Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 13-11-2024 6:15am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Lê Thị Vân – IVF Vạn Hạnh
 
Giới thiệu
Vô sinh ảnh hưởng đến 10 - 15% dân số thế giới, trong đó khoảng một nửa vô sinh có yếu tố từ nam giới. Vô sinh nam có nhiều nguyên nhân khác nhau và 25 - 30% trường hợp vẫn chưa rõ nguyên nhân. Vào năm 2014, Ben Khelifa và các cộng sự đã giới thiệu thuật ngữ đa dị dạng đuôi tinh trùng (Multiple Morphological Abnormalities of the Sperm Flagella - MMAF) là một dạng nặng của vô sinh nam, được định nghĩa bởi sự hiện diện của một số các bất thường như đuôi ngắn, đuôi gập, đuôi cuộn hoặc đuôi cụt,... dẫn đến sự rối loạn nghiêm trọng của trục tinh trùng và các cấu trúc xung quanh trục, làm giảm khả năng di động của tinh trùng. ICSI là phương pháp điều trị duy nhất và tốt nhất cho nam giới vô sinh bị hội chứng MMAF. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy đã có các trường hợp mang thai thành công. Cơ sở di truyền của hội chứng MMAF đã được xác định thể hiện qua sự đồng nhất về hình thái khiếm khuyết và tỷ lệ mắc hội chứng này cao giữa các thành viên trong gia đình. Nhiều gen mã hóa các thành phần của trục gây rối loạn nặng cấu trúc trong tinh trùng liên quan đến MMAF đã được báo cáo là DNAH1, DNAH2, DNAH17, CFAP43, CFAP44, CFAP70, WDR66 và CEP135. Do đó, các nghiên cứu trước đây đã nhấn mạnh sự biến đổi di truyền của kiểu hình này trong khi tác động của dị dạng đuôi tinh trùng đơn lẻ đến chất lượng nhân tinh trùng và tiên lượng kết quả ICSI vẫn chưa được nghiên cứu. Chính vì vậy, trong nghiên cứu này sẽ tập trung vào đánh giá phân mảnh DNA tinh trùng, sự cô đặc nhiễm sắc chất và sự phân chia giảm nhiễm trong tinh trùng ảnh hưởng đến kết quả ICSI của bệnh nhân MMAF.
 
Phương pháp
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 12 năm 2018 tại Khoa Di truyền học và Sinh sản tại Bệnh viện Đại học Farhat Hached, Tunisia trên 52 bệnh nhân bị vô sinh và được chẩn đoán mắc hội chứng MMAF sau khi điều trị vô sinh trong 9 năm và một nhóm chứng gồm 25 nam giới có khả năng sinh sản bình thường. Kết quả phân tích di truyền cho thấy bình thường, nhưng tất cả các bệnh nhân đều có 100% tinh trùng có hình dạng bất thường. Tác động của chất lượng nhân tinh trùng lên kết quả tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) đã được nghiên cứu trên 25 chu kỳ ICSI của 20 cặp vợ chồng bệnh nhân và so với 20 cặp vợ chồng nhóm đối chứng. Xét nghiệm TUNEL được sử dụng để đánh giá sự phân mảnh DNA của tinh trùng và nhuộm xanh anilin được sử dụng để đánh giá nhiễm sắc thể tinh trùng. Để nghiên cứu sự phân ly giảm phân nhiễm sắc thể, nghiên cứu đã sử dụng lai huỳnh quang tại chỗ (FISH).

Kết quả
Phân tích hình dạng tinh trùng cho thấy tất cả bệnh nhân đều có một trong số các bất thường về hình thái đuôi, bao gồm: 46,73±18,55% đuôi ngắn, 16,22 ±2,32% đuôi gập, 22,07 ±19,1% đuôi cuộn và 10,90 ±6,22% đuôi cụt. Tỷ lệ đầu nhỏ (37,41 ±19,80%) và bất thường ở thể cực đầu (42,75 ±16,3%). Có sự khác biệt đáng kể về chỉ số bất thường đầu giữa hai nhóm thí nghiệm và đối chứng (2,23 ±0,23 so với 1,41 ±0,14; p<0,05), điều này phản ánh tỷ lệ dị thường hình thái đầu cao ở nam giới mắc hội chứng MMAF.
 
Tổng cộng có 52000 tinh trùng được thu thập từ 52 bệnh nhân mắc hội chứng MMAF và 12500 tinh trùng từ 25 người đàn ông có khả năng sinh sản bình thường. Những người đàn ông mắc hội chứng MMAF có tỷ lệ đa bội cao hơn nhiều so với nhóm đối chứng (15,897±0,18% so với 1,520±0,24%, p< 0,01). Tỷ lệ disomy (XX, YY, XY) và tỷ lệ 2 nhiễm sắc thể 18 trung bình ở nhóm bệnh nhân cũng cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (8,43±4,63% so với 1,05±0,56%; p=0,001) và (2,91±2,26% so với 0,15±0,07%; p=0,001). Hơn nữa, tỷ lệ thể lưỡng bội (diploidy) nhiễm sắc thể 18 trong nhóm MMAF cũng cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (2,16±0,01% so với 0,13±0,08%; p=0,004).
 
Chỉ số phân mảnh DNA trung bình (DFI) ở các bệnh nhân cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (25 ± 4,61% so với 10 ± 3,77%; p = 0,001). Tỷ lệ thụ tinh, phôi chuyển, và tỷ lệ mang thai được ghi nhận lần lượt là 45,7 ± 42,7%, 26,7 ± 10,2% và 5%, so với 53,4 ± 36,7%, 32,2 ± 15,3%, 20 ± 9,1% trong nhóm đối chứng ICSI. Các chỉ số tinh dịch (mật độ, sức sống và di động) không có mối tương quan với kết quả ICSI (p > 0,05). Tuy nhiên, có mối liên hệ tiêu cực giữa các hình thái bất thường, đặc biệt là đuôi ngắn với tỷ lệ làm tổ (r = 0,54; p = 0,020). Tỷ lệ hình thành phôi nang có liên quan đáng kể đến mức độ phân mảnh DNA tinh trùng (r = 0,53; p = 0,028). Hơn nữa, không có mối liên hệ nào được phát hiện giữa sự bất thường nhiễm sắc thể ở tinh trùng và kết quả lâm sàng (p > 0,05). 
 
Kết luận
Nam giới vô sinh mắc hội chứng MMAF có chỉ số phân mảnh DNA cao hơn nam giới bình thường, ảnh hưởng đến kết quả ICSI. Do đó, các quy trình lựa chọn tinh trùng tốt hơn đang được áp dụng để tăng tỷ lệ thành công của các công nghệ hỗ trợ sinh sản.
 
Nguồn tham khảo: Braham, Asma, et al. "Nuclear sperm integrity and ICSI prognosis in Tunisian patients with MMAF syndrome (multiple morphological abnormalities of the sperm flagella)." Human Fertility 26.6 (2023): 1429-1438.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK