GS. Trần Thị Lợi
Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Phụ Sản, Đại học Y Dược TPHCM Chủ nhiệm Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y, Đại học Quốc Gia
Ngày 12 tháng 5 năm 2012, tại khách sạn Caravelle, Hội nghị Chuyên đề Sản khoa đã được tổ chức do công ty Ferring phối hợp cùng Khoa Y, Đại học Quốc gia. Hội nghị quy tụ hơn 100 đại biểu đến từ các quốc gia trong vùng như: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, và 51 đại biểu Việt Nam.
Hai giáo sư chủ tọa cho hội nghị là: GS. Gian Carlo Di Renzo, Chủ nhiệm Bộ môn Phụ Sản và Trung tâm Chu sinh và Y học sinh sản, Bệnh viện Đại học Santa Maria della Misericordia, San Sisto (Perugia), Italia, và GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Sản Phụ, Đại học Y Dược TPHCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Báo cáo viên là những chuyên gia đến từ Anh, Đài Loan, Thái Lan, Philippines, Việt Nam. Hội nghị trình bày và thảo luận về 3 vấn đề:
Những thay đổi gần đây về tình hình mổ lấy thai và sinh ngả âm đạo.
Những tiến bộ trong phòng ngừa băng huyết sau sinh, sổ nhau tích cực.
Dự phòng sinh non.
Bài báo cáo này chỉ chú trọng vấn đề “Những thay đổi gần đây về mổ lấy thai và sinh ngả âm đạo”.
PGS. WC Leung, MD, FROCG, Chủ nhiệm Bộ môn Phụ Sản, Đại học Hồng Kông, bác sĩ tham vấn Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Kwong Wah, mở đầu hội nghị với bài báo cáo “Những thay đổi gần đây về mổ lấy thai và sinh ngả âm đạo ở APAC, Hồng Kông” (Recent change of Caesarean & Vaginal delivery in APAC, Hong Kong [3].
Năm 1985, Tổ chức Y tế Thế giới, đăng trên báo Lancet bài “Kỹ thuật sinh đẻ thích hợp” (Appropriate technology for birth) cho rằng, ở những nước có tỉ lệ tử vong
chu sinh thấp nhất trên thế giới thì tỉ lệ mổ lấy thai dưới 10%, và không có sự biện minh chính đáng nào cho những nơi có tỉ lệ này cao hơn 10-15%. Tỉ lệ mổ lấy thai từ 20% trở lên được cho là cao [4]. Tuy vậy, tỉ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có những yêu cầu của thai phụ như: sợ bị tổn thương sàn chậu, sợ bé sơ sinh bị tổn thương khi sinh ngả âm đạo; thai phụ không tự tin là có thể rặn sinh được... Những yêu cầu không chính đáng này vẫn được một số bệnh viện đáp ứng cho mổ lấy thai dù không có chỉ định sản khoa.
Năm 2010, cũng trên Lancet, đã đăng bài báo cáo về Phương pháp sinh và kết cục thai kỳ ở 9 nước Châu Á do Tổ chức Y tế Thế giới chủ trì từ 2007-2008 (Method of delivery and pregnancy outcomes in Asia: the WHO global survey on maternal and perinatal health 2007-08) [2]. Mục tiêu của nghiên cứu là ước tính tỉ lệ của các phương pháp sinh con và khảo sát mối liên quan giữa phương pháp sinh và những hệ quả trên mẹ và con. 9 nước được chọn vào nghiên cứu là: Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Nhật, Philippines, Srilanka, Thái Lan và Việt Nam. Tại mỗi nước, thủ đô và 2 tỉnh được chọn ngẫu nhiên để tìm hiểu tình hình sinh đẻ ở các nơi này. Phân tích số liệu trên 109.101 ca sinh (trong tổng số 112.152 ca, độ bao phủ 97%) từ 122 cơ sở cho thấy tỉ lệ mổ lấy thai là 27,3% và sinh ngả âm đạo có can thiệp là 3,2%. Bệnh suất và tử suất mẹ được quy định khi có một trong những tình trạng sau: thai phụ bị tử vong, phải nhập săn sóc đặc biệt, có truyền máu, bị mổ cắt tử cung, bị mổ thắt động mạch hạ vị. So với sinh thường ngả âm đạo, nguy cơ của bệnh suất và tử suất của mẹ khi:
Sinh ngả âm đạo có can thiệp thủ thuật: 2,1 (KTC 95%: 1,7-2,6)
Mổ lấy thai trước chuyển dạ, không có chỉ định: 2,7 (KTC 95%: 1,4-5,5)
Mổ lấy thai trước chuyển dạ, có chỉ định: 10,6 (KTC 95%: 9,3-12)
Mổ lấy thai trong chuyển dạ, không có chỉ định: 14,2 (KTC 95%: 9,8-20,7)
Mổ lấy thai trong chuyển dạ, có chỉ định: 14,5 (KTC 95%: 13,2-16)
Ngôi mông:
Mổ lấy thai trước chuyển dạ: 0,2 (KTC 95%: 0,1-0,3)
Mổ lấy thai trong chuyển dạ: 0,3 (KTC 95%: 0,2-0,4)
Kết luận của nghiên cứu này là để cải thiện kết cục thai kỳ, mổ lấy thai luôn luôn nên có chỉ định sản khoa. Trong ngôi mông, so sánh với sinh ngả âm đạo, mổ lấy thai thực hiện trước hoặc trong chuyển dạ đều có kết cục tốt hơn cho thai nhi [1].
Năm 2012, một nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên lồng (nested randomized trial) so sánh kết cục thai kỳ của những phụ nữ có vết mổ lấy thai cũ bằng cách mổ chủ động hoặc cho sinh ngả âm đạo (Planned vaginal birth or elective repeat cesarean: patient preference restricted cohort with nested randomized trial) được thực hiện tại 14 bệnh viện sản ở Úc. Tổng số 2.345 thai phụ có một lần mổ lấy thai trước đó được chia làm hai nhóm: 1.237 ca sinh ngả âm đạo và 1.108 ca được mổ chủ động. Nguy cơ cho con gồm: con chết hoặc những tai biến nghiêm trọng cho con ở nhóm được mổ chủ động là 0,9%, thấp hơn nhóm sinh ngả âm đạo (2,4%). RR: 0,39 (95% CI: 0,19-0,8), NNT (number needed to treat): 66 (95% CI: 40-200). Tỉ lệ thai phụ bị những tai biến trầm trọng (mất máu ≥1.500ml, hoặc phải truyền máu) ở nhóm mổ chủ động là 0,8%, ở nhóm sinh ngả âm đạo là 2,3%; RR: 0,37 (95%CI: 0,17-0,80). Kết luận của nghiên cứu này là với những trường hợp có vết mổ lấy thai cũ, mổ chủ động ít tai biến cho cả mẹ và con hơn là sinh ngả âm đạo [1].
Một trong những nỗ lực giảm tỉ lệ mổ lấy thai là xử trí ngoại xoay thai những trường hợp ngôi mông. Tháng 02/2012, trên Hong Kong Med J Vol 18, No.1, WC Leung và cộng sự đã công bố một nghiên cứu đoàn hệ trong 9 năm từ 2001-2009, trên 910 ca ngôi mông gần đủ ngày. Kết quả là 65% mổ lấy thai chủ động, 17% chống chỉ định của ngoại xoay thai, chỉ còn 18% thực hiện ngoại xoay thai.
Mổ lấy thai cũng là nguy cơ của nhau cài răng lược, tỉ lệ nhau cài răng lược liên quan đến tiền sử mổ lấy thai:
Không có tiền sử mổ lấy thai, tỉ lệ nhau cài răng lược: 1,9%
Có tiền sử mổ lấy thai 1 lần, tỉ lệ nhau cài răng lược: 15,6%
Có tiền sử mổ lấy thai 2 lần, tỉ lệ nhau cài răng lược: 23,5%
Có tiền sử mổ lấy thai 3 lần, tỉ lệ nhau cài răng lược: 29,4%
Có tiền sử mổ lấy thai 4 lần, tỉ lệ nhau cài răng lược: 33,3%
Có tiền sử mổ lấy thai 5 lần, tỉ lệ nhau cài răng lược: 50%
Tất cả những số liệu trình bày ở trên cho thấy mổ lấy thai là một phẫu thuật quan trọng và có nhiều ảnh hưởng đến tương lai sinh sản của người phụ nữ, do đó cần tôn trọng chỉ định mổ lấy thai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Caroline A Crowther, Jodie M. Dodd, Janet E. Hiller… Planned vaginal birth or elective repeat cesarean: patient preference restricted cohort with nested randomized trial. PLOS Medicine, March 2012, V 9,Issue 3, e 1000192.
2. Lumbiganon P, Laopaiboon M… Method of delivery and pregnancy outcomes in Asia: The WHO global survey on maternal and perinatal health 2007-08. Lancet, 2010 Dec 4;376(9756):1002.
3. Wc Leung. Recent change of Cesarean & Vaginal deliveries in APAC. Obstetrics Symposim, 26 May 2012 Ho Chi Minh C. Vietnam.
4. WHO. Appropriate technology for birth. Lancet 1985 Aug 24;2(8452):436-7.
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...