Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Wednesday 25-10-2023 10:30pm
Viết bởi: Khoa Pham
Phan Thị Mến, Hồ Ngọc Anh Vũ
Bệnh viện Mỹ Đức
 
MỞ ĐẦU
Hội chứng buồng trứng đa nang (HC BTĐN) là một rối loạn thần kinh – nội tiết – chuyển hóa – sinh sản toàn thân, ảnh hưởng gần 20% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên toàn thế giới [1]. Theo đồng thuận Rotterdam, HCBTĐN được chẩn đoán khi có ít nhất hai trong ba triệu chứng sau: (i) cường androgen sinh hóa và/hoặc lâm sàng, (ii) rối loạn phóng noãn, (iii) có hình ảnh buồng trứng dạng đa nang trên siêu âm và chỉ được chẩn đoán khi đã loại trừ các bệnh lý gây cường androgen khác như hội chứng Cushing, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh hoặc khối u tiết androgen [2]. HC BTĐN ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe toàn thân như tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, rối loạn dung nạp đường và đái tháo đường típ 2, tăng nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung – ung thư nội mạc tử cung [3]. Ngoài ra, HC BTĐN còn liên quan đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần gồm rối loạn lo âu, trầm cảm, suy giảm chức năng tâm lý tính dục [4]. Kết quả từ nghiên cứu của Barry và cộng sự cho thấy phụ nữ có HC BTĐN gặp các vấn đề tâm lý, đặc biệt là rối loạn lo âu và trầm cảm cao hơn so với phụ nữ không có HC BTĐN [5]. Theo một phân tích gộp trên 57 nghiên cứu cho thấy ở những phụ nữ có HC BTĐN có sự gia tăng đáng kể nguy cơ các vấn đề tâm lý như rối loạn trầm cảm chủ yếu, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn lưỡng cực [6]. Gần đây nhất, một nghiên cứu cắt ngang năm 2022 đã đưa ra tỷ lệ rối loạn lo âu, trầm cảm ở nhóm phụ nữ có HCBTĐN lần lượt là 42% và 37% [7]. Theo các chuyên gia, các triệu chứng lâm sàng đặc trưng của HC BTĐN như kinh nguyệt không đều, mụn trứng cá, rậm lông, béo phì không chỉ gây ra những hậu quả bất lợi về sức khỏe thể chất mà ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm lý của người bệnh, tuy nhiên nguyên nhân gây ra rối loạn tâm lý ở phụ nữ có HCBTĐN vẫn chưa rõ ràng [8]. Vì nguy cơ mắc các rối loạn về tâm lý ở phụ nữ có HC BTĐN cao đáng kể và các triệu chứng của HC BTĐN có tác động nghiêm trọng lên chất lượng cuộc sống ở phụ nữ có HCBTĐN nên việc tiếp cận và quản lý các vấn đề này ở nhóm bệnh nhân này là vấn đề cần được quan tâm [9].
 
TÁC ĐỘNG CỦA HỘI CHỨNG BUỒNG TRỨNG ĐA NANG ĐẾN SỨC KHỎE TINH THẦN
Hai vấn đề tâm lý liên quan đến HC BTĐN được đề cập nhiều trong các nghiên cứu thời gian gần đây là rối loạn lo âu và trầm cảm. Trầm cảm và triệu chứng của trầm cảm thường phổ biến hơn ở phụ nữ có HC BTĐN. Rối loạn tâm lý này có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như tình trạng kháng Insulin, cường androgen, béo phì [10]. Theo nghiên cứu của Brutocao và cs. (2018), tình trạng tăng cân ở phụ nữ có HC BTĐN có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nghiên cứu cũng đưa ra kết quả phụ nữ có HC BTĐN có BMI thấp hơn thì có điểm số trầm cảm thấp hơn [6]. Một phân tích khác của Greenwood và cs. trên 738 phụ nữ có HC BTĐN đã cho thấy một yếu tố khác là chỉ số đề kháng insulin HOMA-IR tăng cao có liên quan đến tỷ lệ trầm cảm tăng gấp 2,3 lần sau khi đã kiểm soát độ tuổi và BMI [11]. Rối loạn lo âu có thể liên quan đến các yếu tố gồm: thất bại trong thụ thai, những lo lắng liên quan đến việc xây dựng gia đình hay từ thái độ tiêu cực của xã hội vì những khác biệt lớn về ngoại hình liên quan đến HC BTĐN. Bởi vì hình ảnh cơ thể là tổng hoà của nhiều yếu tố khác nhau như trọng lượng cơ thể, hình dáng, ngoại hình tổng thể, việc không hài lòng về hình ảnh cơ thể như tăng cân, tình trạng rậm lông hay dấu gai đen ở phụ nữ có HC BTĐN có thể góp phần làm giảm sự tự tin và ảnh hưởng đáng kể đến tương tác xã hội của họ [10]. Một phân tích tổng hợp của Wang và cs. cũng đã nêu lên tác động tiêu cực của việc thay đổi ngoại hình do rậm lông và béo phì đối với sức khỏe tâm thần ở phụ nữ có HC BTĐN [12]. Hơn nữa, việc các nền văn hóa có xu hướng đánh giá con người qua ngoại hình chung cũng ảnh hưởng đến thái độ kỳ thị từ xã hội đối với phụ nữ có HC BTĐN. Cụ thể là, đặc điểm nữ tính bao gồm có kinh nguyệt đều đặn (đại diện cho khả năng sinh sản), khuôn mặt sáng, không có mụn và cơ thể không có rậm lông. Và một khi, các đặc điểm này bị mất đi ở nhóm phụ nữ có HC BTĐN thì họ sẽ chịu sự kỳ thị và thái độ phân biệt đối xử của những người xung quanh. Điều này có thể dẫn đến sự tổn thương lòng tự trọng cũng như suy giảm chất lượng từ các mối quan hệ xã hội của cá nhân đó [10]. Một vấn đề không kém phần quan trọng là tâm lý tính dục ở phụ nữ có HC BTĐN. Một số nghiên cứu đã cho thấy phụ nữ có HC BTĐN cho biết họ ít hài lòng hơn với đời sống tình dục và thấy mình kém hấp dẫn hơn với bạn đời của mình. Bên cạnh đó, HC BTĐN còn dẫn đến hiếm muộn, từ đó có thể ảnh hưởng lâu dài, đáng kể đến mối quan hệ hôn nhân và hoạt động tình dục của cặp vợ chồng [13]. Ngoài ra, HC BTĐN còn tác động tiêu cực đến vấn đề ăn uống của nhóm phụ nữ có hội chứng này. Nhiều nghiên cứu cho thấy có tỷ lệ khá cao bệnh nhân có HC BTĐN bị rối loạn ăn uống. Trong một nghiên cứu cắt ngang ở Úc trên 501 phụ nữ có HC BTĐN và 398 phụ nữ không có HC BTĐN đã cho thấy chứng rối loạn ăn uống ở nhóm có HC BTĐN phổ biến hơn ở nhóm không có hôi chứng này [14]. Một phân tích tổng hợp trên 470 phụ nữ có HC BTĐN và 390 phụ nữ thuộc nhóm chứng cũng cho kết quả điểm rối loạn ăn uống của nhóm có HC BTĐN cao hơn so với nhóm chứng [15]. Vấn đề này có thể liên quan đến việc nỗ lực giảm cân, dẫn đến ăn uống vô độ và tình trạng nôn ói của người bệnh [14].
 
TIẾP CẬN CÁC VẤN ĐỀ TÂM LÝ – SỨC KHOẺ TINH THẦN Ở PHỤ NỮ CÓ HC BTĐN
HC BTĐN có những tác động bất lợi đến chất lượng cuộc sống, làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo âu, gia tăng tần suất rối loạn ăn uống cũng như làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của rối loạn tâm lý tính dục ở nhóm phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang. Do đó, việc sàng lọc, quản lý và điều trị các rối loạn cảm xúc ở nhóm phụ nữ có HC BTĐN nên được xem xét thận trọng, phù hợp và có sự liên kết đa chuyên khoa nhằm giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Giáo dục tâm lý, nâng cao nhận thức về bệnh tật là một bước thiết yếu trong việc tiếp cận các rối loạn tâm lý ở phụ nữ có HC BTĐN [10]. Cần cung thấp thông tin phù hợp, một cách tôn trọng và đồng cảm cho nhóm phụ nữ có hội chứng này. Các Chương trình giáo dục sức khỏe về HC BTĐN và phương tiện hỗ trợ cần điều chỉnh phù hợp với đặc điểm văn hóa từng khu vực [9]. Theo khuyến cáo lâm sàng dựa trên bằng chứng trong đánh giá và quản lý HC BTĐN năm 2023 đề cập đến việc nên thực hiện tầm soát rối loạn lo âu và trầm cảm ở tất cả phụ nữ trưởng thành và trẻ vị thành niên có HC BTĐN bằng các công cụ được hiệu chỉnh. Bảng câu hỏi về sức khỏe bệnh nhân (PHQ9) hoặc thang điểm Rối loạn Lo âu Tổng quát (GAD7) là hai công cụ được đề cập để sàng lọc các yếu tố nguy cơ của trầm cảm và rối loạn lo âu ở khuyến cáo lâm sàng dựa trên bằng chứng trong đánh giá và quản lý HC BTĐN 2018 [16]. GAD 7 được Spitzer xây dựng năm 2006, gồm 7 câu hỏi tự trả lời về những triệu chứng rối loạn lo âu theo tiêu chí DSM-IV, GAD-7 là một công cụ sàng lọc, tự đánh giá rối loạn lo âu. Được sử dụng hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thang đo GAD-7 gồm 7 câu hỏi, với điểm cắt là 10 thì độ nhạy là 89%, độ đặc hiệu là 82% [17, 18]. Còn thang đo PHQ 9 ra đời năm 2001, gồm 9 câu hỏi tự trả lời về những triệu chứng rối loạn trầm cảm chủ yếu theo tiêu chí DSM-IV. Phiên bản DSM V, được cập nhật vào năm 2013, không có thay đổi nào về các triệu chứng được liệt kê trong DSM IV. Với điểm cắt là 10 thì độ nhạy của thang đo là 88%, độ đặc hiệu 88% [19]. Và nếu phát hiện các triệu chứng trầm cảm hay rối loạn lo âu thì các bác sĩ nên đánh giá thêm và/hoặc giới thiệu người bệnh đến bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, việc quản lý trầm cảm hay rối loạn lo âu còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và khoảng thời gian tối ưu để tầm soát vẫn chưa được xác định rõ. Bên cạnh đó, cần tầm soát các hội chứng liên quan đến rối loạn sức khỏe tâm thần bao gồm: đánh giá các yếu tố nguy cơ, triệu chứng và nguy cơ tự làm hại bản thân và ý định tự sát [9]. Liệu pháp tâm lý có thể được xem là biện pháp đầu tay trong điều trị trầm cảm và giảm lo âu ở phụ nữ có HC BTĐN [9]. Liệu pháp nhận thức hành vi là một trong những phương pháp trị liệu tâm lý được chứng minh có hiệu quả. Liệu pháp này giúp người bệnh tập trung vào việc chấp nhận căn bệnh, nhận biết được những ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm xúc của họ, đồng thời giúp người bệnh hạn chế những suy nghĩ tiêu cực. Liệu pháp nhận thức hành vi còn giúp người bệnh có động lực, xây dựng hình ảnh cơ thể tích cực, giúp họ nâng cao sự tự tin hơn, có những chiến lược đối phó với stress hữu ích [10]. Khi các rối loạn tâm thần được xác định rõ ràng, kéo dài hoặc người bệnh có những triệu chứng liên quan đến tự sát thì điều trị bằng thuốc chống trầm cảm nên được cân nhắc và tuân theo những hướng dẫn thực hành lâm sàng. Việc điều trị bằng thuốc chống trầm cảm và lo âu cần chú ý tránh điều trị không phù hợp và hạn chế sử dụng các tác nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng của HC BTĐN bao gồm rối loạn tăng cân [9]. Trong các can thiệp bằng thuốc, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) đã cho thấy hiệu quả trong việc kiểm soát rối loạn lo âu. Đối với trầm cảm từ trung bình đến nặng có thể được điều trị bằng sự kết hợp giữa liệu pháp dược lý và/hoặc can thiệp tâm lý. Hầu hết các chuyên gia đều khuyên dùng SSRI hoặc mirtazapine nếu cần dùng thuốc an thần [10]. Trong chăm sóc bệnh nhân có HC BTĐN, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cần hỗ trợ quyền tự quyết của người bệnh hoặc khả năng người bệnh tự thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe của họ. Các chiến lược dựa trên bằng chứng để chia sẻ quyết định và chia sẻ tin tức luôn sẵn có và nên được sử dụng để cung cấp thông tin cho việc chăm sóc người bệnh có HC BTĐN. Bên cạnh đó, biện pháp can thiệp thay đổi lối sống và các liệu pháp khác như viên nội tiết tránh thai đường uống, metformin, và triệt lông bằng laser) cũng góp phần cải thiện các rối loạn tâm lý. Các can thiệp lối sống như tập thể dục, thay đổi chế độ ăn kết hợp tập thể dục và thay đổi hành vi được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ có HC BTĐN để cải thiện sức khỏe chung, chất lượng cuộc sống và quản lý cân nặng [9].
 
KẾT LUẬN
HC BTĐN là một tình trạng rối loạn sinh sản phức tap với nhiều hậu quả về chuyển hóa. Phụ nữ có HC BTĐN phải trải qua nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tâm thần. Mối liên quan của HC BTĐN với các rối loạn tâm thần đang ngày càng trở nên được quan tâm. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng phụ nữ có HC BTĐN tăng nguy cơ mắc rối loạn lo âu, trầm cảm và rối loạn ăn uống cao hơn nhóm phụ nữ không có hội chứng này. Mối liên quan này có thể do nhiều yếu tố như vấn đề về hình ảnh cơ thể, cường androgen, kháng insulin và tăng cân, béo phì. Do đó, một cách tiếp cận toàn diện, đa chuyên khoa – hợp tác giữa các bác sĩ nội tiết sinh sản, bác sĩ phụ khoa, bác sĩ dinh dưỡng, chuyên gia chăm sóc sức khỏe ban đầu, chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần trong việc quản lý, điều trị ở phụ nữ có HC BTĐN sẽ cải thiện kết quả điều trị chung của nhóm bệnh nhân này.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.       Deswal, R., et al., The prevalence of polycystic ovary syndrome: a brief systematic review. Journal of Human Reproductive Sciences, 2020. 13(4): p. 261.
2.       Rotterdam, Revised 2003 consensus on diagnostic criteria and long‐term health risks related to polycystic ovary syndrome (PCOS). Human reproduction, 2004. 19(1): p. 41-47.
3.       Anagnostis, P., B.C. Tarlatzis, and R.P. Kauffman, Polycystic ovarian syndrome (PCOS): Long-term metabolic consequences. Metabolism, 2018. 86: p. 33-43.
4.       Yin, X., et al., The mental health of women with polycystic ovary syndrome: a systematic review and meta-analysis. Archives of women's mental health, 2021. 24(1): p. 11-27.
5.       Barry, J.A., M.M. Azizia, and P.J. Hardiman, Risk of endometrial, ovarian and breast cancer in women with polycystic ovary syndrome: a systematic review and meta-analysis. Human reproduction update, 2014. 20(5): p. 748-758.
6.       Brutocao, C., et al., Psychiatric disorders in women with polycystic ovary syndrome: a systematic review and meta-analysis. Endocrine, 2018. 62(2): p. 318-325.
7.       Hasan, M., et al., Prevalence and associated risk factors for mental health problems among patients with polycystic ovary syndrome in Bangladesh: A nationwide cross—Sectional study. PloS one, 2022. 17(6): p. e0270102.
8.       Zehravi, M., M. Maqbool, and I. Ara, Depression and anxiety in women with polycystic ovarian syndrome: a literature survey. International Journal of Adolescent Medicine and Health, 2021. 33(6): p. 367-373.
9.       Teede, H.J., et al., Recommendations from the 2023 international evidence-based guideline for the assessment and management of polycystic ovary syndrome. European Journal of Endocrinology, 2023. 189(2): p. G43-G64.
10.      Rehman, R. and A. Sheikh, Polycystic Ovary Syndrome-E-Book: Basic Science to Clinical Advances Across the Lifespan. 2022: Elsevier Health Sciences.
11.      Greenwood, E.A., et al., Insulin resistance is associated with depression risk in polycystic ovary syndrome. Fertility and sterility, 2018. 110(1): p. 27-34.
12.      Wang, Y., Z. Ni, and K. Li, The prevalence of anxiety and depression of different severity in women with polycystic ovary syndrome: a meta-analysis. Gynecological Endocrinology, 2021. 37(12): p. 1072-1078.
13.      Elsenbruch, S., et al., Quality of life, psychosocial well-being, and sexual satisfaction in women with polycystic ovary syndrome. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, 2003. 88(12): p. 5801-5807.
14.      Pirotta, S., et al., Disordered eating behaviours and eating disorders in women in Australia with and without polycystic ovary syndrome: a cross-sectional study. Journal of clinical medicine, 2019. 8(10): p. 1682.
15.      Lee, I., et al., Increased odds of disordered eating in polycystic ovary syndrome: a systematic review and meta-analysis. Eat Weight Disord, 2019. 24(5): p. 787-797.
16.      Teede, H.J., et al., Recommendations from the international evidence-based guideline for the assessment and management of polycystic ovary syndrome. Human reproduction, 2018. 33(9): p. 1602-1618.
17.      Rutter, L.A. and T.A. Brown, Psychometric properties of the generalized anxiety disorder scale-7 (GAD-7) in outpatients with anxiety and mood disorders. Journal of psychopathology and behavioral assessment, 2017. 39: p. 140-146.
18.      Spitzer, R., et al., Generalized Anxiety Disorder 7 (GAD-7)[Database record]. APA PsycTests. Retrieved from PsycTESTS. doi: https://dx. doi. org/10.1037/t02591-000, 2006.
19.      Kroenke, K., R.L. Spitzer, and J.B. Williams, The PHQ‐9: validity of a brief depression severity measure. Journal of general internal medicine, 2001. 16(9): p. 606-613.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK