Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 17-06-2021 9:12am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Dân số trong độ tuổi sinh sản có BMI vượt ngưỡng bình thường ngày càng tăng cao. Riêng tại Hoa Kỳ, ước tính khoảng 190 tỷ đô la được chi mỗi năm cho chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan đến béo phì. Các dự báo gần đây cho thấy vào năm 2030, một nửa dân số trong độ tuổi sinh sản tại Hoa Kỳ sẽ có BMI >30 và gần một phần ba nữ giới tại nước này sẽ có BMI >35 trong 10 năm tới. Tác động của thừa cân, béo phì đang rất được quan tâm vì tỉ lệ bệnh nhân hiếm muộn có cân nặng vượt ngưỡng đang gia tăng rất nhanh. Một số nghiên cứu báo cáo rằng khả năng sinh sản bị suy giảm đáng kể khi BMI tăng trên mức bình thường. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ tập trung phân tích trên những bệnh nhân thừa cân (BMI từ 25 đến 29,9), béo phì loại 1 (BMI từ 30 đến 34,9) hoặc loại 2 (BMI từ 35 đến 39,9). Trong nghiên cứu của Russo và cộng sự (2017), nhóm tác giả đã báo cáo rằng tỉ lệ trẻ sinh sống giảm đáng kể khi BMI tăng ở những bệnh nhân chuyển đơn phôi nang. Khi tỉ lệ béo phì ngày càng tăng nhanh, nhu cầu hiểu rõ về tầm ảnh hưởng của các loại béo phì nặng hơn như béo phì loại 3 (BMI từ 40 đến 49,9) và loại 4 (BMI ≥ 50) lên kết quả điều trị IVF cũng tăng cao. Đồng thời, điều quan trọng là phải đánh giá xem liệu những cập nhật trong phác đồ điều trị IVF và áp dụng phương pháp chuyển phôi nang có cải thiện kết quả phôi và thai cho bệnh nhân béo phì hay không. Do đó, Phillip A. Romanski và cộng sự (2020) đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá tỉ lệ trẻ sinh sống ở những phụ nữ béo phì loại 3 và 4 điều trị IVF. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn so sánh kết quả chuyển phôi phân chia và phôi nang giữa các nhóm bệnh nhân theo mức độ béo phì.

Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu thực hiện thu nhận số liệu từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2018 trên những bệnh nhân thực hiện IVF chu kỳ đầu tiên và được chuyển phôi tươi. Bệnh nhân được chia nhóm dựa trên BMI: Bệnh nhân có cân nặng bình thường, BMI 16,8-24,9 (n= 4913 bệnh nhân); bệnh nhân thừa cân, BMI 25–29,9 (n = 1566); bệnh nhân béo phì loại 1, BMI 30–34,9 (n = 559); bệnh nhân béo phì loại 2, BMI 35–39,9 (n = 218) và bệnh nhân béo phì loại 3 và 4, BMI  ≥ 40 (n = 114).

Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng liều gonadotropin sử dụng trong kích thích buồng trứng tăng khi BMI tăng. So với những bệnh nhân có BMI trong mức bình thường, nhóm bệnh nhân có BMI ≥ 40 có tỉ lệ huỷ chu kỳ chuyển phôi tươi cao hơn đáng kể (18,4% với 8,2%; OR 2,51 (1,55–4,08)). Trong số 21 bệnh nhân có BMI ≥ 40 hủy chu kỳ chuyển phôi tươi, 13 bệnh nhân thất bại thụ tinh hoặc không có phôi, 3 bệnh nhân không có noãn sau chọc hút, 3 bệnh nhân không có noãn trưởng thành và 2 bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng. Ở những bệnh nhân chuyển phôi, tất cả các nhóm BMI thừa cân và béo phì có tỉ lệ thai tương tự với nhóm BMI bình thường. Ở những bệnh nhân có thai, tỉ lệ thai sinh hoá cũng tương tự giữa các nhóm. Tỉ lệ bệnh nhân sảy thai tự phát có xu hướng tăng đáng kể khi BMI tăng (p< 0,001). Khi so sánh với những bệnh nhân mang thai có BMI bình thường, tỉ lệ sảy thai tự phát cao hơn ở những bệnh nhân có BMI 25–29,9 (17,1%; OR 1,35 (1,09– 1,68)); BMI 30–34,9 (19,9%; OR 1,71 (1,27–2,31)); và BMI 35–39,9 (21,8%; OR 1,69 (1,07–2,67)). Tỉ lệ sảy thai tự phát xảy ra ở 10 (22,2%) bệnh nhân có BMI ≥ 40 tuy nhiên không có ý nghĩa thống kê (12,6%; OR 1,67 (0,85–4,25)). Tỉ lệ trẻ sinh sống không có sự khác biệt giữa các nhóm BMI. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ sinh sống có xu hướng giảm đáng kể khi BMI tăng với 67,7% ở nhóm có BMI bình thường nhưng giảm còn 53,3% ở nhóm bệnh nhân có BMI ≥ 40 (p< 0,004). Đánh giá kết cục sinh đơn trẻ cho thấy không có sự khác biệt nào giữa các nhóm BMI (p = 0,87), nhưng tỉ lệ mổ lấy thai có xu hướng tăng khi chỉ số BMI tăng trong đó tỉ lệ mổ lấy thai ở nhóm BMI bình thường chỉ chiếm 39% và tăng lên 61,5% ở nhóm BMI ≥ 40 (p<0,001).

Đánh giá ở bệnh nhân chuyển phôi ngày 3 và ngày 5 cho thấy tỉ lệ thai và tỉ lệ sinh sống cao hơn ở bệnh nhân chuyển phôi ngày 5 so với phôi ngày 3. Không có sự khác biệt về kết quả thai như tỉ lệ thai, tỉ lệ thai sinh hoá hoặc tỉ lệ trẻ sinh sống giữa các nhóm BMI. Ở cả 2 nhóm chuyển phôi ngày 3 và ngày 5, tỉ lệ sảy thai tự nhiên có xu hướng cao hơn đáng kể ở nhóm có BMI tăng cao (p< 0,001). Đánh giá trên kết quả phôi học cho thấy số lượng noãn trung bình thấp đáng kể ở nhóm có BMI ≥ 40 (8,2 ± 5,4) so với bệnh nhân có BMI bình thường (11,1 ± 7,4; RR 0,79 (0,74–0,84)). Bệnh nhân có BMI 35- 39,9 cũng có số lượng noãn thu nhận tương đối thấp (10,1 ± 6,8; RR 0,93 (0,89–0,97)).

Tổng số lượng noãn thu nhận sau chọc hút có xu hướng giảm đáng kể khi BMI tăng (p< 0,001). Số lượng noãn trưởng thành trung bình ở những bệnh nhân có BMI ≥ 40 (6,5 ± 4,6)  thấp hơn so với bệnh nhân có BMI bình thường (8,9 ± 6,2; RR 0,78 (0,72–0,84)). Số lượng noãn trưởng thành trung bình cũng tương đối thấp ở những bệnh nhân có BMI 35-39,9 (8,0 ± 5,6; RR 0,92 (0,87– 0,96)). Tổng số lượng noãn trưởng thành và số lượng hợp tử trung bình có xu hướng hướng giảm khi BMI tăng (p<0,001). Từ đó dẫn đến giảm tỉ lệ thụ tinh ở những bệnh nhân có BMI vượt ngưỡng (p< 0,001).  Số lượng phôi nang đông lạnh thấp đáng kể ở nhóm có BMI ≥ 40 (0,8 ± 1,7); BMI 35–39,9 (1,1 ± 2,2; RR 0,74 (0,65–0,84)); BMI 30–34,9 (1,3 ± 2,5; RR 0,82 (0,76–0,88)); và BMI 25–29,9 (1,4 ± 2,6; RR 0,92 (0,88–0,97)) so với nhóm có BMI bình thường (1,6 ± 2,8; RR 0,51 (0,42–0,64)). Số lượng phôi nang đông lạnh trung bình cũng có xu hướng giảm khi BMI tăng (p < 0,001).

Như vậy, nghiên cứu này cho thấy những bệnh nhân có BMI ≥ 40 có kết quả điều trị IVF kém hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Sau khi chuyển phôi, tỉ lệ thai của những bệnh nhân có BMI ≥ 40 tương đương với những bệnh nhân có BMI bình thường nhưng tỉ lệ sẩy thai cao hơn dẫn đến tỉ lệ trẻ sinh sống của những bệnh nhân này thấp hơn.

Nguồn: Phillip A. Romanski và cs (2020), Live birth outcomes in infertile patients with class III and class IV obesity following fresh embryo transfer. Journal of Assisted Reproduction and Genetics. 10.1007/s10815-020-02011-1

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK