Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 11-08-2020 11:57am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Phạm Hoàng Huy – Chuyên viên phôi học IVFMD Phú Nhuận

Chuyển phôi là công đoạn cuối cùng của quy trình thụ tinh trong ống nghiệm. Sót phôi sau chuyển phôi (ER) là vấn đề không phổ biến nhưng có thể gây lo lắng cho bệnh nhân và bác sỹ. Tỉ lệ ER được báo cáo nằm trong khoảng 1 đến 7,5% các chu kì chuyển phôi. Các nguyên nhân dẫn đến ER có thể là khó khăn tại thời điểm chuyển phôi, catheter dính dịch nhầy hoặc máu sau khi chuyển phôi, thể tích môi trường nạp vào catheter hay kinh nghiệm của bác sỹ. Khi ER xảy ra, chuyển phôi được thực hiện lại ngay sau đó. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng rõ ràng về việc chuyển lại phôi có tác động như thế nào đến kết cục lâm sàng. Jian và cộng sự vừa thực hiện một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu bắt cặp với cỡ mẫu lớn để đánh giá tương quan giữa ER và kết cục lâm sàng.
 
Nghiên cứu lấy dữ liệu của tất cả chu kì IVF tại một trung tâm TTTON ở Trung Quốc từ năm 2013 đến 2018. Tất cả chu kì có xảy ra ER và chuyển phôi lại ngay sau đó đều được tham gia vào nghiên cứu. Nhóm bắt cặp được lựa chọn dựa trên các tiêu chí sau: tuổi (±1 năm); thông số phôi (tuổi phôi, số lượng, chất lượng); nguyên nhân vô sinh; loại phác đồ KTBT và chuẩn bị MNTC; bác sỹ chuyển phôi; ngày thủ thuật (±1 năm); CVPH load phôi; thời gian vô sinh (±2 năm) và phương pháp thụ tinh. Kết cục lâm sàng được quan sát bao gồm: tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ thai ngoài tử cung, tỉ lệ sẩy thai và tỉ lệ trẻ sinh sống.
 
Có tổng cộng 6089 chu kì chuyển phôi được thống kê. Tỉ lệ ER được ghi nhận là 1,59% (97/6089), và tất cả phôi còn sót đều được chuyển lại ngay lập tức. Có 194 chu kì chuyển phôi không ER được bắt cặp với nhóm ER (tỉ lệ 1:2). Không có sự khác biệt có ý nghĩa về đặc điểm nền của bệnh nhân giữa hai nhóm. So với nhóm bắt cặp, nhóm ER cho thấy tỉ lệ thai lâm sàng (32,98% so với 48,96%), tỉ lệ làm tổ (20,88% so với 35,97%) và tỉ lệ trẻ sinh sống (22,68% so với 37,63%) đều thấp hơn đáng kể (P <0,01) và tỷ lệ thai ngoài tử cung cao hơn (12,5% so với 3,16%, P <0,05). Không có sự khác biệt về tỉ lệ sẩy thai, cân nặng trẻ và tuổi thai khi sinh. Không có các khuyết tật bẩm sinh được tìm thấy trong nhóm ER, mặc dù một trường hợp quan sát thấy trong nhóm bắt cặp. Tỉ lệ ER giữa chuyển phôi phân chia và phôi nang là tương đương nhau. Có sự khác biệt ý nghĩa khi so sánh tỉ lệ giữa chu kì chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ (2,71% so với 1,08%, P<0,01). Ngoài ra, tỉ lệ có dịch nhầy ở catheter trong nhóm ER là cao hơn so với nhóm bắt cặp, nhưng chỉ có ý nghĩa thống kê trong nhóm chuyển phôi tươi. Tác giả giả thuyết rằng tăng chất nhầy cổ tử cung ở chu kì phôi tươi có thể làm tăng nguy cơ ER, do nồng độ estradiol cao hơn so với chu kì phôi trữ.
 
Tóm lại, tỉ lệ sót phôi có liên quan đến dịch nhầy ở catheter sau chuyển phôi tươi. Sót phôi và chuyển lại phôi có liên quan đến tỉ lệ làm tổ, thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống thấp hơn và tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.
 
Nguồn: Embryo retention significantly decreases clinical pregnancy rate and live birth rate: a matched retrospective cohort study. Fertility and Sterility, 2020.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK