Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 24-01-2022 7:21am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Thị Kim Ngân - IVFMD Tân Bình

Kể từ khi đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đầu tiên ra đời vào năm 1978, rất nhiều nỗ lực đã được hướng đến nhằm cải thiện tỷ lệ trẻ sinh sống sau IVF. Một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công của IVF là sự làm tổ của phôi và thành phần môi trường chuyển phôi có thể là một nhân tố dẫn đến sự làm tổ thành công. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm khảo sát vai trò của các hợp chất bám dính được bổ sung vào môi trường, điển hình như axit hyaluronic (HA).
 
Axit hyaluronic (HA) là một trong những đại phân tử có mặt trong đường sinh sản nữ. Với đặc tính là một phân tử ái nước cao, HA có thể hình thành một dạng hợp chất có tính kết dính cao, do đó, giúp cho sự liên kết các tế bào được dễ dàng và bền vững hơn. HA cũng được tìm thấy ở nội mạc tử cung người. Các nghiên cứu đã cho thấy có sự thay đổi nồng độ HA trong tử cung quanh thời điểm làm tổ của phôi, do đó, HA có thể đóng vai trò nào đó trong quá trình phôi kết dính và làm tổ vào niêm mạc tử cung cũng như sự phát triển của phôi sau khi được chuyển vào buồng tử cung.
 
HA được sử dụng như một chất bổ sung cho môi trường chuyển phôi với mục đích cải thiện khả năng làm tổ. Phân tích tổng hợp của Cochrane (2014) kết luận rằng việc sử dụng môi trường chuyển phôi bổ sung HA ở nồng độ cao 0,5 mg/ml giúp cải thiện tỷ lệ sinh sống sau IVF khi so với môi trường chứa HA nồng độ thấp hoặc hoàn toàn không có HA. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu được thực hiện với dữ liệu chủ yếu từ các chu kỳ chuyển phôi tươi. Dữ liệu về chu kỳ chuyển phôi đông lạnh (FET) còn rất hạn chế và kết quả giữa các nghiên cứu vẫn còn nhiều tranh cãi. Hiệu quả của HA cũng có thể khác nhau giữa chu kỳ chuyển phôi tươi và chu kỳ FET. Do đó, tác giả Yung và cộng sự (2021) đã tiến hành nghiên cứu này nhằm xem xét ảnh hưởng của môi trường chuyển phôi giàu HA lên tỷ lệ sinh sống trong các chu kỳ FET.
 
Đây là một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với sự tham gia của 550 phụ nữ (<43 tuổi) trải qua chu kỳ FET từ tháng 04/2016 đến tháng 04/2018. Bệnh nhân sẽ được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm theo tỷ lệ 1:1. Nhóm HA sử dụng EmbryoGlue (Vitrolife, Gothenburg, Thụy Điển) với nồng độ HA là 0,5 mg/ml; nhóm đối chứng sử dụng môi trường G-2 (Vitrolife) với nồng độ HA là 0,125 mg/ml. Tỷ lệ sinh sống và các kết quả lâm sàng khác sẽ được ghi nhận và so sánh giữa 2 nhóm.
 
Kết quả chính thu được như sau:
- Đặc điểm nền giữa 2 nhóm không có sự khác biệt đáng kể.
- Tỷ lệ sinh sống ở nhóm HA và nhóm chứng là tương đương nhau (25,5% so với 25,8%, RR = 0,99, 95% KTC, 0,74 – 1,31).
- Các kết quả lâm sàng khác cũng tương tự giữa 2 nhóm.
- Phân tích hồi quy logistic cho thấy môi truờng chuyển phôi không liên quan đến tỷ lệ sinh sống.
Kết luận: Việc sử dụng môi trường chuyển phôi bổ sung HA với nồng độ cao không cải thiện tỷ lệ sinh sống trong các chu kỳ FET so với môi trường tiêu chuẩn.
 
Nguồn: Yung, S. S. F., Lai, S. F., Lam, M. T., Lui, E. M. W., Ko, J. K. Y., Li, H. W. R., ... & Ng, E. H. Y. Hyaluronic acid–enriched transfer medium for frozen embryo transfer: a randomized, double-blind, controlled trial. Fertility and Sterility 2021.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK