Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Wednesday 04-10-2023 12:07am
Viết bởi: Khoa Pham
Ths. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận
  
  1. Giới thiệu
Lựa chọn phôi nang để chuyển đóng vai trò quan trọng đem đến hiệu quả thành công của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp lựa chọn phôi dựa trên yếu tố hình thái là cách tiếp cận không xâm lấn, đơn giản nhất vẫn được áp dụng thường quy tại các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, vẫn cần xác định và sử dụng những dấu ấn sinh học để cải thiện độ chính xác khi lựa chọn phôi chuyển bằng yếu tố hình thái. Chính vì thế, cần phân tích đặc điểm co sụp khoang phôi của phôi nang ghi nhận bằng hệ thống nuôi cấy quan sát liên tục (time-lapse monitoring – TLM) đối với tiềm năng phát triển của phôi nang; từ đó có thể sử dụng đặc điểm này trong lựa chọn phôi nang chuyển.
 
  1. Sự co sụp khoang phôi
Sự sụp của khoang phôi (collapse) là hiện tượng tự nhiên thường gặp trong quá trình nở rộng khoang phôi, đây là sự giảm kích thước dịch khoang phôi và sự tách rời của tất cả hoặc một phần tế bào lá nuôi (TE) khỏi màng trong suốt (ZP) >50% diện tích mặt trong của ZP được gọi là phôi bị co sụp (collapse) hoặc co lại mạnh (strong contraction); còn nếu sự tách rời <50% diện tích mặt trong của ZP thì là phôi bị co lại (contraction) [1]. Sự co sụp của phôi nang người được mô tả đầu tiên vào năm 2015 bởi Marcos và cộng sự [1]. Nhóm tác giả đã cho thấy sự co sụp khoang phôi có mối tương quan chặt chẽ với giảm tỉ lệ làm tổ từ 48,5% xuống còn 35,1%.
 
Khi nuôi cấy phôi trong hệ thống TLM đã ghi nhận được sự co sụp khoang phôi có thể xuất hiện một lần hoặc co-nở nhiều lần (>1 lần) trong quá trình phát triển của phôi nang. Sự co sụp khoang phôi khi bị ảnh hưởng bởi tuổi mẹ và kỹ thuật thụ tinh (ICSI hay IVF cổ điển) [2]. Các nghiên cứu đã báo cáo rằng phôi nang có sự co sụp sẽ bị giảm khả năng làm tổ, cũng như có làm tăng tỉ lệ lệch bội của phôi nang [3], [4]. Sự co sụp nhiều lần của phôi nang sẽ làm giảm đáng kể tỉ lệ trẻ sinh sống so với phôi co sụp 1 lần và không co sụp [3]–[5]. Tuy nhiên, ảnh hưởng của sự co sụp khoang phôi nang đến tiềm năng phát triển phôi nang và kết quả thai kỳ vẫn còn nhiều tranh cãi.
 
Sự co sụp được xem là một yếu tố làm giảm tiềm năng phát triển của phôi nang cũng như giảm khả năng làm tổ của phôi nang [3], [6]. Cơ chế phân tử của sự co sụp phôi nang vẫn chưa được hiểu rõ. Giả thuyết đặt ra để lý giải tại sao sự co sụp lại tác động xấu đến sự làm tổ của phôi nang là sức căng bề mặt và áp suất của phôi bị thay đổi trong quá trình phôi co sụp, hai điều này có thể gây hại đến những cầu nối giữa các tế bào TE. Do đó, một khi phôi nang phục hồi sau co sụp sẽ có TE bị lỗi. Hơn nữa, quá trình tái giãn nở lại của phôi nang sẽ cần năng lượng. Vì thế nếu co sụp 2 lần trở lên thì phôi nang đòi hỏi cần một lượng năng lượng đáng kể để phục hồi và hoàn thành quá trình nở lại, nên sự thiếu hụt năng lượng này có thể gây ra tác động bất lợi đến tiềm năng phát triển của phôi [7]. Vẫn cần các nghiên cứu sâu để làm rõ sự kiện co sụp khoang phôi nang.
 
  1. Co sụp khoang ảnh hưởng như thế nào đến tiềm năng phát triển của phôi nang
Về chất lượng phôi nang:
Mối tương quan giữa sự co sụp khoang phôi với chất lượng phôi nang vẫn còn tranh cãi. Nhóm nghiên cứu của Marcos và cộng sự không thấy có mối tương quan [1], còn theo 2 nghiên cứu khác thì chứng minh co sụp tương quan đến chất lượng phôi nang kém [3], [5]. Số liệu báo cáo rằng tỉ lệ phôi nang chất lượng tốt giảm dần tương ứng với nhóm phôi không co sụp, co sụp 1 lần và co sụp >1 lần (38%, 21%, 8%; p <0,0001) [5]. Tỉ lệ phôi có sự co sụp ở nhóm phôi nang có hình thái kém cao hơn đáng kể so với nhóm phôi chất lượng tốt (32,9%; 21,9%; 16,2% tương ứng với phôi chất lượng A, B, C p <0,001) [3].
 
Về động học hình thái phôi:
Các nghiên cứu báo cáo rằng có sự khác biệt về một số thông số động học ở những phôi co sụp so với phôi nang không bị co sụp. Ở những phôi co sụp sẽ có thời điểm phôi phân chia thành 2,3,4 phôi bào (t2, t3, t4), thời điểm hình thành phôi dâu (tM), thời điểm tạo phôi nang (tB) xuất hiện sớm hơn đáng kể khi so với phôi không bị co sụp [1].
 
Lệch bội:
Theo nghiên cứu quan sát của Cimadomo và cộng sự 2022 phân tích trên 2.348 video phôi TLM từ 720 chu kỳ PGT-A. Kết quả ghi nhận 47,3% phôi có sự co sụp từ 1-9 lần trong suốt quá trình tạo phôi nang. Tỉ lệ phôi nguyên bội ở nhóm phôi co sụp thấp hơn đáng kể so với nhóm phôi nang không co sụp, cũng như ở những phôi có số lần co sụp >1 lần thì sẽ tăng nguy cơ bị lệch bội hơn (47% ở phôi nang không co sụp và 38%, 32%, 31% và 20% ở phôi nang co sụp 1 lần, 2 lần, 3 lần hoặc ≥4 lần tương ứng; phân tích đa biến cho OR = 0,78, KTC 95% 0,62-0,98, p = 0,03). Tỉ lệ trẻ sinh sống sau khi chuyển đơn phôi trữ nguyên bội không có sự khác biệt đáng kể giữa phôi không co sụp và phôi có sự co sụp (46% và 39%) [4]. Nghiên cứu đã cho thấy sự co sụp tự phát của phôi nang có mối tương quan đáng kể đến tỉ lệ phôi nguyên bội thấp hơn.
 
Làm tổ và kết quả thai kỳ:
Theo Bodri và cộng sự (2016), so sánh tỉ lệ trẻ sinh sống giữa 3 nhóm phôi (không, 1 lần, >1 lần co sụp) từ 277 chu kỳ chuyển đơn phôi nang. Khi nuôi cấy phôi quan sát liên tục trong hệ thống TLM thì ghi nhận tần suất phôi không bị co sụp là 54% (n = 150 phôi), xuất hiện co sụp 1 lần là 22% (n = 61 phôi), co sụp >1 lần là 24% (n = 66 phôi). Kết quả cho thấy tỉ lệ trẻ sinh sống giảm đáng kể ở nhóm >1 lần co sụp với 2 nhóm còn lại (14% so với 36%; p = 0,0009; 14% so với 31%; p = 0,02). Tuy nhiên, khi phân tích đa biến, thì thấy rằng sự co sụp khoang phôi không phải là yếu tố tiên lượng tỉ lệ trẻ sinh sống sau khi chuyển đơn phôi nang [5]. Nghiên cứu đã kết luận rằng phôi nang có hiện diện 1 hoặc nhiều lần sự co sụp trong quá trình phát triển không có mối tương quan đến việc làm giảm cơ hội thành công đạt trẻ sinh sống sau khi chuyển đơn phôi nang trữ lạnh.
 
Sciorio và cộng sự (2019), đã thực hiện nghiên cứu hồi cứu trên 356 chu kỳ chuyển đơn phôi nang tươi chọn lọc. Tần suất phôi hiện diện co sụp là 17,4% trong đó 1 lần là 13,6%; 2 lần 3,4%; 3 lần 0,4%; còn 82,6% là phôi không bị co sụp hoặc có sự co lại yếu. Tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai diễn tiến ở những phôi bị co sụp thấp hơn đáng kể so với phôi không co sụp (tương ứng là 22,6% so với 61,2% và so với 61,2%) [6]. Một nghiên cứu hồi cứu đa trung tâm khác thực hiện trên 1.297 phôi nang chất lượng tốt được nuôi cấy trong TLM và chuyển đơn phôi nang tươi chọn lọc. Kết quả ghi nhận có khoảng 20% phôi xuất hiện 1 hoặc 2 lần co sụp trong quá trình phát triển. Ở những phôi bị co sụp sẽ giảm đáng kể về tỉ lệ thai lâm sàng (45,2% so với 61,0%; p <0,001) và tỉ lệ thai diễn tiến (37,5% so với 51,9%; p < 0,001) khi so với những phôi không ghi nhận có hiện tượng co sụp trong quá trình phát triển [3]. Hai nghiên cứu hồi cứu này đã chứng tỏ sự co sụp có thể được dùng như một dấu ấn trong lựa chọn phôi để chuyển đơn phôi nang chất lượng tốt. Những phôi nang có sự co sụp trong quá trình phát triển không nên ưu tiên sử dụng để chuyển đơn phôi nang [3], [6].
 
Kết luận
Co sụp là hiện tượng thường được quan sát thấy trong quá trình tạo thành phôi nang. Ở những phôi nang có sự co sụp đã ghi nhận một số thông số động học hình thái khác biệt đáng kể khi so với phôi nang không bị co sụp. Mặc dù, vẫn còn tranh cãi về mối tương quan giữa sự co sụp khoang phôi với chất lượng phôi nang. Nhưng sự co sụp có mối tương quan đáng kể đến tỉ lệ nguyên bội thấp hơn của phôi nang. Theo những bằng chứng hiện nay đã chứng minh thì nếu phôi nang bị co sụp trong quá trình phát triển sẽ bị giảm tỉ lệ làm tổ, thai lâm sàng, thai diễn diến và cả tỉ lệ trẻ sinh sống. Trong tương lai, vẫn cần các nghiên cứu để làm sáng tỏ sự kiện co sụp khoang phôi nang và tăng độ mạnh bằng chứng để khẳng định việc ảnh hưởng của sự co sụp khoang phôi đến tiềm năng phát triển và kết cục thai kỳ sau khi chuyển đơn phôi nang.
 
Tài liệu tham khảo
[1]     J. Marcos, S. Pérez-Albalá, A. Mifsud, M. Molla, J. Landeras, and M. Meseguer, “Collapse of blastocysts is strongly related to lower implantation success: A time-lapse study,” Hum. Reprod., vol. 30, no. 11, pp. 2501–2508, 2015.
[2]     S. Márquez-Hinojosa, L. Noriega-Hoces, and L. Guzmán, “Time-Lapse Embryo culture: A better understanding of embryo development and clinical application,” J. Bras. Reprod. Assist., vol. 26, no. 3, pp. 432–443, 2022.
[3]     R. Sciorio, R. Herrer Saura, K. J. Thong, M. Esbert Algam, S. J. Pickering, and M. Meseguer, “Blastocyst collapse as an embryo marker of low implantation potential: A time-lapse multicentre study,” Zygote, no. 1999, 2019.
[4]     D. Cimadomo et al., “Human blastocyst spontaneous collapse is associated with worse morphological quality and higher degeneration and aneuploidy rates: a comprehensive analysis standardized through artificial intelligence.,” Hum. Reprod., vol. 37, no. 10, pp. 2291–2306, Sep. 2022.
[5]     D. Bodri, T. Sugimoto, J. Yao Serna, S. Kawachiya, R. Kato, and T. Matsumoto, “Blastocyst collapse is not an independent predictor of reduced live birth: a time-lapse study,” Fertil. Steril., vol. 105, no. 6, pp. 1476-1483.e3, 2016.
[6]     R. Sciorio, K. J. Thong, and S. J. Pickering, “Spontaneous blastocyst collapse as an embryo marker of low pregnancy outcome : A Time-Lapse study,” JBRA Assist. Reprod., no. 0, pp. 1–7, 2019.
[7]     R. Sciorio, G. Campos, S. Palini, D. Baldini, and R. Janssens, “Real-time image and time-lapse technology to select the single blastocyst to transfer in assisted reproductive cycles,” Zygote, vol. 31, no. 3, pp. 207–216, 2023.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Novotel Saigon Centre, Thứ Bảy ngày 2 . 11 . 2024

Năm 2020

JW Marriott Hotel & Suites Saigon (InterContinental Saigon), Chủ nhật ngày ...

Năm 2020

Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 22 tháng 9 năm 2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK