Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 15-06-2021 10:13pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận

Hệ thống nuôi cấy phôi kết hợp với camera quan sát liên tục (TLM) đã được áp dụng rộng rãi tại các trung tâm thụ tinh ống nghiệm. TLM sẽ cung cấp các thông số động học hình thái phôi từ thụ tinh đến phôi nang, có liên quan đến kết quả lâm sàng.

Sự phát triển nhanh của phôi có liên quan đến số lượng phôi bào nhiều hơn, tăng khả năng tạo thành phôi nang, tiềm năng làm tổ và tỉ lệ thai cao hơn. Một số nghiên cứu đã báo cáo các thuật toán dựa vào các thông số động học hình thái từ TLM để lựa chọn phôi sẽ làm cải thiện sự làm tổ và tỉ lệ thai, nhưng về ý nghĩa cải thiện tỉ lệ trẻ sinh sống vẫn chưa được làm rõ.

Cho đến nay, chỉ có vài nghiên cứu về mối liên quan giữa động học phôi và trẻ sinh sống. Điều này, vẫn là khoảng trống chính để chứng minh lợi ích của TLM trong thực hành lâm sàng. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng động học phôi nang từ thời điểm bắt đầu có khoang phôi đến khi phôi nang nở rộng giúp tiên lượng trẻ sinh sống tốt hơn hình thái phôi (Fishel và cộng sự, 2018). Theo nghiên cứu Barberet và cộng sự (2019) thấy rằng không có sự tương quan giữa các thông số thụ tinh và phân chia phôi giai đoạn sớm, tuy nhiên cỡ mẫu số phôi còn nhỏ.

Độ chính xác của mô hình lựa chọn phôi dựa vào TLM khi áp dụng ở các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm khác còn là một câu hỏi. Lý do hạn chế là vì giá trị các thông số động học sẽ khác nhau ở các trung tâm khác nhau, do nhiều yếu tố không giống nhau từ điều kiện nuôi cấy đến đặc điểm nền của bệnh nhân. Các đặc điểm nền của bệnh nhân, trong đó phải kể tới là tuổi mẹ có nhiều ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Tuy nhiên, ảnh hưởng của tuổi mẹ đến động học vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Một nghiên cứu so sánh giữa 530 phôi từ bệnh nhân < 40 tuổi với 86 phôi từ bệnh nhân ≥ 40 tuổi, cho thấy không có sự ảnh hưởng tuổi mẹ đến động học phôi phân chia sớm (Gryshchenko và cộng sự., 2014). Tương tự như kết quả nghiên cứu của Warshavia và cộng sự (2019) khi so sánh giữa nhóm phôi từ bệnh nhân < 38 tuổi (n=611) với ≥ 42 tuổi (n=467). Ngược lại, theo một nghiên cứu khác cho rằng thông số tPNf, t2, t3, t4 sớm hơn đáng kể ở nhóm bệnh nhân từ 20-30 tuổi khi so với nhóm 30-40 tuổi (Akarsu và cộng sự., 2017). Bởi vì, nhóm bệnh nhân lớn tuổi có phôi chất lượng kém (Cimadomo và cộng sự., 2018), nên tất nhiên động học phát triển của phôi cũng sẽ chậm hơn. Vì thế, tuổi mẹ có ảnh hưởng đến động học hình thái của những phôi cho kết quả trẻ sinh sống hay không vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp.

Từ những vấn đề trên, nhóm nhà khoa học người Ý và Brazil đã thực hiện nghiên cứu này để giải đáp cho 2 câu hỏi là : (1) phôi cho kết quả trẻ sinh sống có động học thụ tinh và phân chia nhanh hơn không, (2) tuổi mẹ có ảnh hưởng đến động học phát triển của phôi giai đoạn sớm và nó có tương quan đến việc đạt trẻ sinh sống không.

Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu từ 1.066 bệnh nhân điều trị ICSI noãn tự thân và chuyển 1-3 phôi tươi ở ngày 2 hoặc 3. Tổng số có 4.915 phôi, trong đó 1.390 phôi được chuyển và đã biết kết quả lâm sàng (có kết quả trẻ sinh sống - LB và không có trẻ sinh sống - NLB). Trong đó, 669 bệnh nhân có phôi NLB và 134 bệnh nhân có phôi LB. Các thông số động học hình thái ở giai đoạn phát triển phôi sớm được so sánh giữa phôi LB với phôi NLB từ bệnh nhân được phân tầng thành hai nhóm tuổi (<37 và ≥ 37 tuổi), và so sánh giữa phôi cùng kết quả lâm sàng ở nhóm <37 tuổi và ≥ 37 tuổi. Các thông số động học hình thái lúc thụ tinh và phân chia phôi giai đoạn sớm như thời điểm xuất hiện tiền nhân (tPNf), thời điểm phôi đạt 2, 3, 4, 5, 8 tế bào (t2, t3, t4, t5, t8). Và mối liên hệ của các thông số động học hình thái với trẻ sinh sống đã được kiểm tra bằng các phân tích đơn biến và đa biến.

Các kết quả:
  • Trong tổng số bệnh nhân, tất cả các thông số động học (tPNf, t2, t3, t4, t5, t8) ở phôi LB (n=1.222) đều sớm hơn có ý nghĩa thống kê so với phôi NLB (n=168).
  • Ở bệnh nhân <37 tuổi, tất cả các thông số động học (tPNf, t2, t3, t4, t5, t8) ở phôi LB (n=125) đạt được sớm hơn đáng kể so với phôi NLB (n=448). Còn ở nhóm ≥ 37 tuổi, lại không có sự khác biệt (p > 0,1).
  • Đánh giá sự ảnh hưởng của tiềm năng đạt trẻ sinh sống và tuổi mẹ lên động học hình thái phôi giai đoạn sớm: Ở phôi LB, thì các thông số động học ngoại trừ t8 (p= 0,07) sẽ đạt sớm hơn từ bệnh nhân <37 tuổi so với phôi LB ở bệnh nhân ≥ 37 tuổi. Còn ở phôi NLB của bệnh nhân <37 tuổi chỉ có tPNf, t2, t5, t3 là sớm hơn đáng kể so với phôi NLB ở bệnh nhân ≥ 37 tuổi.
  • Phân tích đơn biến cho thấy rằng sự xuất hiện sớm hơn của tất cả các thông số động học có liên quan đến trẻ sinh sống. Mặt khác, khi phân tích hồi quy đa biến chỉ có t2 (p =0,007) và t5 (p =0,006) có liên quan đến trẻ sinh sống độc lập với tuổi mẹ và BMI. Mặc dù, OR của t2 (OR=0,6) sớm hơn xảy ra ở nhóm LB so với phôi NLB, nhưng t5 thì như nhau ở 2 nhóm phôi này (OR=1,1).

Tóm lại, nghiên cứu cho thấy rằng các phôi cho kết quả trẻ sinh sống sẽ có động học phát triển phôi giai đoạn sớm nhanh hơn so với các phôi không đạt được trẻ sinh sống sau khi chuyển, nhưng không có sự khác biệt khi tuổi mẹ tăng lên. Qua đó, các thông số động học thụ tinh và phân chia phôi sớm có giá trị trong việc chọn lọc phôi nhằm cải thiện tỷ lệ trẻ sinh sống, đặc biệt là ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi (< 37 tuổi).

Nguồn: Faster fertilization and cleavage kinetics reflect competence to achieve a live birth after intracytoplasmic sperm injection , but this association fades with maternal age, Fertility and Sterility, 2020, https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2020.06.023

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK