Nồng độ vitamin D cao có vẻ không làm giảm nguy cơ rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ, đây là kết quả của một nghiên cứu mới.
Các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận rằng nguy cơ tiền sản giật tăng lên khi nồng độ 25-hydroxyvitamin D (25 D) ở mức thấp. Nhưng nồng độ 25(OH)D cao bao nhiêu để giảm nguy cơ tăng huyết áp vẫn chưa được xác định rõ ràng, theo báo cáo của các tác giả nghiên cứu đăng trực tuyến trên Annals of Epidemiology ngày 18/02/2014.
Tác giả chính của nghiên cứu, TS. Heather H. Burris – Bệnh viện Nhi đồng Boston và Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess, cho biết: Tối ưu hóa nồng độ vitamin D có thể có ích cho sức khỏe của thai phụ. Tuy nhiên, xét về tiền sản giật, chúng tôi không nhận thấy sự liên hệ có tính bảo vệ của nồng độ 25(OH)D trong khoảng cuối tam cá nguyệt 2 hoặc đầu tam cá nguyệt 3 của thai kỳ. Ngược lại, điều đáng ngạc nhiên là phụ nữ bị tăng huyết áp trong thai kỳ lại có nồng độ 25(OH)D cao hơn so với phụ nữ có huyết áp bình thường.
Khi được hỏi rằng liệu thực hành lâm sàng có nên thay đổi theo những phát hiện thế này không, TS Burris cho hay “”việc tối ưu hóa nồng độ vitamin D có thể ngăn chặn tình trạng còi xương sau sinh của trẻ, và còn cải thiện các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như đái tháo đường trong thai kỳ. Do đó, nên tiếp tục bổ sung vitamin D thường quy trong nhóm vitamin tiền sản mà mọi người vẫn đang khuyến nghị, điển hình là 400 IU. Tuy nhiên, bổ sung nhiều hơn mức này có cải thiện kết quả thai kỳ hay không thì chưa được xác định và còn phải chờ đợi các kết quả thử nghiệm ngẫu nhiên”.
Trong nghiên cứu mới của họ, TS Burris và các cộng sự đã phân tích những phụ nữ tham gia vào Project Viva, một nghiên cứu đoàn hệ tiền sản tiền cứu, ở tiểu bang Massachusetts. Những phụ nữ này đang đi khám thai lần đầu tiên (tuổi thai trung bình là 10,5 tuần) ở một trong tám phòng khám sản ở thủ phủ của Massachusetts.
Trong số 2.128 ca sinh sống, họ loại ra 28 ca do bị tăng huyết áp mãn. Trong 2.100 ca còn lại, họ lấy mẫu huyết thanh của 1.591 bệnh nhân khi họ được xét nghiệm máu định kỳ để tầm soát đái tháo đường (tuổi thai trung bình 27,9 tuần, trong khoảng 16,4 đến 36,9 tuần).
Các nhà nghiên cứu đã tách huyết tương và lưu trữ ở nhiệt độ -800C. Họ phân tích nồng độ 25(OH)D của từng mẫu 2 lần bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang tự động và miễn dịch phóng xạ thủ công (r=0.81), và lấy giá trị trung bình của hai lần đo.
Họ tiến hành các mô hình hồi quy tuyến tính đa thức có điều chỉnh đa biến và đa thức không điều chỉnh, nhằm xem xét mối liên hệ giữa nồng độ 25(OH)D riêng rẽ và các giá trị 25(OH)D liên tục với tỉ số chênh của tiền sản giật hoặc tăng huyết áp trong thai kỳ.
Nhóm tác giả đã đưa vào các yếu tố gây nhiễu có khả năng làm xáo trộn mối liên quan giữa 25(OH)D và tăng huyết áp, chẳng hạn tuổi mẹ, chủng tộc, dân tộc, hút thuốc, số lần mang thai, tuổi thai kỳ vào thời điểm lấy máu, tình trạng hôn nhân và học vấn; và họ cũng xem xét chỉ số BMI tiền thai kỳ, tình trạng lên cân, các hoạt động thể chất ở tam cá nguyệt 2 và cả chế độ dinh dưỡng gồm canxi và cá.
Trong nhóm 1.591 bệnh nhân, 56 ca (3,5%) bị tiền sản giật, và 109 ca (6,9%) bị tăng huyết áp trong thai kỳ. Nồng độ 25(OH)D trung bình là 58 nmol/L. Có ít bằng chứng cho thấy tỉ số chênh của đái tháo đường thai kỳ hay tiền sản giật bị thay đổi bởi nồng độ 25(OH)D.
Trong mô hình điều chỉnh toàn bộ và không điều chỉnh gì, họ đã không tìm ra mối liên hệ nào với tiền sản giật. Ngược lại, khi tăng thêm cứ mỗi 25 nmol/L 25(OH)D, họ lại thấy tỉ số chênh của tăng huyết áp thai kỳ tăng lên trong mô hình không điều chỉnh (OR 1.25) và mô hình điều chỉnh toàn bộ (OR 1.32).
Các tác giả khuyến nghị rằng: “Mặc dù nguy cơ tăng huyết áp tăng lên có thể do ngẫu nhiên, các thử nghiệm về việc bổ sung vitamin D trong thai kỳ nên chú ý theo dõi tăng huyết áp trong thai kỳ. Nếu mối liên hệ được các nghiên cứu khác xác nhận, kết quả này có thể gây lo lắng vì lượng bổ sung chuẩn chứa đến 600 IU, đủ để nâng nồng độ 25(OH)D thêm 15nmol/L, nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ ở bệnh nhân có thể tăng thêm 20%, dựa theo dữ liệu chúng tôi hiện có.”
Nguồn: http://bit.ly/1fx9Z46 Ann Epidemiol 2014.
BS Nguyễn Khánh Linh, BV Phương Châu
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Quinter Central Nha Trang, Chủ Nhật ngày 12 . 01 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...