Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 29-12-2021 7:37pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Ngọc Huệ - IVFMD Bình Dương

Hoạt hóa noãn là một chuỗi quá trình phức tạp gồm một loạt các sự kiện cần thiết cho quá trình thụ tinh với sự khởi đầu được kích hoạt nhờ vào phospholipase C zeta - nhân tố chính gây ra sự dao động canxi nội bào thông qua con đường trung gian inositol-1,4,5-triphosphate (IP3). Do đó, những sai hỏng trong quá trình này sẽ gây ra sự suy giảm canxi nội bào, đặc biệt là vắng mặt các đợt dao động canxi dẫn đến thất bại thụ tinh. Nhằm mục đích hỗ trợ quá trình hoạt hóa của noãn, nhiều phương pháp hoạt hóa noãn nhân tạo (artificial oocyte activation - AOA) đã được sử dụng như cơ học, vật lý hoặc hóa học. Trong đó hoạt hóa noãn nhân tạo hóa học bằng Ca2+ ionophores như ionomycin và calcimycin được ứng dụng lâm sàng phổ biến nhất. Trong 20 năm qua, AOA với Ca2+ ionophores đã được ứng dụng thành công ở những nhóm bệnh nhân thất bại thụ tinh hoặc thụ tinh kém và vô sinh do yếu tố nam nghiêm trọng. Gần đây, một số kết quả báo cáo Ca2+ ionophore có thể cải thiện sự phát triển của phôi và các kết quả lâm sàng ở những bệnh nhân có các vấn đề về khả năng phát triển của phôi trước đó. Vài nghiên cứu khác cho thấy AOA không thể cải thiện tỉ lệ thụ tinh cho tất cả các bệnh nhân, thậm chí có thể làm giảm khả năng phát triển của hợp tử thành phôi chất lượng tốt. Trong nghiên cứu này, Mingru Yin và cộng sự (2021) đánh giá mức độ ảnh hưởng thực tế của ionomycin đối với sự phát triển của phôi bằng cách thực hiện AOA và không thực hiện AOA trên noãn của cùng một bệnh nhân có các vấn đề về khả năng phát triển của phôi ở chu kỳ trước.
 
Đây là một nghiên cứu hồi cứu ghi nhận dữ liệu từ tháng 9/2015 đến tháng 1/2020 trên 1422 noãn MII từ 140 bệnh nhân có các tiêu chí sau: (1) tỉ lệ phôi ngày 3 chất lượng kém >70% trong các chu kỳ trước (phôi ngày 3 chất lượng kém/noãn thụ tinh bình thường (2PN)); (2) tỉ lệ thụ tinh bình thường (2PN/noãn MII) > 70% trong các chu kỳ trước. Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của AOA đối với sự phát triển của phôi, những bệnh nhân này được chia thành hai nhóm: nhóm 1 có tỉ lệ phôi tốt ngày 3 là 0% (n = 66); nhóm 2 có tỉ lệ phôi tốt ngày 3 dao động từ 1-30% (n = 74). Trong mỗi nhóm, noãn của cùng một bệnh nhân được thực hiện AOA (sử dụng ionomycin 1 giờ sau ICSI) và không thực hiện AOA.
 
Kết quả cho thấy:
- Ở nhóm 1: tỉ lệ thụ tinh bình thường, tỉ lệ phôi phân chia, tỉ lệ phôi ngày 3 chất lượng tốt và tỉ lệ phôi nang hữu dụng không có sự khác biệt giữa nhóm AOA và nhóm không AOA, tương ứng 72,7% so với 79,3%, 97,4% so với 98,0%, 20,1% so với 19,7% và 6,6% so với 8,4%.
- Ở nhóm 2: không có sự khác biệt giữa nhóm AOA và nhóm không AOA về tỉ lệ thụ tinh bình thường (77,7% so với 81,9%), tỉ lệ phôi phân chia (98,1% so với 97,0%), tỉ lệ phôi ngày 3 chất lượng tốt (25,8% so với 22,1%) và tỉ lệ phôi nang hữu dụng (9,6% so với 9,3%).
- Không có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ thai sinh hóa, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ sẩy thai và tỉ lệ trẻ sinh sống (50,0% so với 45,2%, 45,2% so với 40,5%, 37,3% so với 31,3%, 10,5% so với 11,8%, 40,5% so với 35,7%) giữa nhóm AOA và không AOA.
- Tương tự, các kết quả về tuổi thai, trọng lượng cơ thể, chiều dài cơ thể và tỉ lệ trẻ sinh non cũng không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm.
 
Như vậy, nghiên cứu chứng minh AOA sử dụng ionomycin sau ICSI không cải thiện các kết quả lâm sàng so với nhóm không thực hiện AOA đối với những bệnh nhân có các vấn đề về khả năng phát triển của phôi ở các chu kỳ điều trị trước. Từ các kết quả trên, nghiên cứu đã góp phần cung cấp thêm bằng chứng liên quan đến AOA trong thực hành lâm sàng.
 
Tài liệu tham khảo:
Yin M., Li M., Li W và cộng sự. Efficacy of artificial oocyte activation in patients with embryo developmental problems: a sibling oocyte control study. Archives of gynecology and obstetrics. 2021; 1-7.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK