Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 20-12-2021 4:09pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Duy Tùng

Hiện nay, ngày càng nhiều trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm ra đời, điều này giúp bệnh nhân có nhiều trung tâm để lựa chọn điều trị. Và điều đó sinh ra nhu cầu chuyển phôi của bệnh nhân từ trung tâm này sang trung tâm khác để sử dụng. Trữ lạnh bằng phương pháp thuỷ tinh hoá đã trở thành tiêu chuẩn vàng trong trữ đông phôi những năm gần đây, và đối với những nhà sản xuất môi trường họ thường cung cấp các bộ môi trường trữ và kèm với các bộ rã tương ứng để cho kết quả tối ưu. Tuy nhiên, đối với những labo nuôi cấy phôi IVF, việc trang bị nhiều bộ môi trường để phù hợp cho từng bệnh nhân chuyển phôi đông lạnh từ các trung tâm khác về sẽ làm gia tăng chi phí cũng như gánh nặng về quy trình. Những bộ môi trường từ những hãng sản xuất khác nhau thường chỉ có sự khác biệt nhỏ trong thành phần, mặc dù nồng độ chính xác của từng thành phần trong môi trường thường không được công bố. Để giảm thiểu gánh nặng về nhân lực và chi phí cho các phòng thí nghiệm phôi học trong quá trình trữ lạnh và rã đông phôi, việc hướng tới sử dụng chung một bộ môi trường rã cho những bộ môi trường trữ khác nhau đã được đề xuất sử dụng và đã được thử nghiệm thành công trên cả mẫu đông lạnh chậm và thuỷ tinh hoá. Một số nghiên cứu đã cho thấy kết quả lâm sàng khi sử dụng những bộ môi trường trữ, rã khác nhau trên noãn và phôi phân chia của những nhà sản xuất khác nhau cho kết quả khả quan về tỷ lệ sống, tỷ lệ phôi phát triển thành phôi nang và tỷ lệ làm tổ. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều bằng chứng về các kết quả khi thực hiện với phôi nang, và nghiên cứu này được thực hiện nhằm bổ sung thêm các bằng chứng về việc sử dụng một hệ môi trường rã đông cho phôi nang đông lạnh bằng nhiều hệ môi trường trữ khác nhau.
 
Nghiên cứu đoàn hệ chiều dọc (longitudinal cohort study) được thực hiện trên 255 phôi nang được trữ lạnh bằng phương pháp thuỷ tinh hoá sử dụng môi trường của Kitazato và được rã đông bằng một trong ba loại môi trường thương mại của Kitazato (KK), Sage (KS) hoặc Irvine (KI). Nghiên cứu sẽ phân tích tỷ lệ sống sau rã, tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ trẻ sinh sống và tỷ lệ sảy thai và phân nhóm bệnh nhân dựa vào nguồn noãn (tự thân – 139 phôi, xin noãn -116 phôi). Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu thu được một số kết quả như sau:
 
Trên nhóm sử dụng noãn tự thân:
  • Tỷ lệ sống giữa 3 nhóm tương đương nhau: 100% ở nhóm KK, 97,6% ở nhóm KS và 97,6% ở nhóm KI (p = 0,59).
  • Tỷ lệ thai lâm sàng không quá khác biệt: 38,3% ở nhóm KK, 49% ở nhóm KS và 56,1% ở nhóm KI (p = 0,24).
  • Tỷ lệ trẻ sinh sống lần lượt là 29,8% ở nhóm KK, 36,7% ở nhóm KS và cao nhất ở nhóm KI đạt 46,3% nhưng không đạt ý nghĩa thống kê (p = 0,28)
 
Trên nhóm bệnh nhân xin noãn:
  • Tỷ lệ sống đều đạt 100% ở cả 3 nhóm.
  • Tỷ lệ thai lâm sàng và trẻ sinh sống ở cả 3 nhóm môi trường KK, KS và KI cho kết quả tương đồng như nhóm noãn tự thân với tỷ lệ trẻ sinh sống cao nhất ở nhóm KI nhưng đều không đạt ý nghĩa thống kê.
Đây là nghiên cứu đầu tiên báo cáo về biệc sử dụng một bộ môi trường rã đông cho phôi nang trữ lạnh bằng nhiều hệ môi trường trữ khác nhau. Điều này vốn không được khuyến khích bởi các nhãn hiệu sản xuất môi trường, cũng như không phải là một quy trình thường quy được khuyến khích trong các labo phôi học. Với tiền đề là việc thử nghiệm sử dụng chung một loại môi trường rã cho nhiều hệ môi trường trữ khác nhau đã được thử nghiệm trên noãn, nghiên cứu này đã được ra đời và cho thấy những kết quả khả quan trong việc sử dụng một phác đồ rã đông cho phôi nang được trữ bởi các hệ môi trường khác nhau khi các kết quả về tỷ lệ phôi sống và các kết quả lâm sàng như tỷ lệ thai lâm sàng và trẻ sinh sống không quá khác biệt khi so với bộ môi trường rã được khuyến nghị bởi nhà sản xuất. Nghiên cứu này ủng hộ cho ý tưởng sử dụng chung một phác đồ duy nhất để rã đông phôi và noãn sau khi được trữ lạnh bằng phương pháp thủy tinh hoá, giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí và tâm lý cho các chuyên viên phôi học tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới.
 
Nguồn: Canosa S, Parmegiani L, Charrier L, et al. Are commercial warming kits interchangeable for vitrified human blastocysts? Further evidence for the adoption of a Universal Warming protocol [published online ahead of print, 2021 Nov 30]. J Assist Reprod Genet. 2021;10.1007/s10815-021-02364-1. doi:10.1007/s10815-021-02364-1

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK