Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 16-08-2024 2:44pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Đỗ Lê Đình Thiện - IVFMD Phú Nhuận
 
Việc công bố ca chuyển phôi đông lạnh- rã đông (FET) đầu tiên vào năm 1983 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng. Trong bốn thập kỷ qua, việc sử dụng đông lạnh phôi đã tăng đều đặn ở Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ, với chu kỳ FET chiếm hơn 40% tổng số chu kỳ. Hơn nữa, một nghiên cứu lâm sàng đa trung tâm đã phát hiện ra rằng FET cải thiện đáng kể tỷ lệ sinh sống và giảm khả năng mắc hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) so với chu kỳ chuyển phôi tươi. OHSS là một hội chứng xảy ra do buồng trứng bị kích thích quá mức với các gonadotropin ngoại sinh trong quá trình kích thích rụng trứng.
 
Chuẩn bị nội mạc tử cung đóng một vai trò quan trọng trong FET vì nó quyết định khả năng tiếp nhận nội mạc tử cung và điều phối sự phát triển của cả nội mạc tử cung và phôi. Hiện nay, nhiều phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung được sử dụng cho FET bao gồm chu kỳ tự nhiên (Natural Cycle - NC), liệu pháp thay thế hormone (hormone replacement therapy - HRT) được sử dụng phổ biến nhất. Do đó, mục tiêu của nhóm nghiên cứu là tìm ra phương pháp chuẩn bị nội mạc tử cung có lợi nhất cho bệnh nhân sử dụng phôi đông lạnh.
 
Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã nỗ lực tìm hiểu kết quả lâm sàng của các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung khác nhau, tuy nhiên các kết luận vẫn không nhất quán và gây tranh cãi. Đáng chú ý, khi so sánh với HRT, NC đã được chứng minh là mang lại cơ hội sinh sống cao hơn ở những bệnh nhân trẻ có chu kỳ kinh nguyệt đều. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã báo cáo rằng NC và HRT có kết quả tương tự và có hiệu quả như nhau. Trong khi đó, tác động của hai phác đồ này lên kết quả chu sinh và sơ sinh là chủ đề của nhiều nghiên cứu. Các nghiên cứu hồi cứu đã chỉ ra rằng có nguy cơ xảy ra kết cục chu sinh bất lợi cao hơn khi dùng HRT. Ngược lại, Saito và cộng sự đã chứng minh rằng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ (gestational diabetes mellitus - GDM) thấp hơn ở những chu kỳ sử dụng HRT. Do đó, không có sự đồng thuận về tính an toàn và hiệu quả của hai quy trình chuẩn bị nội mạc tử cung.
 
Tóm lại, mục tiêu của nghiên cứu này là kiểm tra kết quả lâm sàng và chu sinh giữa phác đồ NC và HRT sau FET ở bệnh nhân vô sinh có kinh nguyệt đều đặn. Những phát hiện này có thể cung cấp hướng dẫn có giá trị cho các bác sĩ lâm sàng trong việc lựa chọn các phác đồ cá nhân hóa cho bệnh nhân FET.
 
Phương pháp nghiên cứu:
Nghiên cứu đoàn hệ này đã xem xét thông tin lâm sàng của những bệnh nhân sử dụng chu kỳ FET từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 6 năm 2021 tại Trung tâm Y học Sinh sản của Bệnh viện trực thuộc đầu tiên của Đại học Trịnh Châu.
Tiêu chuẩn nhận:
  • Các chu kỳ sử dụng phác đồ HRT hoặc NC
  • Tuân thủ các tiêu chuẩn chẩn đoán đồng thuận của Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ năm 2017 về vô sinh
Tiêu chuẩn loại:
  • Bệnh nhân có các yếu tố khác ảnh hưởng đến thai kỳ như suy buồng trứng, u tuyến, lạc nội mạc tử cung, bất thường tử cung, dính tử cung, suy cổ tử cung hoặc tắc dịch vòi tử cung
  • Bất thường về nhiễm sắc thể ở bệnh nhân hoặc vợ/chồng
  • Thất bại làm tổ nhiều lần
  • Bất thường về chức năng sinh sản nam giới
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều (<21 hoặc >35 ngày)
  • Thông tin lâm sàng không đầy đủ.
 
Lựa chọn và đánh giá phôi:
Nhóm nghiên cứu chọn ra một hoặc hai phôi nang và phôi phân chia có chất lượng tốt để chuyển cho mỗi bệnh nhân.
Các tiêu chí chọn phôi chuyển bao gồm: Phôi loại I và loại II được đánh giá là có chất lượng tốt theo tiêu chí của Peter. Phôi nang có khối tế bào bên trong và lớp tế bào lá nuôi từ loại B trở lên là phôi chất lượng tốt theo tiêu chí Gardner.
Nghiên cứu bao gồm 3.569 bệnh nhân đã trải qua FET từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 6 năm 2021. Trong số đó, 1.914 bệnh nhân thuộc nhóm HRT và 1.655 người thuộc nhóm NC. Sau khi tiến hành đối sánh điểm xu hướng (PSM), 1.336 bệnh nhân vô sinh có kinh nguyệt đều đặn được đưa vào mỗi nhóm.
 
Đặc điểm nền:
Trước khi so sánh, nhóm NC và HRT có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tuổi nữ, thời gian vô sinh, dạng vô sinh, trọng lượng, số lần sinh, số lần sẩy thai, BMI, AMH, số lượng AFC, số lượng phôi được chuyển và loại phôi được chuyển.
Hiệu quả của các mô hình dự đoán tỷ lệ sinh sống và tỷ lệ mang thai lâm sàng được đánh giá bằng diện tích dưới đường cong ROC (receiver operating characteristic curve) và mô hình dự đoán tỷ lệ sinh sống được xác thực hiệu lực nội tại bằng phương pháp bootstrap.
 
Kết quả nghiên cứu:
Mối quan hệ và sự phân tầng của các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung với tỷ lệ sinh sống và tỷ lệ mang thai lâm sàng:
Kết quả cho thấy tuổi của phụ nữ, thời gian vô sinh và phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung có liên quan tiêu cực đến tỷ lệ sinh sống và tỷ lệ mang thai lâm sàng.
Ngược lại, AFC, số lượng phôi được chuyển, loại phôi được chuyển và độ dày nội mạc tử cung vào ngày dùng progesterone lại có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ sinh sống và tỷ lệ mang thai lâm sàng.
 
Phân tích phân tầng cho thấy nhóm NC có khả năng mang thai lâm sàng và sinh sống cao hơn ở nhóm nữ <= 35 tuổi, BMI 24 kg/m2, AFC >15, số lượng phôi chuyển là một, chuyển bất kỳ loại phôi nào, độ dày nội mạc tử cung <10mm, và kiểu nội mạc tử cung loại B.
 
Kết quả thai kỳ bất lợi và kết quả chu sinh:
Có sự gia tăng đáng kể về khả năng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khi so sánh hai phác đồ. Tuy nhiên, không có sự khác biệt thống kê về tăng huyết áp thai kỳ, vỡ ối sớm hoặc các kết quả bất lợi khác, bao gồm thiếu máu khi mang thai, thiểu ối, Hội chứng hít phân su, suy thai và nhau bong non. Trong số 1.193 trẻ sơ sinh tham gia nghiên cứu, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm về tỷ lệ sinh non, cân nặng sơ sinh, tỷ lệ mổ lấy thai hoặc cân nặng của thai kỳ đơn và song thai.
 
Xây dựng và xác thực hiệu lực nội tại của mô hình dự đoán monogram:
Phân tích các biến độc lập ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh sống chưa được tìm ra bằng phương pháp hồi quy logistic đa biến. Kết quả cho thấy phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung, tuổi người mẹ, thời gian vô sinh, AFC, loại phôi chuyển và số lượng phôi chuyển là các yếu tố có tác động đáng kể. Mô hình dự đoán tỷ lệ sinh sống đánh giá bằng cách sử dụng đường cong ROC, và nhận thấy diện tích dưới đường cong (AUC) là 0,646 (95% KTC: 0,626–0,667) cho thấy sức mạnh dự đoán vừa phải. Hơn nữa, khả năng dự đoán của mô hình nomogram với các chỉ báo độc lập cũng đã được so sánh bằng cách sử dụng đường cong ROC. Mô hình nomogram cho thấy sự vượt trội hơn các chỉ số ở khả năng dự đoán.
 
Thêm vào đó, thực hiện giả lập lặp lại mẫu trên máy tính để xác thực hiệu lực nội tại của mô hình. Đường cong ROC được sử dụng để tính toán hiệu suất dự đoán của mô hình sau khi lặp lại 1000 mẫu, kết quả trung bình AUC= 0,646 (95% KTC: 0,629–0,663). AUC về cơ bản vẫn không thay đổi sau khi xác thực hiện lực nội tại, cho thấy sự ổn định của mô hình. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng mô hình dự đoán nomogram cho tỷ lệ thai lâm sàng và sử dụng đường cong ROC với AUC là 0,656 (95% KTC: 0.635–0.677).
 
Kết luận:
Nghiên cứu này chứng minh rằng các phác đồ NC mang lại tỷ lệ sinh sống và thai lâm sàng cao hơn khi so sánh với phác đồ HRT ở những phụ nữ có kinh nguyệt đều đặn khi chuyển phôi đông lạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là phác đồ NC cho thấy tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn. Dựa trên những phát hiện này, lời khuyên được đưa ra là nên sử dụng phác đồ NC là lựa chọn ưu tiên để thực hiện FET. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng tiến cứu tốt hơn để xác định chiến lược chuẩn bị nội mạc tử cung phù hợp nhất.
 
Nguồn: Sun L, Yin B, Yao Z, Zhang C, Li J, Li S, Cui Y, Wang F, Dai W, Bu Z and Zhang Y (2024) Comparison of clinical outcomes and perinatal outcomes between natural cycle and hormone replacement therapy of frozen-thawed embryo transfer in patients with regular menstruation: a propensity score-matched analysis. Front. Endocrinol. 15:1416841.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK