Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 09-12-2020 4:02pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Võ Minh Tuấn - IVFMD Tân Bình

Kể từ khi công nghệ bảo quản lạnh được cải tiến với kỹ thuật thủy tinh hóa, tỷ lệ mang thai sau khi chuyển phôi trữ (frozen embryo transfer - FET) được cải thiện đáng kể và chu kỳ IVF-FET đã trở nên rất phổ biến (Wang và cộng sự, 2017). Đối với phụ nữ trải qua các chu kỳ IVF tự thân, chuyển phôi trữ đã được chứng minh là cho kết quả thai và tỷ lệ sinh sống cao hơn so với chuyển phôi tươi (fresh embryo transfer – ET). Tuy nhiên, chuyển phôi trữ có liên quan tới việc những trẻ sau sinh sẽ có cân nặng lớn hơn so với tuổi thai (large for gestational age – LGA). LGA có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh chu sinh đáng kể và tăng nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa ở trẻ sơ sinh và hệ lụy có thể kéo dài đến suốt đời (Chiavaroli và cộng sự, 2014). Nguyên nhân chính của các nguy cơ này vẫn còn chưa được làm rõ. Ở một số nghiên cứu trên động vật cho thấy quá trình trữ phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa có thể làm thay đổi nồng độ amino acid trong nước ối ở cừu (Nieddu và cộng sự, 2015), ngoài ra còn thay đổi biểu hiện gen ở nhau thai dẫn đến các hoạt động trao đổi chất của phôi bị thay đổi trong suốt quá trình mang thai ở thỏ (Saenz-de-Juano và cộng sự, 2015). Nghiên cứu mới nhất trên mô hình chuột cho thấy phương pháp thủy tinh hóa có thể ảnh hưởng xấu đến phôi thai ở giai đoạn đầu nhưng không ảnh hưởng đến giai đoạn phát triển cuối cùng của thai (Roeca và cộng sự, 2020). Các nghiên cứu về tác động của phương pháp thủy tinh hóa đến sự phát triển của phôi người vẫn còn hạn chế do vấn đề đạo đức.

Ở những người nhận noãn hiến tặng, môi trường trong nội mạc tử cung mang tính sinh lý hơn (nồng độ nội tiết không tăng cao như trong các chu kì kích thích buồng trứng), do đó việc đánh giá tác động của thủy tinh hóa đến sự phát triển của phôi từ noãn hiến tặng và tỷ lệ thành công IVF ở người được nhận là hướng nghiên cứu hấp dẫn. Một nghiên cứu trước đây đánh giá tác động của thủy tinh hóa đến kết quả chu sinh ở những người nhận noãn hiến tặng cho thấy không có sự khác biệt về trọng lượng của trẻ sau khi sinh (Kalra và cộng sự, 2011). Tuy nhiên đó là nghiên cứu hồi cứu sử dụng số liệu từ năm 2004 đến năm 2006, do đó kết quả này không còn chính xác do quá trình thủy tinh hóa đã có nhiều cải tiến so với trước đó. Nghiên cứu gần đây nhất vào năm 2019 cho thấy trữ phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa có thể gây bất lợi về tỉ lệ thai làm tổ so với chuyển phôi tươi (Masbou và cộng sự, 2019). Tuy nhiên, ảnh hưởng đến kết quả chu sinh không được đánh giá trong nghiên cứu này. Vì vậy tác giả Roeca và cs (2020) đã thực hiện một nghiên cứu nhằm đánh giá các tác động của phương pháp trữ lạnh hiện nay đến phôi và kết quả chu sinh của những phôi phát triển từ noãn hiến tặng, ngoài ra còn tiến hành so sánh với kết quả của chuyển phôi tươi.

Đây là một nghiên cứu hồi cứu ghi nhận dữ liệu về các chu kỳ IVF của những trường hợp sử dụng noãn hiến tặng từ năm 2013 đến năm 2015. Tổng cộng có 25387 chu kỳ được đưa vào nghiên cứu, trong đó có 14289 chu kỳ chuyển phôi tươi và 11098 chuyển phôi trữ. Kết cục sản khoa tốt (good obstetric outcome – GBO) được định nghĩa là trẻ sinh đủ tháng với cân nặng lúc sinh phù hợp với tuổi thai, là thước đo kết quả chính. Ngoài ra, các kết cục phụ như tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ sẩy thai, tỉ lệ trẻ sinh sống, tỉ lệ sinh non và cân nặng theo tuổi thai cũng được đưa vào phân tích.
Kết quả chuyển phôi ở những người sử dụng noãn hiến tặng cho thấy tỷ lệ GBO ở nhóm chuyển phôi tươi cao hơn 27% so với nhóm chuyển phôi trữ (tỉ lệ GBO lần lượt là 26,3% so với 20,9%, P<0,001). Nhìn chung, việc chuyển phôi tươi giúp tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn so với chuyển phôi trữ (55,7% so với 39,5%, P<0,001). Trong số các ca sinh đơn thai, không có sự khác biệt về cân nặng sơ sinh theo tuổi thai giữa hai nhóm.

Như vậy, đối với các trường hợp sử dụng noãn hiến tặng thì việc chuyển phôi tươi có thể có kết quả chu sinh tốt hơn so với chuyển phôi trữ. Sự thiếu hoàng thể trong các chu kỳ chuyển phôi trữ được cho là có ảnh hưởng bất lợi đến kết quả chu sinh (Ginstrom và cộng sự, 2019). Việc đánh giá tiềm năng của chuyển phôi tươi và phôi trữ là cần thiết để đánh giá tác động của phương pháp trữ phôi và môi trường sinh lý trong tử cung đến kết quả chu sinh trong các chu kỳ IVF.

Nguồn: Roeca, Cassandra, et al. "Birth outcomes are superior after transfer of fresh versus frozen embryos for donor oocyte recipients." Human Reproduction (2020).
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Ứ mật trong gan thai kỳ - Ngày đăng: 01-12-2020
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK