BS. CKII. Đỗ Thị Kim Ngọc
Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ
Thành phố Cần Thơ năm 2004 là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, với dân số hiện nay trên 1,2 triệu người, trong những năm trở lại đây tỉ lệ phát triển dân số của thành phố đã đạt mức thay thế vào khoảng 1,02%. Mạng lưới y tế cơ sở khá toàn diện, số xã đạt chuẩn theo tiêu chí mới của Bộ Y tế là 71/85 (83,5%), nhưng có một nghịch lý hiện nay là số xã có đỡ sinh tại trạm y tế đang có xu thế giảm. Một lý do được các cán bộ y tế xã, cũng như lãnh đạo các trạm y tế lý giải là: “Người dân hầu hết hiện nay sinh ít con do vậy để đảm bảo cuộc đẻ an toàn, thường họ thích lên tuyến trên để sinh”. Hiện nay, vấn đề tử vong mẹ rất được xã hội quan tâm, đôi khi trở thành gánh nặng cho cán bộ y tế cơ sở.
Hiện nay tại Thành phố Cần Thơ có 01 Bệnh viện đa khoa Trung ương, 01 Bệnh viện đa khoa Thành phố, và 8/9 Khoa Sản tuyến quận huyện trong Thành phố Cần Thơ cũng đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật cho phép của Bộ Y tế trong lĩnh vực Sản Phụ khoa như mổ bắt con, mổ cấp cứu GEU, mổ cắt tử cung bán phần, mổ nội soi… điều này cũng đồng nghĩa chất lượng cung cấp dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản đang đến gần với người dân hơn, các kỹ thuật tiên tiến cũng được ứng dụng tốt tại các địa phương góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên.
Nhưng một điều cần được chia sẻ trong bài viết này là tình hình mổ lấy thai của Thành phố Cần Thơ đang có chiều hướng tăng nhanh và thiếu kiểm soát. Số sinh không tăng đột biến, trung bình tăng vào khoảng 16.437 đứa trẻ ra đời trong năm.
Thường những năm có số sinh cao do năm đó theo con giáp tốt ví dụ như quý hợi, thìn… Nhóm thai nguy cơ cao như sinh >3 con, sinh <20 tuổi, sinh >40 tuổi ở Thành phố Cần Thơ không cao hơn so các tỉnh trong khu vực, trong đó cần lưu ý nhiều nhất là nhóm <20 tuổi sinh con có xu thế tăng trong mấy năm gần đây.
(TB tỉ lệ >3 con: 3,9%, tỉ lệ sinh <20 tuổi :6,6%, tỉ lệ sinh >40 tuổi 1,4% )
Số mổ đẻ của Cần Thơ 3 năm trở lại đây tăng một cách nhanh chóng và hiện nay, mới có 3 tháng đầu năm 2013, theo báo cáo từ các cơ sở y tế thống kê được đã lên đến tỉ lệ 44,3%.
Nếu như năm 2003 có số mổ đẻ là 3.454 ca, thì năm 2012, số ca mổ đẻ tăng lên 9.757 ca, tăng gấp 3 lần. Nếu như năm 2003 có tỉ lệ mổ đẻ là 14,2%; năm 2012, tỉ lệ mổ đẻ là 39,6%.
Nhìn vào con số trên chúng ta thấy trong vòng 9 năm tỉ lệ mổ đẻ đã tăng gấp 2,8 lần, điều này đồng nghĩa sự lạm dụng mỗ đẻ tại các cơ sở y tế đáng báo động. Như vậy một điều dễ hiểu rằng phải chăng chỉ định trong mổ lấy thai đã không được thực hiện một cách nghiêm túc và sự không nghiêm túc này đôi khi bị tác động từ phía cán bộ cung cấp dịch vụ, cũng có khi từ phía khách hàng và người nhà của họ.
Chúng tôi đã tìm hiểu cụ thể và ghi nhận một số ý kiến từ phía cán bộ cung cấp dịch vụ nêu những lý do mổ đẻ: “Muốn kết thúc trước ca trực…”, “Không muốn theo dõi mất nhiều thời gian…”, “Gia đình thai phụ yêu cầu quá…”, “Khách hàng quen biết, cá của bác sĩ”, “Gửi gắm từ trước, mổ cho an toàn…”
Còn về phía khách hàng cũng có lý do tác động trực tiếp làm tăng tỉ lệ mổ đẻ:
“Đã mổ đẻ lần trước, lần này mổ cho chắc ăn…” “Được bác sĩ theo dõi tại nhà, khuyên nên mổ đẻ cho con thông minh, sinh ít con mà…”, “Con tôi còn nhỏ tuổi quá, không thể biết rặn đẻ, tôi chủ động xin bác sĩ mổ sớm cho cháu đỡ mệt…”, “Thấy theo dõi lâu quá, sợ không tốt cho bé trong bụng, xin BS mổ sớm cho mẹ tròn con vuông…”, “Nghe thầy nói phải mổ đúng ngày giờ tốt cho việc làm ăn…”
Với các lý do trên đã khiến các cuộc mổ đẻ trở lên dễ dàng hơn, và họ đã bỏ qua các chỉ định đúng.
Nhìn vào biểu đồ trên chúng ta cũng nhận thấy mổ theo chỉ định đúng giảm rõ rệt, mổ theo yêu cầu tăng nhanh (năm 2007, mổ theo đúng chỉ định là 65,3%, theo yêu cầu là 29,1%, lý do khác 5,6%; năm 2012, mổ theo chỉ định giảm xuống còn 57%, mổ theo yêu cầu tăng 38,9%, mổ theo lý do khác là 5,8%).
Còn đối với thai có nguy cơ cao thì mổ đẻ ở nhóm <20 tuổi cao nhất (90,1%), sau đó là nhóm >40 tuổi (>73%). Trong nhóm lý do khiến gia đình và thai phụ yêu cầu bác sĩ mổ đẻ tập trung nhiều vào có tiền sử mổ đẻ trước (37,1%), lý do làm ăn (28,5%), lý do bảo vệ sức khỏe cho mẹ 15,5%, bảo vệ cho con 13,2%.
Vấn đề cần bàn luận:
- Tỉ lệ mổ lấy thai có xu hướng tăng nhanh
- Việc lạm dụng mổ đẻ khi thấy kỹ thuật đơn giản, dễ dàng
- Gia đình khách hàng với những lý do không chính đáng đang góp phần làm tăng tỉ lệ mổ lấy thai
- Việc theo dõi không được thực hiện nghiêm túc, muốn rút ngắn thời gian theo dõi
- Việc thực hiện theo dõi qua sản đồ cũng còn hình thức, chưa được thực hiện thường xuyên.
- Qui luật tất yếu đã mổ đẻ lần 1, thì lần 2 phải mổ tiếp.
- Số khách khàng quá tải, cán bộ trực mỏng, không đủ, nhất là tuyến dưới.
- Việc nguyên nhân tử vong mẹ gần đây tăng phải chăng có liên quan đến mổ đẻ…
Kết luận của bài viết
- Cần phải nghiêm túc trong việc thực hiện đúng chỉ định trong mổ lấy thai.
- Cần tôn trọng thời gian theo dõi một cuộc chuyển dạ bình thường (thông qua biểu đồ chuyển dạ).
- Tư vấn cho gia đình, cho thai phụ là việc làm hết sức cần thiết.
- Tôn trọng chế độ hội chẩn.
- Cần phải có hình thức xử lý những người chỉ định mổ sai…
- Cần thực hiện việc giám sát thường qui…
- Vụ Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế cần có những văn bản về việc chấn chỉnh tình hình mổ đẻ hiện nay…
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ