Tin tức
on Tuesday 15-02-2022 2:36pm
Danh mục: Tin quốc tế
TKYK. Nguyễn Trần Anh Anh Thư, BS. Nguyễn Thành Nam – IVFMD Tân Bình
Mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân là nền tảng trong quá trình điều trị hiếm muộn do các tác động có liên quan đến cảm xúc trong quá trình điều trị. Đã có những nghiên cứu trước đây cho thấy, các rối loạn tâm lý như căng thẳng, lo âu và trầm cảm ảnh hưởng đến kết quả điều trị hiếm muộn của những phụ nữ mong con. Vấn đề này càng trở nên quan trọng hơn trong thời kỳ đại dịch COVID-19 kéo dài dai dẳng trong suốt hơn 2 năm vừa qua. Lúc này sự thấu hiểu và chia sẻ của bác sĩ với cặp vợ chồng hiếm muốn được ví như liều “thuốc bổ” không những có giá trị tinh thần giúp bệnh nhân xua tan đi những căng thẳng tâm lý dù rằng kết quả điều trị là thành công hay thất bại, mà còn giúp cải thiện kết cục điều trị hiếm muộn do bệnh nhân trở nên tin tưởng vào bác sĩ và tuân thủ điều trị tốt hơn.
Nhằm làm rõ vấn đề này, Iordăchescu và cộng sự (2021) đã thực hiện một nghiên cứu cắt ngang từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2020, thu thập dữ liệu từ các bảng câu hỏi theo thang điểm Likert. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân thông qua quá trình giao tiếp, đồng cảm, tin tưởng, hợp tác, tuân thủ điều trị và sự hài lòng. Nhóm dân số nghiên cứu gồm 151 phụ nữ điều trị hiếm muộn, độ tuổi từ 21 đến 46 tuổi (mean = 33,34, SD = 4,63). Đối tượng tự nguyện tham gia vào khảo sát thông qua các kênh thông tin trực tuyến như mạng xã hội Facebook và dữ liệu được thu thập trực tuyến thông qua nền tảng Google Biểu mẫu (Google Form). Đối tượng người tham gia trả lời một bộ câu hỏi thu thập dữ liệu dựa trên thông tin nhân khẩu học – xã hội (tuổi tác, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn) và tình trạng hiếm muộn (thời gian mong con, nguyên nhân hiếm muộn, phương pháp hỗ trợ sinh sản, số lần điều trị, thời gian của mối quan hệ của bệnh nhân với bác sĩ và các khía cạnh liên quan đến việc lựa chọn bác sĩ và phòng khám hỗ trợ sinh sản).
Kết quả khảo sát cho thấy, trung bình, mỗi bệnh nhân được điều trị bởi trung bình khoảng hơn hai bác sĩ hỗ trợ sinh sản (mean = 2,29, SD = 1,40). 104 bệnh nhân lựa chọn bác sĩ dựa trên các lời khuyên (68,9%); 41 bệnh nhân tự tìm kiếm trên Internet (27,2%) ; và 6 bệnh nhân nói rằng họ tình cờ gặp bác sĩ (4%). 127 bệnh nhân cho biết họ chọn phòng khám hỗ trợ sinh sản dựa theo bác sĩ chuyên khoa (84,1%); 18 bệnh nhân chọn phòng khám theo danh tiếng phòng khám (11,9%) và 5 bệnh nhân (4%) chọn phòng khám theo các đặc điểm khác (phôi học và tỷ lệ thành công). Về thời gian duy trì của mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, 98% người tham gia đã duy trì liên hệ với bác sĩ hiện tại của họ tối đa là 4 năm và 2% người tham gia đã có mối quan hệ hơn 5 năm. Về mối quan hệ với bác sĩ trong đại dịch COVID-19, 33% người tham gia nghiên cứu nói rằng đại dịch ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với bác sĩ và 44% ngừng tiếp xúc với bác sĩ chuyên khoa và các thủ thuật y tế từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2020.
Phát hiện của nghiên cứu này cho thấy việc sử dụng hiệu quả các kỹ năng giao tiếp thấu cảm có thể là một trong những cách tốt nhất để cải thiện lòng tin của bệnh nhân đối với bác sĩ. Nhờ sự đồng cảm này, bệnh nhân hiếm muộn dễ dàng sẻ chia hơn với bác sĩ khi điều trị, tạo điều kiện cho việc xây dựng mối quan hệ nghề nghiệp dựa trên kết nối tình cảm. Để thể hiện được sự đồng cảm, bác sĩ cần có khả năng lắng nghe những cảm nhận của cặp vợ chồng hiếm muộn, để hiểu bệnh nhân cảm thấy thế nào và tại sao bệnh nhân cảm thấy như vậy. Ngoài ra, các bác sĩ có kỹ năng thấu cảm sẽ hiểu rõ cảm xúc của bệnh nhân và thể hiện lòng trắc ẩn phù hợp nhất. Các bác sĩ này sẽ có thể có được bức tranh toàn cảnh hơn về hoàn cảnh của bệnh nhân và hỗ trợ bệnh nhân về mặt tinh thần. Một khi bệnh nhân cảm nhận được mối liên hệ này với bác sĩ của họ, bệnh nhân sẽ sẽ tin tưởng hơn vào bác sĩ và các thông tin được cung cấp, cũng như chất lượng của dịch vụ hỗ trợ sinh sản.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng còn tồn tại một số giới hạn về thiết kế cắt ngang mô tả. Phong cách giao tiếp của bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, nhưng không được đưa vào nghiên cứu này. Bên cạnh đó, nghiên cứu này không bao gồm kỳ vọng của bệnh nhân về phong cách giao tiếp của bác sĩ. Một hạn chế khác đề cập đến việc sử dụng các công cụ đánh giá chung, không được xây dựng để sử dụng trong bối cảnh bệnh nhân điều trị hiếm muộn. Do đó, có nguy cơ dữ liệu do những người tham gia báo cáo sẽ bị ảnh hưởng bởi năng lực hiểu biết về bản thân và xu hướng mong muốn xã hội của họ. Do sự tham gia tự nguyện của bệnh nhân trong nghiên cứu này, nên tính khái quát của các kết quả còn khá hạn chế.
Tuy nhiên, đây cũng là nghiên cứu đầu tiên phân tích mối quan hệ giữa bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ sinh sản và bệnh nhân hiếm muộn. Ngoài ra, nghiên cứu này trình bày những đóng góp rất có giá trị về mặt lý thuyết, ứng dụng, phương pháp luận và lâm sàng, giúp xác định và vận hành các khía cạnh khái niệm tạo ra mối quan hệ giữa bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn và bệnh nhân, cụ thể là giao tiếp, đồng cảm, tin tưởng, hài lòng và tuân thủ điều trị.
Như vậy, nghiên cứu này đưa ra đề xuất về một chiến lược quản lý và vận hành trung tâm hỗ trợ sinh sản, phòng khám hiếm muộn và bệnh viện có chuyên khoa hỗ trợ sinh sản để áp dụng trong chương trình đào tạo liên tục để nâng cao kỹ năng thấu cảm của các bác sĩ chuyên khoa.
Tài liệu tham khảo: Iordăchescu DA, Golu FT, Paica CI, Gorbănescu A, Panaitescu AM, Gică C, Peltecu G, Gică N. The Relationship between the Infertility Specialist and the Patient during the COVID-19 Pandemic. Healthcare (Basel). 2021 Nov 28;9(12):1649. doi: 10.3390/healthcare9121649. PMID: 34946375; PMCID: PMC8702128.
Từ khóa: COVID-19
Các tin khác cùng chuyên mục:
Trẻ ra đời từ bảo tồn sinh sản bằng phương pháp đông lạnh mô buồng trứng kết hợp với IVM - Ngày đăng: 13-02-2022
Tính đồng nhất về kết quả phân tích nhiễm sắc thể giữa phôi nang chỉ sinh thiết các tế bào lá nuôi phôi (TE) so với thực hiện sinh thiết toàn bộ phôi nang - Ngày đăng: 13-02-2022
TỈ LỆ THÀNH CÔNG TRONG CHU KỲ IVF KÍCH TRỨNG TỐI THIỂU (MINI-IVF) CHỈ VỚI CLOMIPHENE CITRATE - Ngày đăng: 13-02-2022
Biến chứng ở mẹ và trẻ sơ sinh sau khi chuyển phôi nang đông lạnh ở phác đồ sử dụng liệu pháp hormone thay thế so với chu kỳ tự nhiên - Ngày đăng: 13-02-2022
Giá trị tiên lượng của chất lượng noãn trong kết cục của ART: một tổng quan hệ thống - Ngày đăng: 13-02-2022
Tỷ lệ dị tật tim bẩm sinh trong thai kỳ sau hỗ trợ sinh sản: Một nghiên cứu đoàn hệ - Ngày đăng: 09-02-2022
Tâm lý bệnh nhân điều trị hiếm muộn bị gián đoạn hoặc trì hoãn do đại dịch COVID- 19 - Ngày đăng: 30-01-2022
Tác động của hla trong chất nhầy cổ tử cung tới chức năng của tinh trùng - Ngày đăng: 30-01-2022
Cấy ghép tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm cho bệnh nhân vô sinh do yếu tố tử cung bẩm sinh hoặc mắc phải: đánh giá kết quả ở 52 trường hợp đầu tiên - Ngày đăng: 30-01-2022
Khảo sát về kinh nghiệm bảo quản lạnh tinh trùng dài hạn ở bệnh nhân ung thư và không ung thư: Việc sử dụng và kết quả sinh sản của một đoàn hệ lớn đơn trung tâm - Ngày đăng: 27-01-2022
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK