo:
1. [No authors listed] Ovarian cancer: screening, treatment and follow-up. NIH Consens Statement. 1994;12:1-30.2. Schorge JO, Modesitt SC, Coleman RL, et al. SGO white paper on ovarian cancer: etiology, screening and surveillance. Gynecol Oncol. 2010;119:7-17.
3. Iodice S, Barile M, Rotmensz N, et al. Oral contraceptive use and breast or ovarian cancer risk in BRCA 1/2 carriers: a meta-analysis. Eur J Cancer. 2010;46:2275-2284.4. Sueblinvong T, Carney ME. Current understanding of risk factors for ovarian cancer. Curr Treat Options Oncol. 2009;10:67-81.
5. Kokcu A. Relationship between endometriosis and cancer from current perspective. Arch Gynecol Obstet. 2011;284:1473-1479.6. Somigliana E, Infantino M, Benedetti F, et al. The presence of ovarian endometriomas is associated with a reduced responsiveness to gonadotropins. Fertil Steril. 2006;86:192-196.
7. Peter Kovacs (2014). Is there a link between endometriosis and ovarian cancer?. http://www.medscape.com/viewarticle/822537. Accessed on June 07th 2014.8. Buis CC, Van Leeuwen FE, Mooij TM, Burger CW (2013). Increased risk for ovarian cancer and borderline ovarian tumours in subfertile women with endometriosis. Hum Reprod. 2013; 28(12): 3358 – 69.
9. Collaborative group on epidemiological studies on ovarian cancer; Beral V, Doll R, Hermon C, et al. Ovarian cancer and oral contraceptives: collaborative reanalysis of data from 45 epidemiological studies including 23,257 women with ovarian cancer and 87,303 controls. Lancet. 2008;371:303-314.
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...