Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 29-07-2011 12:59am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

phoi_3Theo Gunby và cộng sự báo cáo năm 2010, tỉ lệ làm tổ của phôi trong các ca thụ tinh ống nghiệm xấp xỉ là 20%, điều này dẫn tới tỉ lệ thai lâm sàng chỉ khoảng 35% và tỉ lệ sinh sống chỉ là 25% cho mỗi chu kỳ điều trị. Vấn đề cải thiện những tỉ lệ này là một trong những chủ đề chính của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ARTs) mới hiện nay. Kích thích buồng trứng để chọc hút nhiều trứng, chuyển đa phôi, trữ lạnh phôi cho các chu kỳ điều trị sau là những phương pháp đã mang lại kết quả tốt hơn. Tuy nhiên phương pháp này đi kèm với hai vấn đề chính là đa thai và hội chứng quá kích buồng trứng. Ngoài chất lượng phôi và yếu tố nội mạc tử cung, khó khăn trong quá trình thoát màng ở giai đoạn blastocyst cũng có thể gây cản trở cho quá trình làm tổ của phôi. Một kỹ thuật nhân tạo giúp giải phóng phôi khỏi màng trong suốt được biết đến đó là kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng (Assited Hatching - AH) đã đưa vào sử dụng từ những năm 1980 đã gia tăng cơ hội làm tổ và thai lâm sàng trong hỗ trợ sinh sản.

Tuy nhiên, không có một nghiên cứu nào có cỡ mẫu đủ lớn để có thể đánh giá một cách đúng đắn về ảnh hưởng của kỹ thuật này lên kết quả hỗ trợ sinh sản.

Do đó, phương pháp phân tích gộp là cách hữu hiệu nhất để làm tăng kích cỡ mẫu. Nghiên cứu này sẽ sử dụng phương pháp tổng quan hệ thống và phân tích gộp các dữ liệu lâm sàng để đánh giá ảnh hưởng của kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng lên kết quả của hỗ trợ sinh sản như thai lâm sàng, sinh sống, đa thai và sẩy thai.

Các dữ liệu được chia làm 4 nhóm: (1) Chuyển phôi tươi, bệnh nhân là những phụ nữ không chọn lọc hay đã được tiên lượng trước khả năng có thai không thấp; (2) Chuyển phôi tươi ở những phụ nữ thất bại nhiều lần; (3) Chuyển phôi tươi ở bệnh nhân lớn tuổi; (4) Chuyển phôi trữ, bệnh nhân là những phụ nữ không chọn lọc hay đã được tiên lượng trước khả năng có thai không thấp.

Các dữ liệu được phân tích với độ tin cậy 95% trên mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên Mantel – Haenszel.

Có tất cả 28 nghiên cứu với tổng số 5507 bệnh nhân. Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng ở các nghiên cứu này đều được thực hiện vì mục đích nhằm tằng tỉ lệ thai lâm sàng. Khảo sát cho thấy, tỉ lệ tăng đáng kể ở nhóm 2 (RR = 1,73; 95% CI = 1,37 – 2,17) và nhóm 4 (RR = 1,36; 95% CI = 1,08 – 1,72, P < 0,01). Không thấy có sự thay đổi ở hai nhóm 1 và 3. Với tỉ lệ đa thai, khảo sát thấy cũng tăng đáng kể ở nhóm 2 (RR = 2,53; 95% CI = 1,23 -5,21) và nhóm 4 (RR = 3,40; 95% CI = 1,93 6,01).

Kết luận

AH làm tăng tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ đa thai ở những bệnh nhân thực hiện thụ tinh ống nghiệm đã thất bại nhiều lần và những bệnh nhân có chuyển phôi trữ. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân lớn tuổi hay những phụ nữ đã tiên lượng trước tỉ lệ có thai không thấp thì khi thực hiện chuyển phôi tươi, AH hầu như không làm thay đổi tỉ lệ. Không có một kết luận chính xác nào về việc sẩy thai và sinh sống trong bài báo này do số lượng mẫu tập hợp từ các nghiên cứu còn chưa đủ lớn.

Nghiên cứu này cho thấy kỹ thuật AH sẽ tăng nguy cơ đa thai, vì vậy, khi thực hiện AH cần cân nhắc về việc giảm số phôi chuyển vào buồng tử cung cho bệnh nhân.

Mặc dù cho đến nay đã có một số lượng lớn các thử nghiệm được công bố, nhưng vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu vì số mẫu tập hợp ở đây từ các nghiên cứu chưa đủ để chứng minh được ảnh hưởng của AH đối với sẩy thai và sinh sống. Những kết quả khác, như nguy cơ dị tật cũng nên được khảo sát, vì chưa có nghiên cứu nào đủ lớn để kết luận. Có một thử nghiệm đánh giá về tỉ lệ dị tật bẩm sinh từ 134 đứa trẻ sinh ra có thực hiện kỹ thuật AH cho thấy có 2,2% trẻ có dị tật bẩm sinh nặng và 10,4% trẻ dị tật bẩm sinh nhẹ, khi so sánh với các ca sinh ở cùng một nơi (lần lượt là 3,0 và 11,1%). Ngoài ra, những kết quả khác như quá trình phát triển của hệ thần kinh, khả năng sinh sản của con cái cũng cần được khảo sát và đánh giá.

Nguồn: Wellington P. Martins, Isa A. Rocha, Rui A. Ferriani, and Carolina O. Nastri, Assisted hatching of human embryos: a systematic review and meta-analysis of randomized controlled trials, Human reproduction update, Vol.17. No.4, pp.438-457, July 2011

KS. Trang Thanh Nhã – IVF Mekong

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK