Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Thursday 13-09-2012 2:36pm
Viết bởi: Administrator

chan_doan_tien_sanBS. Nguyễn An Nghĩa

Cán bộ giảng Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM

 


II.2. Các xét nghiệm không xâm lấn

II.2.1. Tầm soát các khiếm khuyết ống thần kinh

Vì khoảng 95% trẻ mắc NTDs được sinh ra từ gia đình không có tiền căn bất thường trước đó, một xét nghiệm tầm soát đơn giản không xâm lấn , như MSAFP, sẽ là một công cụ quan trọng cho việc chẩn đoán tiền sản, phòng ngừa, và điều trị. Nếu trẻ mắc NTDs, nồng độ AFP trong máu mẹ cũng như trong dịch ối sẽ tăng cao hơn mức bình thường. Đây chính là cơ sở để thực hiện đo MSAFP lúc thai 16 tuần tuổi nhằm tầm soát NTDs. Tuy nhiên, có sự chồng lấp đáng kể trong kết quả MSAFP ở thai kỳ bình thường và thai kỳ có trẻ mắc NTDs. Do đó, MSAFP không có đặc hiệu cao, đồng thời, MSAFP cũng có độ nhạy không cao. Nếu mốc nồng độ bất thường được tính từ giá trị gấp đôi giá trị sinh lý trung bình, sẽ vẫn còn khoảng 20% các trường hợp NTDs bị bỏ sót. Hạ thấp giá trị ngưỡng này xuống để nâng độ nhạy lên cao đồng nghĩa với việc độ đặc hiệu sẽ giảm đi.

Kết hợp MSAFP với siêu âm chẩn đoán sẽ giúp tầm soát tốt hơn và thường được sử dụng tại các trung tâm chẩn đoán vì MSAFP được xem là xét nghiệm không xâm lấn. Các bà mẹ mang thai có quan hệ gia đình bậc 1, bậc 2 hoặc có nhiều người trong gia đình mắc NTDs nên được tầm soát MSAFP khi thai được 16 tuần và siêu âm tầm soát lúc 18 tuần hơn là sinh thiết gai nhau.

Ngăn ngừa khiếm khuyết ống thần kinh

Bổ sung đầy đủ acid folic, thường từ ít nhất một tháng trước thời điểm dự định có thai và kéo dài đến hết tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ mắc mới NTDs khoảng 75%. Tỷ lệ mắc mới chẻ vòm hầu cũng giảm khoảng 40% thông qua bổ sung acid folic đầy đủ. Liều acid folic khuyến cáo sẽ thay đổi tùy theo nguy cơ có trẻ mắc NTDs (VD, liều cao hơn sẽ được khuyến cáo cho các phụ nữ có nguy cơ cao dựa trên tiền sử gia đình bất thường tương ứng).

II.2.2. Tần soát hội chứng Down và các bất thường dị bội khác dựa trên MSAFP và siêu âm

Chỉ định hàng đầu đối với các xét nghiệm xâm lấn CVS hoặc chọc ối chính là sự gia tăng nguy cơ thể dị bội ở thai nhi do mẹ cao tuổi. Tuy nhiên, tại các nước phát triển, trên 70% tất cả những trẻ bị các dạng lệch bội nhiễm sắc thể thường gặp, chẳng hạn tam nhiễm 21 (hội chứng Down) lại có mẹ dưới 35 tuổi, là các đối tượng thường không được khuyến cáo và chỉ định các xét nghiệm xâm lấn trên. Một giải pháp đầu tiên được đề nghị cho vấn đề này, thực hiện MSAFP tầm soát NTDs vào tam cá nguyệt giữa, đã làm giảm được nhiều thai kỳ với thể dị bội ở nhiễm sắc thể thường, đặc biệt tam nhiễm 21. Thế nhưng, kết quả MSAFP chồng lấp nhiều giữa các trường hợp bất thường và bình thường, do đó, khó có thể ứng dụng MSAFP đơn lẻ để tầm soát một cách hữu hiệu các bất thường dị bội. Tuy nhiên, hiện nay một loạt các marker với bản chất là protein trong huyết thanh mẹ đã được phát triển kết hợp với siêu âm nhằm đạt được độ nhạy và độ đặc hiệu hữu dụng cho việc tầm soát.

Bảng II.3. Các nguyên nhân làm tăng AFP trong huyết thanh mẹ

Tuổi thai lớn hơn tuổi ước lượng

U quái vùng cùng - cụt

Tật cột sống chẻ đôi

Tắc nghẽn đường tiết niệu

Thai vô sọ

Thận đa nang

U nang lông

Bệnh thận hư bẩm sinh

Khiếm khuyết thành bụng

Tạo xương bất toàn

Khiếm khuyết ống tiêu hóa

Thai nhẹ cân

Thiểu ối

Hoại tử gan

Đa thai

Lộ ổ nhớp

Mẹ sụt cân

U nang mạch bạch huyết

Cần lưu ý là các xét nghiệm này không đưa đến chẩn đoán xác định, được khuyến cáo trong tầm soát không xâm lấn, thực hiện ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai.

Tam cá nguyệt đầu

Thời điểm lý tưởng để tầm soát vào khoảng tuần 11-13 của thai kỳ. Việc tầm soát chủ yếu dựa trên (1) kết quả các giá trị nồng độ một số marker trong huyết thanh mẹ và (2) đo vùng phù nề dưới da ở vùng cổ thai nhi (độ mờ da gáy) qua siêu âm. Các chất được đo trong huyết thanh mẹ bao gồm PAPP-A, hCG (có thể đo hCG toàn phần hoặc chỉ đo tiểu đơn vị beta tự do). PAPP-A sẽ giảm dưới mức bình thường ở tất cả thai kỳ tam nhiễm sắc thể; hCG (hoặc β-hCG tự do) sẽ gia tăng trong tam nhiễm 21 nhưng giảm trong các thể tam nhiễm khác.

Siêu âm trong tam cá nguyệt đầu đánh giá tam nhiễm sắc thể thông qua kiểm tra sự tụ dịch quá mức bình thường ở mô mềm vùng cổ, còn được gọi là độ mờ da gáy. Độ mờ da gáy sẽ tăng trong khoảng tuần 10-14 ở những thai tam nhiễm 21, 13, 18 và 45,X. Cần lưu ý kết hợp với tuổi thai khi đánh giá độ mờ da gáy do trị số này sẽ thay đổi theo tuổi thai tương ứng.

Việc kết hợp bộ ba kết quả này cho tỷ lệ dương tính giả khoảng 5% với độ nhạy trong tầm soát ở tam cá nguyệt đầu khoảng 84%.

Tam cá nguyệt giữa

Các marker được thực hiện ở mẹ bao gồm MSAFP, β-hCG tự do, và estriol không liên hợp. Các xét nghiệm này kết hợp với nhau thành bộ ba xét nghiệm tầm soát (triple screen). Một số phòng xét nghiệm còn đo thêm inhibin A, hình thành nên bộ tứ xét nghiệm tầm soát (quadruple screen). Tất cả các giá trị xét nghiệm trên đều giảm dưới mức bình thường trong các thai kỳ tam nhiễm, ngoại trừ β-hCG tự do tăng trong tam nhiễm 21 và inhibin A tăng trong tam nhiễm 21 và không thay đổi trong các thể tam nhiễm khác. Bộ ba và bộ tứ xét nghiệm giúp phát hiện 72% và 81% các trường hợp tam nhiễm trên nhiễm sắc thể thường, theo thứ tự. Nồng độ estriol không liên hợp cũng giảm ở phụ nữ hút thuốc lá đồng thời còn đặc biệt giảm thấp trong những trường hợp thiếu men steroid sulfatase hoặc bị hội chứng Smith-Lemli-Optitz.

Với các bộ xét nghiệm tầm soát trong tam cá nguyệt đầu và giữa nói trên, bác sĩ sản khoa sẽ phát triển các chiến lược kết hợp kết quả từ từng tam cá nguyệt để gia tăng khả năng phát hiện các thai kỳ có bất thường tam nhiễm, đặc biệt tam nhiễm 21. Đồng thời, các kết quả tầm soát không xâm lấn sớm còn giúp chọn lựa các xét nghiệm xâm lấn tại thời điểm phù hợp cho từng trường hợp sản phụ.

Chẳng hạn như nếu tầm soát trong tam cá nguyệt đầu kết hợp đánh giá nguy cơ theo tuổi mẹ cho kết quả nguy cơ cao với hội chứng Down, xét nghiệm xâm lấn có thể được đề nghị sớm. Với những thai kỳ có nguy cơ ít hơn, sản phụ sẽ được thực hiện thêm các xét nghiệm tầm soát không xâm lấn tại tam cá nguyệt giữa và việc kết hợp xét nghiệm từ hai tam cá nguyệt sẽ giúp quyết định có thực hiện tiếp xét nghiệm xâm lấn hay không. Chiến lược này giúp xác định 95% các ca hội chứng Down với tỷ lệ dương tính giả 5%. Chiến lược sử dụng có thể thay đổi tùy theo điều kiện từng nơi.

Cũng như các xét nghiệm tầm soát khác được sử dụng trong y khoa, cần đặc biệt nhấn mạnh với bố mẹ trẻ xét nghiệm tầm soát huyết thanh mẹ kết hợp siêu âm không phải là công cụ chẩn đoán xác định. Cũng tương tự như vậy, nếu kết quả tầm soát là “âm tính”, nguy cơ họ có trẻ mắc hội chứng Down hoặc các dạng tam nhiễm thường gặp khác, cũng như NTDs là rất thấp, nhưng không có nghĩa là bằng không.

Bảng II.4. Sự biến đổi các chỉ số dùng trong các xét nghiệm tầm soát tam cá nguyệt đầu và giữa

Tam cá nguyệt đầu

Tam cá nguyệt giữa

Độ mờ da gáy

PAPP-A

β-hCG tự do

uE3

AFP

β-hCG tự do

Inhibin A

Tam nhiễm 21

Tam nhiễm 18

Tam nhiễm 13

NTDs

II.2.3. Chẩn đoán tiền sản bằng siêu âm

Với độ phân giải cao, khảo sát theo thời gian thực, siêu âm đã thực sự làm tăng khả năng đánh giá tổng quát tuổi thai, đa thai, phát triển thai nhi cũng như khả năng tầm soát các dị tật hình thái học đặc biệt. Siêu âm qua thành bụng, phương pháp cổ điển, nay đã được hỗ trợ với siêu âm qua ngã âm đạo giúp nâng cao khả năng đánh giá sự phát triển của thai, ngày mang thai, và trong tam cá nguyệt đầu, giúp đánh giá nhiều bất thường như thai vô sọ, thoát vị màng não-tủy.

Một số các bất thường đánh giá được qua siêu âm có liên quan với các thể dị bội ở thai, thường nhất là liên quan với tam nhiễm 21, 18, 13, và 45,X mặc dù các bất thường này cũng có thể xuất hiện ở thai kỳ có bộ nhiễm sắc thể bình thường. Bảng II.5 so sánh tỷ lệ các bất thường nhiễm sắc thể thai nhi khi siêu âm phát hiện bất thường đơn lẻ so với khi nhiều bất thường được phát hiện đồng thời.

II.2.4. Xác định giới tính thai nhi

Giới tính thai nhi có thể được xác định từ tuần thứ 15 trở đi nhờ siêu âm. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các bệnh lý di truyền tính lặn theo nhiễm sắc thể giới tính X trong trường hợp mẹ đã được xác định là người mang mầm bệnh. Xét nghiệm xâm lấn sẽ không cần thiết nếu giới tính của thai nhi được xác định là nữ nhờ siêu âm.

Các tiến bộ về trang thiết bị cũng như kỹ thuật đã cho phép phát hiện nhiều dị dạng thai nhi qua siêu âm thường quy. Một khi dị dạng đã được xác định hoặc nghi ngờ bởi siêu âm thường quy, một kết quả chi tiết hơn với siêu âm ba chiều hoặc 4 chiều (3 chiều kết hợp theo thời gian) có thể được chỉ định.

Bảng II.5. So sánh tỷ lệ bất thường NST ở bào thai có kết quả siêu âm ghi nhận một bất thường đơn độc so với nhiều bất thường

Bất thường NST (%)

Bất thường

Bất thường đơn độc trên siêu âm

Đa bất thường trên siêu âm

Dãn não thất

2

17

Tồn tại nang đám rối mạch mạc

1

48

U nang mạch bạch huyết

52

71

Tăng độ mờ da gáy

19

45

Thoát vị hoành

2

49

Bất thường tim bẩm sinh

16

66

Hẹp tá tràng

38

64

Thoát vị rốn

8

46

Các bất thường thận

3

24

III. Tại phòng xét nghiệm

III.1. Di truyền học tế bào trong chẩn đoán tiền sản

Cả CVS và chọc ối đều có thể cung cấp tế bào thai nhi cho mục đích thực hiện nhiễm sắc thể đồ cũng như phân tích ADN hoặc hóa sinh. Chuẩn bị và phân tích nhiễm sắc thể từ mẫu cấy tế bào dịch ối hoặc tế bào gai nhau mất khoảng 7-10 ngày. Có thể rút ngắn hơn thời gian này đối với tế bào gai nhau, việc rút ngắn này tuy sẽ cho kết quả sớm hơn nhưng lại liên quan với chất lượng mẫu cấy kém hơn và có khả năng các dải nhiễm sắc sẽ không phù hợp cho việc phân tích chi tiết. Phần lớn các phòng xét nghiệm sử dụng cả hai kỹ thuật, nhưng nếu phải chọn một, mẫu cấy tế bào gai nhau thời gian dài (không rút ngắn) được chọn lựa trong đa số trường hợp.

FISH (tạm dịch là kỹ thuật lai hóa tại chỗ phát huỳnh quang) giúp kiểm tra được nhân các tế bào thai nhi trong gian kỳ nhằm phát hiện thể dị bội nhiễm sắc thể 13, 18, 21, X, và Y ngay sau khi có mẫu bệnh phẩm từ kỹ thuật CVS hoặc chọc ối. Kết quả có sau 1-2 ngày và do đó, kỹ thuật này được chỉ định khi cần đánh giá nhanh sự hiện diện của thể dị bội.

III.1.1. Phân tích nhiễm sắc thể sau siêu âm

Do một số dị tật thai nhi trên siêu âm có liên quan với bất thường nhiễm sắc thể, nhiễm sắc thể đồ có thể được chỉ định sau khi có kết quả siêu âm. Mẫu tế bào phân tích có thể là tế bào dịch ối, tế bào gai nhau, hoặc tế bào máu thai nhi có được thông qua thủ thuật chọc dây rốn xuyên da. Bất thường NST thường hiện diện khi siêu âm phát hiện nhiều dị tật phối hợp hơn là chỉ phát hiện một dị tật đơn độc. U nang mạch bạch huyết có thể liên quan với bất thường 45, X nhưng cũng có thể liên quan với hội chứng Down, tam nhiễm 18, hoặc cũng có thể gặp ở thai nhi không bất thường NST.

III.1.2. Các vấn đề trong phân tích NST giai đoạn trước sinh

Thể khảm

Thể khảm mô tả sự hiện diện của hai hay nhiều dòng tế bào với bộ nhiễm sắc thể khác nhau trong cùng một cơ thể hoặc thậm chí cùng một cơ quan. Khi thể khảm hiện diện trong đĩa cấy tế bào thai nhi, một số khó khăn sẽ nảy sinh trong việc giải thích liệu thai nhi có thật sự tồn tại thể khảm và trong việc xác định ý nghĩa về phương diện lâm sàng của thể khảm này.

  • Thể khảm thật được xác nhận trong nhiều khúm cấy từ nhiều đĩa cấy ban đầu khác nhau. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy thể khảm thật hiện diện trên mẫu cấy có liên quan với nguy cơ cao thể khảm thật trên thai nhi.
  • Thể khảm giả là hiện tượng nhiễm sắc thể đồ bất thường chỉ ở một tế bào duy nhất.
  • Thể khảm liên quan với nhiều tế bào hoặc nhiều khúm tế bào chỉ trong một đĩa cấy, dạng này thường khó giải thích, nhưng được cho là có liên quan với việc thể khảm giả phát triển trong đĩa cấy.

Thể khảm đôi khi xuất hiện ở nhau thai nhưng không hiện diện ở thai nhi, được gọi là thể khảm hạn chế tại nhau thai. Tình trạng này được giải thích do hợp tử ban đầu là dị bội thể, tuy nhiên, sau đó, một dòng tế bào nhau thai bình thường được thành lập do giai đoạn hậu hợp tử có cơ chế sửa sai đã chỉnh lại NST thừa, giúp tăng khả năng sống sót cho thai dị bội thể. Cơ chế này được đặc biệt nhấn mạnh trong tam nhiễm 15, với cơ chế sửa sai có tên gọi “trisomy rescue”. Thuật ngữ “trisomy rescue” biểu thị cho tình trạng mất đi một NST 15 thừa, thường là NST bất thường, ở giai đoạn hậu hợp tử. Tuy nhiên, vì một số gen trên NST 15 chịu ảnh hưởng của hiện tượng “dấu ấn di truyền”, do đó cần phải loại trừ trường hợp cả hai NST 15 được thai giữ lại đều có cùng nguồn gốc từ bố hoặc từ mẹ, vì nếu hai NST 15 cùng từ mẹ sẽ gây hội chứng Prader-Willi, ngược lại, nếu cùng từ bố sẽ gây hội chứng Angelman.

Xác định và giải thích kết quả thể khảm là một trong những thách thức hàng đầu trong tư vấn di truyền tiền sản bởi lẽ, cho đến nay, vẫn chưa có đầy đủ thông tin về mối liên quan lâm sàng với các thể khảm.

Cấy thất bại

Nếu sản phụ và gia đình có cơ hội để quyết định chấm dứt thai kỳ khi phát hiện một bất thường trên thai, họ cần được cung cấp thông tin càng sớm càng tốt. Do đó, chẩn đoán tiền sản luôn là một cuộc đua với thời gian, và thất bại khi cấy tế bào thai là một rào cản đáng lo ngại, may mắn thay, biến cố này hiếm khi xảy ra. Nếu cấy tế bào thu được từ CVS thất bại, nên cấy lại lần nữa với tế bào thu thập từ chọc ối. Nếu thất bại khi cấy các tế bào thu được từ chọc ối, cần cân nhắc chọc ối lại lần nữa hoặc lấy máu cuống rốn để thu thập tế bào thai, tùy thuộc vào lứa tuổi của thai.

Các phát hiện không mong muốn

Thỉnh thoảng, phân tích NST tiền sản không ghi nhận thấy bất thường số lượng NST nhưng lại phát hiện một số bất thường hiếm gặp trong cấu trúc của NST. Lúc này, để có thể đánh giá ảnh hưởng của bất thường trên thai nhi, cần thực hiện thêm NST đồ của bố và mẹ. Cần lưu ý rằng một sự tái cấu trúc NST không cân xứng (đột biến mất đoạn, nhân đôi, hoặc cả hai) hoặc mới xuất hiện đều có thể gây ra những bất thường nghiêm trọng cho thai nhi. Nếu NST đồ của bố hoặc mẹ cũng biểu hiện bất thường hoàn toàn tương tự, và người mang bất thường này (bố hoặc mẹ) không có biểu hiện gì lạ trên lâm sàng, nhiều khả năng sự tái cấu trúc NST hiện diện ở thai nhi có tính chất lành tính. Một ngoại lệ cho lập luận trên chính là tình huống một cặp NST có chứa cùng một đoạn NST và đều có nguồn gốc từ bố hoặc từ mẹ với các gen bị chi phối bởi hiện tượng “dấu ấn di truyền”.

III.2. Các thử nghiệm hóa sinh phát hiện các bệnh lý chuyển hóa

Hơn 100 bệnh lý chuyển hóa đã có thể được chẩn đoán tiển sản thông qua mô gai nhau hoặc mẫu cấy tế bào dịch ối, thậm chí một vài rối loạn hiếm gặp có thể được xác định trực tiếp thông qua dịch ối. Đa phần các rối loạn chuyển hóa hiếm khi xảy ra trong cộng đồng chung nhưng lại có nguy cơ tái phát cao (thường khoảng 25% đối với anh chị em ruột, vì phần lớn các rối loạn di truyền theo tính lặn trên NST thường). Do đa số rối loạn là hiếm gặp nên kinh nghiệm của phòng xét nghiệm là một vấn đề cần lưu tâm. Thông thường, xét nghiệm trực tiếp trên mô gai nhau được ưa thích hơn trên đĩa cấy tế bào vì đĩa cấy có nguy cơ ngoại nhiễm tế bào mẹ, có thể dẫn đến sai lệch kết quả.

Các xét nghiệm sinh hóa có một ưu điểm vượt trội so với phân tích ADN trong một số trường hợp: trong khi phân tích ADN đối với một đột biến sẽ chỉ phát hiện đúng đột biến đó chứ không tầm soát được các alen khác, xét nghiệm hóa sinh lại có thể phát hiện các bất thường gây ra bởi bất kỳ alen đột biến nào có hiệu quả chính trên chức năng protein lưu tâm. Lợi điểm này đặc biệt quan trọng trong những rối loạn liên quan nhiều alen hoặc những rối loạn có tỷ lệ cao các đột biến mới.

III.3. Phân tích ADN

Phân tích ADN có thể được tiến hành bằng cách phát hiện trực tiếp đột biến nghi ngờ hoặc nhờ vào các marker liên quan. Thông thường, các phương pháp phát hiện trực tiếp đột biến được ưa chuộng hơn. Do tỷ lệ đột biến thay đổi từ rối loạn này đến rối loạn khác, đồng thời cũng thay đổi theo chủng tộc, do đó phân tích ADN có tính chuyên biệt cao, ngoại trừ một số bệnh tương đối thường gặp như xơ nang, hội chứng NST X dễ gãy. Tuy nhiên, chẩn đoán tiền sản với phân tích ADN có thể không giúp tiên đoán chính xác các biểu hiện lâm sàng ở thai, do tính đa kiểu hình của một số đột biến.

Các rối loạn di truyền ty thể

Đây thật sự là một thách thức đối với tư vấn tiền sản vì các đột biến ty thể luôn có tính “dị huyết tương” (“dị huyết tương” mô tả một tình trạng hiện diện hỗn hợp cả ADN ty thể bình thường và ADN ty thể bất thường bên trong cùng một tế bào), và thật sự khó để tiên đoán tỷ lệ bộ gen ty thể bất thường sẽ di truyền cho bào thai. Mặc dù không chắc chắn về mức độ “dị huyết tương” sẽ được truyền từ mẹ sang bào thai, phân tích ADN tế bào thai nhi thường phản ánh toàn thể mức độ “dị huyết tương” của bào thai và do đó là một chỉ điểm quan trọng và đáng tin cậy đối với gánh nặng mà các đột biến ty thể gây ra cho thai.

IV. Các kỹ thuật mới trong chẩn đoán tiền sản

IV.1. Chẩn đoán di truyền trước làm tổ

Chẩn đoán di truyền trước làm tổ sử dụng các kỹ thuật di truyền tế bào và di truyền phân tử trong thụ tinh ống nghiệm từ đó chọn ra các phôi không có các biểu hiện di truyền bất thường để chuyển vào tử cung. Kỹ thuật này được phát triển trong nỗ lực nhằm tìm ra một giải pháp thay thế cho các cặp vợ chồng với nguy cơ cao có thai mắc các rối loạn di truyền chuyên biệt hoặc dị bội thể. Chẩn đoán di truyền trước làm tổ được thực hiện bằng vi kỹ thuật tách thể cực hoặc sinh thiết tách một tế bào từ phôi giai đoạn 6-8 tế bào sau khi đã thụ tinh ống nghiệm. Phân tích phân tử với phản ứng trùng hợp chuỗi (PCR) được tiến hành để tầm soát một số rối loạn đơn gen cho kết quả khá chính xác; các bất thường NST gần đây cũng được chẩn đoán với kỹ thuật FISH. Những phôi được xác định không có bất thường di truyền về rối loạn đang nghi ngờ có thể được chuyển qua tử cung và cho phép làm tổ, tương tự tiến trình thông thường sau thụ tinh ống nghiệm trong hỗ trợ sinh sản.

Hơn 7000 trường hợp chẩn đoán di truyền trước làm tổ đã được thực hiện trên toàn thế giới (tính đến thời điểm 2007), với kết quả hơn 1000 trẻ ra đời khỏe mạnh. Việc sinh thiết tế bào từ phôi không gây tổn thương đến quá trình phát triển phôi. Các phôi bất thường sẽ bị loại bỏ. Kỹ thuật này vấp phải một số phản đối liên quan y đức vốn cho rằng kỹ thuật này cũng là một dạng phá thai.

IV.2. Tầm soát các đột biến mất đoạn và nhân đôi đoạn

Khả năng của phân tích di truyền tế bào trong phát hiện một số đột biến mất đoạn và nhân đôi đoạn bị giới hạn bởi độ phân giải của kính hiển vi và các dải NST. Những thay đổi dưới 1-2Mb thường không ghi nhận được trên kính hiển vi

V. Ngăn ngừa và xử trí các bệnh lý di truyền tiền sản

V.1. Ngăn ngừa thông qua chọn lựa chấm dứt thai kỳ

Trong đa phần các trường hợp, chẩn đoán tiền sản thường cho kết quả bình thường, và bố mẹ trẻ an tâm rằng trẻ sẽ không bị mắc bệnh lý mà họ đang lo sợ. Tuy nhiên, trong một số nhỏ trường hợp, thai được phát hiện có khiếm khuyết di truyền nặng. Do đa phần các rối loạn đều không thể điều trị tiền sản một cách hiệu quả, sản phụ và gia đình có thể chọn lựa chấm dứt thai kỳ. Mặc dù bỏ thai là một vấn đề nóng bỏng đang được tranh cãi, và mặc dù một số nơi có những đạo luật hạn chế việc bỏ thai, chấm dứt thai kỳ chọn lọc vẫn được sử dụng khắp nơi. Trong số các trường hợp bỏ thai chọn lọc, số ca do chẩn đoán tiền sản ghi nhận bất thường chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Tuy nhiên, một số sản phụ đã có sẵn ý định không chấm dứt thai kỳ vẫn muốn thực hiện xét nghiệm tiền sản nhằm giảm bớt lo âu hoặc chuẩn bị sẵn tinh thần cho sự chào đời của trẻ mang bất thường di truyền. Câu hỏi đặt ra là yêu cầu này có được đáp ứng hay không, vì các xét nghiệm xâm lấn vẫn ẩn chứa một nguy cơ gây sẩy thai. Trong thực tế, nhiều bác sĩ đã chọn việc thực hiện xét nghiệm xâm lấn với lý giải nguy cơ của các xét nghiệm này có tỷ lệ rất thấp đồng thời bố mẹ trẻ hoàn toàn có quyền được biết các thông tin về khả năng bệnh của con mình.

Đứng ở phương diện cộng đồng, chẩn đoán tiền sản kết hợp với chấm dứt thai kỳ chọn lọc đã dẫn đến sự giảm đáng kể tỷ lệ mắc mới một số ít các bệnh lý nặng, chẳng hạn bệnh β-thelassmia và bệnh Tay-Sachs trong những nhóm dân số nhất định. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc mới hội chứng Down cũng giảm 8% và chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ trẻ dưới 35 tuổi. Tuy nhiên, lợi ích quan trọng của chẩn đoán tiền sản không nằm ở cộng đồng mà nằm ở chính gia đình bị ảnh hưởng. Các cặp vợ chồng với nguy cơ có thai mắc các rối loạn nặng nề có thể phát hiện sớm bất thường của thai nếu có, từ đó sẽ có hướng xử trí thích hợp cho đến khi họ có thể có một đứa con bình thường như bao cặp vợ chồng khác.

V.2. Điều trị tiền sản

Trong một số ít trường hợp, chẩn đoán tiền sản giúp ích cho việc điều trị các trẻ bất thường ngay từ khi trẻ chưa chào đời.Điều trị đạt được nhiều thành công nhất là điều trị nội khoa ở mẹ khi phát hiện thai mắc một số bệnh lý chuyển hóa. Ví dụ, điều trị glucocorticoid ở mẹ trong suốt thai kỳ với bào thai có nguy cơ tăng sinh thượng thận bẩm sinh có thể ngăn ngừa tình trạng lưỡng tính giả và cải thiện sự phát triển của thai nhi. Một ví dụ khác, liên quan điều trị ngoại khoa, ghép tủy xương trước sinh cho thai nhi được thực hiện cho một số thai có tình trạng suy giảm miễn dịch phối hợp thể nặng được chẩn đoán tiền sản thông qua xác định trực tiếp gen đột biến.

VI. Tư vấn di truyền trong chẩn đoán tiền sản

Trong đa phần các trường hợp, chẩn đoán tiền sản thường cho kết quả bình thường, và chẩn đoán tiền sản chủ yếu giúp các cặp vợ chồng cảm thấy an tâm hơn. Tuy nhiên, khi phát hiện thai bất thường, cần lưu ý rằng chấm dứt thai kỳ chỉ là một trong số cái chọn lựa. Và điều này cần được đặc biệt lưu ý với các cặp vợ chồng rơi vào tình huống trên. Trên hết, bố mẹ trẻ phải hiểu rằng khi thực hiện xét nghiệm tiền sản, họ không hề bị ép buộc phải chấm dứt thai kỳ nếu có bất thường xảy ra. Mục tiêu của chẩn đoán tiền sản là xác định xem liệu thai nhi có mắc phải rối loạn được nghi ngờ hay không. Việc chẩn đoán một thai nhi có bất thường, ít nhất, cũng giúp bố mẹ trẻ chuẩn bị tinh thần và các điều kiện y tế cần thiết cho việc đón một đứa trẻ có mang rối loạn chào đời.

Tài liệu tham khảo

1. Evans MI, Wapner RJ: Invasive prenatal diagnostic procedures 2005. Semin Perinatol 29:215-218, 2005

2. Reddy UM, Mennutti MT: Incorporating first-trimester Down syndrome studies into prenatal screening. Obstet Gynecol 107:167-173, 2006

3. Robert LN: Prenatal Diagnosis. In: Thompson & Thompson Genetics In Medicine, 7th ed. Saunders, 443-459, 2007

4. Wilcox AJ, Lie RT, Solvoll K, et al: Folic acid supplements and risk of facial clefts: national population based case-control study. BMJ 334:464-469, 2007

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Chẩn đoán tiền sản (phần 1) - Ngày đăng: 13-09-2012
Dự phòng băng huyết sau sinh - Ngày đăng: 19-07-2012
Rubella và thai kỳ - Ngày đăng: 14-05-2012
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK