Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 27-02-2021 9:44am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Thị Kim Ngân - IVFMD Tân Bình

Chỉ số BMI (Body Mass Index) hay còn gọi là chỉ số khối cơ thể, là một công cụ thường được dùng để đánh giá mức độ nhẹ cân hoặc béo phì của cơ thể. BMI được tính toán dựa trên trọng lượng và chiều cao. Béo phì được định nghĩa là khi BMI > 30 kg/m2, còn ở mức độ nhẹ hay còn gọi là thừa cân khi BMI nằm trong khoảng 25 - 29,9 kg/m2. BMI tăng có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm các ảnh hưởng về sinh sản ở cả nam và nữ. Đối với phụ nữ, béo phì có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, hiếm muộn và nhiều biến chứng khi mang thai. Ngoài ra, phụ nữ béo phì cũng có nhiều nguy cơ sẩy thai và sẩy thai liên tiếp hơn so với phụ nữ có BMI bình thường. Năm 2019, một phân tích gộp gồm 21 nghiên cứu phân tích tác động của béo phì lên kết cục của các chu kỳ điều trị IVF, cho thấy rằng béo phì có tác động tiêu cực đến tỷ lệ trẻ sinh sống. Hiện nay, tình trạng béo phì, thừa cân khá phổ biến ở phụ nữ độ tuổi sinh sản, do vậy, hiểu biết về tác động của việc tăng chỉ số BMI trong điều trị hiếm muộn là vô cùng cần thiết nhằm tư vấn tốt hơn cho bệnh nhân khi chọn phương pháp điều trị. Hiện tại, bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI- intrauterine insemination) là phương pháp điều trị vô sinh phổ biến đối với các trường hợp vô sinh do yếu tố nam, yếu tố cổ tử cung và vô sinh không rõ nguyên nhân. Nhưng nhiều câu hỏi đặt ra liệu những tác động của sự tăng BMI có làm ảnh hưởng đến nội tiết hay các cơ quan trong cơ thể để từ đó dẫn đến ảnh hưởng kết quả điều trị hay không. Vì vậy, Rachel M. Whynott và cộng sự (2020) đã thực hiện một nghiên cứu hồi cứu nhằm xác định liệu BMI có ảnh hưởng đến sự thành công của một chu kì IUI hay không.

Nghiên cứu hồi cứu này thu thập kết quả từ 1/7/2009 đến 31/12/2018, với tổng cộng 3217 chu kỳ điều trị IUI ở 1306 bệnh nhân được đưa vào phân tích. Các bệnh nhân có độ tuổi trung bình 32 tuổi, chỉ số BMI của vợ ở khoảng 18,5 – 53,1 kg/m2. Các chỉ số được đưa vào phân tích bao gồm tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ đa thai, tỷ lệ sẩy thai, tỷ lệ thai ngoài tử cung, tỷ lệ thai sinh hoá, tỷ lệ trẻ sinh sống.

Kết quả thu được như sau:
- Tính trên tổng số chu kỳ, có 47% số chu kỳ thực hiện trên phụ nữ có BMI bình thường; 24,1% ở phụ nữ thừa cân và 28,3% ở phụ nữ béo phì.
- Chẩn đoán phổ biến nhất là vô sinh chưa rõ nguyên nhân (30%); do yếu tố nam giới (19%), không phóng noãn (16%). Trong đó, không phóng noãn là nguyên nhân hiếm muộn phổ biến nhất (25%) ở nhóm béo phì.

* Tỷ lệ trẻ sinh sống và thai sinh hóa:
+ Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so sánh tỷ lệ trẻ sinh sống từ các chu kỳ IUI điều trị kích thích buồng trứng bằng thuốc uống và thuốc tiêm so với chu kì tự nhiên (P> 0,05).
+ Nhóm phụ nữ có BMI từ 25 đến 29,99 kg/m2 hoặc ≥ 30 kg/m2 có tỷ lệ trẻ sinh sống tương đương với những phụ nữ có BMI bình thường.
+ Nhóm phụ nữ có BMI ≥ 30 kg/m2 có khả năng mang thai sinh hóa cao hơn phụ nữ có BMI bình thường (P < 0,05).

Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ số BMI từ 25 đến 29,99 kg/m2 hoặc ≥ 30 kg/m2 dường như không có ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ trẻ sinh sống sau chu kỳ điều trị IUI. Béo phì có thể liên quan đến nguy cơ mang thai sinh hóa cao hơn sau khi bơm tinh trùng vào buồng tử cung.

Nguồn: Rachel M. Whynott, M.D., Karen M. Summers, M.P.H., Bradley J. Van Voorhis, M.D., and Rachel B. Mejia, D.O. Effect of body mass index on intrauterine insemination cycle success. Fertility and Sterility 2021; 115: 221-228.

Các tin khác cùng chuyên mục:
HPV và nguy cơ vô sinh ở nữ giới? - Ngày đăng: 06-02-2021
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK