Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 18-06-2018 8:17am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế


Béo phì là mối quan tâm trên toàn thế giới hiện nay bởi nó có liên quan đến nhiều rối loạn khác nhau như đề kháng insulin, tiểu đường, tăng huyết áp, … trong đó có khả năng sinh sản. Một số báo cáo cho thấy có sự tương quan giữa béo phì và chất lượng tinh dịch ở nam giới bao gồm mật độ, độ di động và hình dạng bình thường của tinh trùng; song các nghiên cứu khác không cho thấy bất lợi có ý nghĩa thống kê về ảnh hưởng của béo phì lên chất lượng tinh dịch. Nhóm các nhà khoa học Brazil đã thực hiện nghiên cứu trên 1824 nam giới đang điều trị vô sinh với mục đích phân tích các thông số về chất lượng tinh trùng (thể tích, pH, nồng độ, độ di động, hình dạng và tỉ lệ sống) và tính toàn vẹn DNA (phân mảnh DNA, apoptosis, sự thiếu hụt protamine và hư hại về ti thể tinh trùng) liên quan đến béo phì thông qua chỉ số khối cơ thể (BMI).
 
Đối tượng của nghiên cứu là nam giới đang điều trị vô sinh được lựa chọn ngẫu nhiên, có tinh trùng trong tinh dịch, chưa từng được điều trị nội tiết, không bất thường đường sinh dục. Mẫu tinh dịch được thu nhận sau 2-5 ngày kiêng xuất tinh và được thực hiện các đánh giá tinh dịch đồ WHO-2010; đánh giá hình dạng tinh trùng bằng phương pháp MSOME (motile sperm organelle morphology examination); xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng bằng kĩ thuật TUNEL (TdT-mediated dUTP nick-end labelling); phân tích apoptosis của tinh trùng bằng xét nghiệm annexin V; đánh giá sự đóng gói chromatin tinh trùng bằng nhuộm CMA3 (chromomycin A3) và đánh giá điện thế màng ti thể tinh trùng MMP (mitochondrial membrane potential).
 
Kết quả phân tích tinh dịch cho thấy có mối tương quan rõ ràng giữa sự suy giảm chất lượng tinh dịch (mật độ, tỉ lệ tinh trùng di động, tổng số tinh trùng, hình dạng bình thường) và tăng BMI. Tác động của béo phì lên chất lượng tinh dịch có thể chủ yếu là do các cơ chế nội tiết. Ở nam giới béo phì, insulin làm giảm nồng độ SHBG (sex hormone-binding globulin) dẫn đến tăng sự chuyển đổi androgen thành estrogen bởi các men thơm hoá, estrogen tác động lên tuyến yên làm các tế bào leydig giảm tiết testosterone. Ngoài ra người béo phì dễ gia tăng nhiệt độ bìu do sự tích tụ mô mỡ quanh bìu, có thể gây ra stress oxi hóa tinh hoàn và ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch. Kết quả MSOME chỉ ra sự tăng BMI làm giảm phần trăm tinh trùng có hình thái bình thường. Không có sự khác biệt về các chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng, apoptosis hay sự đóng gói chromatin giữa các nhóm BMI khác nhau. Kết quả đánh giá ti thể tinh trùng MMP cho thấy tỉ lệ bất thường MMP tăng khi BMI tăng. Sự bất thường của ti thể có thể ảnh hưởng đến độ di động của tinh trùng do sự giảm sản xuất ATP.
 
Tóm lại, tăng BMI ở nam giới vô sinh có thể ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng tinh trùng. BMI dường như không liên quan đến tính toàn vẹn DNA tinh trùng hay apoptosis, nhưng liên quan đến tăng tổn thương ty thể. Thông qua những tác động của béo phì ở nam giới, lợi ích của việc giảm cân có thể được thảo luận trong quá trình tư vấn cho các cặp vợ chồng quan tâm đến việc điều trị vô sinh.
 
Phạm Hoàng Huy – Chuyên viên phôi học IVFMD Phú Nhuận
 
Nguồn: Association between body mass index and sperm quality and sperm DNA integrity. A large population study. Andrologia, 2017
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK