Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 13-02-2022 9:21pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Quỳnh Như - IVFMD Buôn Ma Thuột
 
Trong công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART), xét nghiệm di truyền lệch bội tiền làm tổ (PGT-A) trên phôi nang được sử dụng rộng rãi tại nhiều trung tâm trên thế giới. Kỹ thuật này được chứng minh là  giúp cải thiện tỷ lệ làm tổ và giảm tỷ lệ sẩy thai bằng cách chọn lọc những phôi nguyên bội trước khi chuyển cho bệnh nhân. Kỹ thuật sinh thiết phôi là một kỹ thuật xâm lấn, do đó việc cân bằng giữa số lượng tế bào TE thu nhận và tính đại diện của chúng cho phôi là một trong các vấn đề rất được quan tâm. Trong báo cáo của Guzman và cộng sự, tác giả chỉ ra rằng không nên lấy quá 5 tế bào TE để  PGT-A, vì việc lấy nhiều tế bào có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển phôi nang, làm tăng nguy cơ thất bại làm tổ và sẩy thai. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khoảng 5 tế bào TE được sinh thiết là đủ để thực hiện phân tích tình trạng nhiễm sắc thể. Tuy nhiên giai đoạn phôi nang có khoảng 300 tế bào do đó việc chỉ lấy 5 tế bào TE làm đại diện cho tình trạng nhiễm sắc thể của toàn bộ phôi nang làm dấy lên sự lo ngại về tính chính xác của kết quả. Như đã biết, các tế bào TE sẽ biệt hóa thành các mô nhau thai sau khi làm tổ, và quan trọng nhất là tình trạng nhiễm sắc thể của khối tế bào ICM vì đây chính là phần biệt hóa thành thai nhi. Tình trạng nhiễm sắc thể của TE và ICM đã được phân tích riêng biệt và so sánh trong một số nghiên cứu nhưng không có nghiên cứu nào trong số này chỉ ra mối quan hệ giữa tình trạng nhiễm sắc thể của các mẫu sinh thiết TE và nhóm tế bào ICM. Điều quan trọng là các thủ thuật xâm lấn để xác định tình trạng nhiễm sắc thể của ICM không khả thi trong thực hành lâm sàng. Việc lấy tế bào ICM để phân tích có thể dẫn đến tổn thương phôi lớn hơn nhiều và ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi nhiều hơn so với sinh thiết TE. Do đó, tình trạng nhiễm sắc thể của toàn bộ phôi được đánh giá gián tiếp dựa trên những phát hiện cơ bản về tình trạng nhiễm sắc thể của các tế bào TE được sinh thiết. Hiệp hội Quốc tế Chẩn đoán Di truyền Tiền làm tổ (PGDIS) đã đưa ra hướng dẫn về việc sử dụng PGT-A trong thực hành lâm sàng để chẩn đoán phôi bào khảm. Tuy nhiên, các hướng dẫn này đã quy định các tiêu chí sử dụng PGT-A như một công cụ sàng lọc phôi và không đảm bảo sự nhất quán giữa tình trạng nhiễm sắc thể của các mẫu sinh thiết TE và của toàn bộ phôi.
 
Mặc dù gần đây có nhiều báo cáo về PGT-A sử dụng DNA tự do (cfDNA) từ môi trường nuôi cấy phôi, sự đồng nhất giữa tình trạng nhiễm sắc thể phôi nang và nguồn gốc của cfDNA còn gây nhiều tranh cãi. Hiện tại, PGT-A được triển khai trong thực hành lâm sàng là sử dụng các mẫu sinh thiết TE.
 
Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp giải trình NGS để phân tích mối quan hệ giữa tình trạng nhiễm sắc thể của khoảng 5 tế bào TE được sinh thiết và các tế bào phôi nang từ 29 phôi nang đông lạnh và rã đông. Đặc biệt, tác giả so sánh dữ liệu nhiễm sắc thể thu được từ các tế bào TE được sinh thiết và các tế bào phôi nang còn lại để xác định tính nhất quán và mối liên hệ (nếu có) của nhiễm sắc thể ở 2 nhóm tế bào này. Nghiên cứu thực hiện trên 29 phôi nang thu được từ 11 phụ nữ. Các phôi nang đã được trữ lạnh từ năm 2005 đến năm 2011, các bệnh nhân đồng ý hiến phôi cho nghiên cứu khoa học. Chất lượng các phôi lúc trữ lạnh là 3AA (n = 8), 3BB (n = 2), 4AA (n = 13), 4AB (n = 1), 4BA (n = 1), 4BB (n = 2) và 6AA (n = 2). Tuổi trung bình của những bệnh nhân hiến tặng phôi nang để đông lạnh là 34,7 ± 2,7 tuổi. Tất cả các phôi được sử dụng đều trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (cIVF). Các mẫu sinh thiết và phôi nang còn lại được xử lý bằng bộ kit VeriSeq PGS, và các trạng thái nhiễm sắc thể được so sánh bằng giải trình tự NGS.
 
Sự khác biệt được quan sát thấy trong tình trạng nhiễm sắc thể của 11 trong số 29 phôi nang giữa TE được sinh thiết và khối tế bào ICM. Sự giống nhau về kết quả được quan sát thấy ở 11 trong số 12 phôi nang được phân loại là nguyên bội và ở 7 trong số 17 phôi nang được phân loại là lệch bội. 100% trường hợp đồng nhất kết quả giữa TE và ICM (7/7) trong các trường hợp được chẩn đoán là lệch bội không mang thể khảm. Tuy nhiên, sự khác biệt đã được quan sát thấy trong tất cả 10 trường hợp có biểu hiện khảm hoặc bất thường một phần nhiễm sắc thể.
 
Phân tích tình trạng nhiễm sắc thể dựa trên sinh thiết TE không phản ánh chính xác tình trạng nhiễm sắc thể của toàn bộ phôi nang. Tình trạng nhiễm sắc thể thường giống nhau giữa TE và các phôi bào còn lại trong các trường hợp được chẩn đoán là nguyên bội hoặc lệch bội không có thể khảm. Tuy nhiên, phôi nang khảm và những phôi có kiểu sắp xếp lại cấu trúc khác có nguy cơ khác biệt cao hơn, cần phải thận trọng trong quá trình lựa chọn phôi.
 
TLTK: Takahashi H, Takahashi K, Goto M, Hirakawa T, Hasegawa H, Shitara A, Iwasawa T, Togashi K, Makino K, Shirasawa H, Miura H, Sato W, Kumazawa Y, Terada Y. Consistency between chromosomal status analysis of biopsied human blastocyst trophectoderm cells and whole blastocyst cells. Reprod Med Biol. 2021 Jun 23;20(4):444-450. doi: 10.1002/rmb2.12400. 
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK