Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 16-06-2021 11:04pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Duy Khang – IVF Vạn Hạnh

Việc đánh giá hình thái để lựa chọn tinh trùng phù hợp nhất cho thụ tinh ống nghiệm không nhận biết được đặc điểm di truyền và phân tử của mỗi tế bào. Chọn lựa một tinh trùng không đảm bảo về chức năng thụ tinh có thể dẫn đến sự thất bại trong thụ tinh, phát triển phôi, làm tổ hoặc dẫn đến sảy thai. Do đó, việc lựa chọn tinh trùng rất quan trọng trong việc đảm bảo noãn được thụ tinh một cách tối ưu nhất. Trong số các đặc tính sinh lý liên quan đến chức năng của tinh trùng, apoptosis (tế bào chết theo chương trình) là một trong những đặc tính bất lợi cho khả năng thụ tinh của tinh trùng. Sự gia tăng biểu hiện của các dấu ấn apoptosis như Activated Caspase-3, Externalized

Phosphatidylserine hoặc phân mảnh DNA (DNA fragmentation - fDNA) tinh trùng có liên quan đến bất thường hình thái hoặc độ di động tinh trùng, giảm tỷ lệ thụ tinh và tối ưu hóa chất lượng phôi, giảm tiềm năng thụ tinh và kích hoạt phản ứng cực đầu. Do đó, việc phân tách tinh trùng apoptosis là điều cần thiết nhằm đảm bảo lựa chọn tinh trùng có khả năng sinh lý tốt nhất.

Phân loại tế bào bằng phương pháp hoạt hoá từ tính (Magnetic-activated cell sorting - MACS) là kỹ thuật phân tách tế bào, cho phép giữ lại bên trong cột từ tính những tinh trùng apoptosis có biểu hiện Phosphatidylserine bên ngoài màng tế bào. Mẫu sau lọc rửa sẽ có nhiều tinh trùng không apoptosis, sẵn sàng cho sử dụng trong hỗ trợ sinh sản. Mặc dù không được sử dụng phổ biến trong lâm sàng, đây là phương pháp được khuyến nghị khi bệnh nhân có chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng cao, có hơn 2 lần thực hiện ICSI thất bại không rõ nguyên nhân, có hơn 2 lần sảy thai không rõ nguyên nhân không do yếu tố nữ.

MACS kết hợp với phương pháp ly tâm thang nồng độ (density gradient centrifugation - DGC) cho tỷ lệ thu hồi tinh trùng di động cao hơn (68%) khi so sánh với mẫu xuất tinh (39%), cũng như chỉ số phân mảnh DNA thấp hơn (4% trong mẫu MACS - DGC so với 24% trong mẫu đối chiếu) và cải thiện tỷ lệ tinh trùng có hình dạng bình thường. Tuy nhiên, trong một số nghiên cứu khác, sự suy giảm fDNA không đáng kể, sự suy giảm này chỉ có ý nghĩa thống kê khi chỉ số phân mảnh trong mẫu xuất tinh ≥ 30% (7,1% sau khi thực hiện MACS so với  41,4% trong mẫu xuất tinh), không có sự cải thiện đáng kể về hình dạng tinh trùng bình thường, độ di động, dấu ấn PLC-ζ khi so sánh giữa MACS kết hợp với phương pháp Swim up hoặc DGC so với mẫu xuất tinh ban đầu. Bên cạnh tác dụng của MACS trong việc cải thiện các thông số tinh trùng sau lọc, vẫn còn thiếu sự nhất trí liệu lựa chọn tinh trùng bằng MACS có cải thiện kết quả các chu kỳ hỗ trợ sinh sản.

PHƯƠNG PHÁP
Đây là một nghiên cứu hồi cứu quan sát đa trung tâm không lựa chọn nam giới, được thực hiện trên 49.350 chu kỳ thực hiện ICSI noãn tự thân từ 01/2008 đến 02/2020. Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của chọn lọc tinh trùng bằng phương pháp tiêu chuẩn, Swim up hoặc DGC (nhóm đối chiếu, n = 47.235) so với kết hợp giữa phương pháp tiêu chuẩn và MACS (nhóm nghiên cứu, n = 2.115) lên kết quả hỗ trợ sinh sản. Nghiên cứu ghi nhận và so sánh các thông số gồm: tỷ lệ sinh sống cộng dồn (CLBR) trên mỗi lần chuyển phôi và mỗi phôi chuyển, tỷ lệ thai sinh hoá, tỷ lệ trẻ sinh sống và tỷ lệ sẩy thai.

KẾT QUẢ
  • Về tỷ lệ sinh sống cộng dồn: CLBR/số lần chuyển phôi trong nhóm MACS là 43,0% cho 1 lần chuyển, 63,6% cho 2 lần, 80,6% cho 3 lần và 88,3% cho 4 lần. Trong khi ở nhóm đối chiếu, CLBR tương ứng lần lượt là 40,0%, 59,6%, 72,3%, và 81,6%. CLBR/số phôi chuyển trong nhóm MACS là 21,5% cho một phôi, 55,5% cho hai phôi, 65,4% cho ba phôi và 83,3% cho bốn phôi, trong khi nhóm đối chiếu, CLBR tương ứng là 15,0%, 49,1%, 58,0% và 73,3%. Sự khác biệt của cả 2 nhóm có ý nghĩa thống kê (P<0.001).
  • Về tỷ lệ mang thai, nhóm MACS có tỷ lệ mang thai sinh hóa là 46,9%, tỷ lệ mang thai lâm sàng là 39,7% và tỷ lệ thai kỳ diễn tiến là 32,4%. Trong khi nhóm đối chiếu lần lượt là 45,4%, 38,5%, và 31,8%. Khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
  • Về tỷ lệ trẻ sinh sống, nhóm MACS cho tỷ lệ 29,3% trên mỗi phôi chuyển và 38,8% trên mỗi chu kỳ. Nhóm đối chiếu có tỷ lệ trẻ sinh sống là 29,2% mỗi phôi chuyển và 37,4% trên mỗi chu kỳ. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
  • Về tỷ lệ sảy thai, nhóm MACS cho tỷ lệ là 8,2% trên mỗi phôi chuyển, trong khi nhóm đối chiếu là 7,5%. Sự khác biệt giữa các nhóm không có ý nghĩa thống kê.

KẾT LUẬN
Việc sử dụng MACS để phân tách tinh trùng apoptosis trong các chu kỳ thực hiện ICSI giúp giảm số lượng phôi cần chuyển, tuy nhiên sự khác biệt không có nhiều ý nghĩa về mặt lâm sàng. Phương pháp này không cải thiện kết quả của hỗ trợ sinh sản (tỷ lệ mang thai và tỷ lệ trẻ sinh sống) trong các chu kỳ thực hiện ICSI không lựa chọn nam giới so với chuẩn bị tinh trùng bằng phương pháp Swim up hoặc DGC. Nghiên cứu này cung cấp cho bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân thông tin chính xác hơn về ảnh hưởng của MACS đến cơ hội mang thai và cần thêm các nghiên cứu tập trung vào quần thể cụ thể mà kỹ thuật này có thể đặc biệt hữu ích.
 
Nguồn: María Gil Juliá, Irene Hervás, Fernando Quintana và cộng sự. Sperm Selection by Magnetic-Activated Cell Sorting before Microinjection of Autologous Oocytes Increases Cumulative Live Birth Rates with Limited Clinical Impact: A Retrospective Study in Unselected Males. Biology, 2021, 10.5: 430. https://doi.org/10.3390/biology10050430

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK