Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 18-06-2018 8:21am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế


Lựa chọn phôi chuyển từ trước đến nay chủ yếu dựa vào phân loại hình thái của giao tử và phôi. Phôi thường được đánh giá tại một hoặc một vài thời điểm vào ngày 2 và ngày 3, tuy nhiên điều này có thể gây hại cho phôi do thay đổi nhiệt độ và pH của môi trường nuôi cấy cũng như không lựa chọn được phôi tốt nhất để chuyển và cho tỉ lệ thành công thấp. Phương pháp nuôi phôi nang ngày 5 hoặc ngày 6 được sử dụng, cho phép lựa chọn phôi có tiềm năng làm tổ tốt hơn từ đó giúp giảm số lượng phôi chuyển và giảm nguy cơ đa thai. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này vẫn có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ thành công do điều kiện môi trường nuôi cấy bị thay đổi sau mỗi lần quan sát phôi.

Hệ thống time lapse ra đời cho phép quan sát liên tục sự phát triển của phôi trong suốt thời gian nuôi cấy đồng thời duy trì điều kiện môi trường ổn định, không ảnh hưởng đến phôi. Đã có nhiều nghiên cứu sử dụng hệ thống này để đánh giá phôi giai đoạn tiền làm tổ về các kiểu phân chia tế bào với đặc điểm hình thái tương ứng tại các mốc thời gian quan sát, dự đoán tiềm năng làm tổ của phôi… Hệ thống time lapse đã trở thành công cụ quan trọng trong IVF cho phép quan sát tất cả các sự kiện diễn ra trong quá trình phát triển của phôi. Vì vậy, nghiên cứu này sử dụng hệ thống time lapse nhằm đánh giá các sự kiện phôi tương ứng với thời điểm quan sát đồng thời dự đoán khả năng hình thành phôi nang và tiềm năng làm tổ của chúng.

Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện từ tháng 5/2010 đến 4/2014 trên 7483 hợp tử và 3215 phôi nang, phân tích trên 2 nhóm phôi: có khả năng phát triển thành phôi nang (nhóm 1) và không phát triển được (nhóm 2). Kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Tỉ lệ hình thành phôi nang ở nhóm 1 là 42,96%, thời gian phân chia lần đầu tiên sớm hơn nhóm 2 (27,23 0,2 giờ và 28,78  0,2 giờ).
- Nghiên cứu phân tích trên 17 thông số động học hình thái từ lúc nuôi cấy phôi đến phôi ngày 5 và phôi được phân loại từ A đến D tương ứng với việc giảm khả năng hình thành phôi nang và cho kết quả về thông số dự đoán nhiều nhất cho khả năng hình thành phôi nang là thời gian hình thành phôi dâu tM (81,28–96,0 giờ sau ICSI) và (t8- t5) ≤ 8,78 giờ.
- Vẫn sử dụng 17 thông số động học hình thái như trên, nghiên cứu thực hiện đánh giả tỉ lệ làm tổ của phôi và cho thấy phôi có khả năng làm tổ tốt có thời gian giãn nở của phôi nang trong khoảng tối ưu tEB (107,9–112,9 giờ sau ICSI) và (t8–t5) ≤ 5,67 giờ.

Như vậy, sử dụng hệ thống time lapse để đánh giá các thông số động học hình thái phôi giai đoạn tiền làm tổ có thể cải thiện các tiêu chí lựa chọn được phôi có khả năng phát triển thành phôi nang cũng như có khả năng làm tổ với độ chính xác cao.

Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Nguồn: Morphokinetic analysis and embryonic prediction for blastocyst formation through an integrated time-lapse system. Fertility and Sterility .2015.11.001

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK