Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Wednesday 09-02-2022 9:29am
Viết bởi: Khoa Pham
BS Trần Trung Đức, BS Hồ Ngọc Anh Vũ
Đại học Y dược TP HCM

Phần 2 - Điều trị nhắm trúng đích ty thể và sử dụng các chất chống oxy hóa

ĐIỀU TRỊ NHẮM VÀO TY THỂ - HƯỚNG ĐI MỚI CHO TƯƠNG LAI
Các phương pháp trị liệu nhắm vào ty thể hiện đang được nghiên cứu ở nhiều quốc gia, cho thấy tiềm năng lớn của điều trị nhắm trúng đích vào tổn thương ty thể hơn là các điều trị sử dụng chất chống oxy hóa chung chung. Hiệu quả của phương pháp này được cho là có liên quan đến khả năng xuyên thấu lớp màng phospholipid kép của ty thể và tích tụ trong chất nền của ty thể, do đó làm giảm sản xuất chất oxy hóa phản ứng.

Có hai hợp chất đang được nghiên cứu, đầu tiên là MitoQ (mitoquinone mesylate) là một gốc ubiquinone liên kết với một triphenylphosphonium ưa acid béo, ưu tiên tích lũy trong ty thể. Hợp chất còn lại là BGP-15 ((O-(3-piperidino-2-hydroxy-1-propyl) -nicotinic amidoxime)) là một dẫn chất niacin của acid hydroximic, được đặc trưng như một trong các chất nhạy cảm insulin, cũng được tích lũy trong ty thể. Trong các nghiên cứu hiện tại cho thấy, xử lý tế bào noãn bằng MitoQ hoặc BGP-15 giúp đảo ngược trục chính và các bất thường nhiễm sắc thể xảy ra trong quá trình tăng stress oxy hóa ở chuột cái tuổi sinh sản. Quan trọng là, điều trị MitoQ trong quá trình nuôi cấy trong ống nghiệm giúp tăng cường đáng kể tỷ lệ trưởng thành và làm giảm các đột biến nhiễm sắc thể trong tế bào noãn ở người.

MitoQ bảo vệ chống lại các tổn thương do chất oxy hóa phản ứng gây ra ở nhiều mô khác nhau của các loài gặm nhấm và nó đã được chứng minh là an toàn để sử dụng ở người. MitoQ còn được cho rằng có hiệu quả để điều trị bệnh tăng huyết áp ở người lớn tuổi. MitoQ hòa tan trong nước, sử dụng bằng đường uống và tích lũy nội bào. MitoQ có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự tái tưới máu do thiếu máu cục bộ gây ra, rối loạn chức năng tim, cải thiện chức năng mạch máu, cải thiện trí nhớ và kéo dài tuổi thọ ở chuột, cải thiện tổn thương tinh hoàn do chiếu xạ ở chuột và cải thiện bảo vệ trong bệnh đái tháo đường. Nó cũng đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ chống lại các chất độc ở noãn bò.

BGP-15 cũng được sử dụng bằng đường uống, trước đây được cho rằng có lợi trong việc cải thiện chất lượng tế bào noãn và phôi ở chuột béo phì. BGP-15 cũng được tìm thấy để cải thiện chức năng tế bào thần kinh, chức năng cơ và chức năng tim.

Với những kết quả đáng khích lệ thu được từ các thí nghiệm trên chuột, đã có các thí nghiệm kiểm tra điều trị MitoQ có lợi trong thời kỳ trưởng thành trong ống nghiệm của tế bào noãn. Kết quả cho thấy, hơn 60% tế bào noãn giảm phân II của người đối chứng biểu hiện đột biến nhiễm sắc thể, đã giảm hơn một nửa còn khoảng 26% ở các tế bào noãn đã được can thiệp bằng MitoQ (Al-Zubaidi và cs., 2021).

ĐIỀU TRỊ NHẮM VÀO CÁC CHẤT CHỐNG OXY HÓA
Mặc dù đã nói tiềm năng của liệu pháp điều trị nhắm trúng đích vào ty thể đem lại những kết quả lớn hơn so với liệu pháp điều trị nhắm vào các chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ định hiệu quả của phương pháp này. Bảng 1 tóm tắt một số thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả của chất chống oxy hóa lên tế bào noãn, tinh trùng và chất lượng phôi (Hardy và cs., 2021).

Bảng 1: Các thử nghiệm lâm sàng sử dụng chất chống oxy hóa, dùng bằng đường uống, ở bệnh nhân đang điều trị hiếm muộn và ảnh hưởng của chúng đối với tế bào noãn, tinh trùng và phôi
Chất chống oxy hóa Dân số Phương pháp Các kết quả
Melatonin Phụ nữ có chất lượng tế bào noãn kém hoặc chất lượng phôi thấp ở các chu kỳ trước 3 mg/ngày melatonin uống trong ≥ 2 tuần cho đến ngày hCG Cải thiện tỷ lệ thụ tinh và cải thiện chất lượng phôi. Không ảnh hưởng đến sự trưởng thành của tế bào noãn hoặc tỷ lệ phần trăm phát triển phôi nang.
Melatonin Phụ nữ 20–45 tuổi đang điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) 3 mg/ngày melatonin uống từ ngày sử dụng GnRH antagonist cho đến ngày chuyển phôi Tăng tỷ lệ tế bào noãn trưởng thành. Không ảnh hưởng tỷ lệ thai.
Melatonin Phụ nữ hiếm muộn không rõ nguyên nhân đang trải qua chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm thứ hai Các nhóm được phân bố uống 3 hoặc 6 mg/ngày melatonin từ cuộc hẹn đầu tiên đến khi bắt đầu kích thích buồng trứng (tức là 40 ngày) Cả hai liều melatonin đều làm tăng melatonin, TAC và quá trình peroxy hóa lipid trong dịch nang noãn; 6 mg/ngày melatonin làm tăng SOD. Cả 3 và 6 mg/ngày melatonin làm tăng số lượng noãn thu được, tăng tỷ lệ thụ tinh và số lượng phôi.
Myoinositol và melatonin Phụ nữ HCBTĐN thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm Phụ nữ được phân bố vào các nhóm sau:
Đối chứng: 4g myoinositol hoặc 4g myoinositol + 3mg melatonin, uống hai lần mỗi ngày, từ ngày 1 chu kỳ đến ngày 14 sau chuyển phôi
Melatonin tăng tỷ lệ tế bào noãn trưởng thành và số lượng phôi tốt. Không ảnh hưởng đến tỷ lệ thai.
Myoinositol và melatonin Phụ nữ từ 30–40 tuổi có một hoặc nhiều chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm không thành công do chất lượng tế bào noãn kém Bổ sung đường uống hàng ngày với 4g myoinositol + 1,8 mg melatonin trong 3 tháng trước chu kỳ IVF Tăng số lượng tế bào noãn trưởng thành. Không ảnh hưởng đến tỷ lệ phần trăm tế bào noãn trưởng thành.
Coenzyme Q10 Phụ nữ < 35 tuổi, buồng trứng đáp ứng kém với KTBT trong IVF/ICSI Uống 200 mg CoQ10 3 lần mỗi ngày trong 60 ngày trước chu kỳ IVF/ICSI FSH ngày 3 giảm, đỉnh E2 tăng. Nồng độ, số lượng tế bào noãn thu được, tỷ lệ thụ tinh, và chất lượng phôi tăng. Không ảnh hưởng đến tỷ lệ có thai lâm sàng.
Coenzyme Q10 Phụ nữ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm do vô sinh không rõ nguyên nhân hoặc do ống dẫn trứng Uống bổ sung 200 mg CoQ10 mỗi ngày trong 30 ngày trước khi lấy noãn Tăng CoQ10 dịch nang. Giảm TAC ở bệnh nhân> 35 tuổi.
Coenzyme Q10 Phụ nữ có dự trữ buồng trứng kém thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm Uống hàng ngày 75 mg DHEA đơn lẻ hoặc 75 mg DHEA + 600 mg CoQ10 Cải thiện khả năng đáp ứng của buồng trứng với sự gia tăng về số lượng nang noãn và số lượng noãn trưởng thành. Không thay đổi sự phát triển phôi bào hoặc tỷ lệ thai.
Hormone tăng trưởng Phụ nữ có dự trữ buồng trứng kém đang thụ tinh trong ống nghiệm 4 IU/ngày tiêm dưới da hormone tăng trưởng từ ngày 2 của chu kỳ kinh trước cho đến ngày trigger (36–48 ngày) Tăng độ dày nội mạc tử cung, tỷ lệ làm tổ và thai lâm sàng. Tăng TAC, giảm chỉ số stress oxy hóa trong dịch nang. Giảm ROS trong tế bào hạt. Tăng chất lượng phôi, tỷ lệ làm tổ và khả năng mang thai.
N-acetyl cysteine ​​(NAC) Phụ nữ HCBTĐN thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm Uống 1,2g NAC vào các ngày 3-7 của chu kỳ kinh nguyệt Tăng số lượng nang noãn, tỷ lệ phóng noãn, tỷ lệ thai và độ dày nội mạc tử cung.
Pentoxifylline và vitamin E Phụ nữ <39 tuổi với nhiều dạng vô sinh thực hiện ICSI Uống 400 mg vitamin E hàng ngày và 400 mg pentoxifylline cho hai chu kỳ trước ZIFT Cải thiện tỷ lệ thai lâm sàng.
Vitamin tổng hợp và khoáng chất Phụ nữ đang điều trị hiếm muộn Vitamin tổng hợp và khoáng chất đường uống bổ sung trong 45 ngày trước khi chọc hút noãn Giảm mức độ peroxidase lipid trong dịch nang và huyết thanh. Tăng GSH và vitamin C và E trong dịch nang.
KẾT LUẬN
Quá trình tạo ra các chất oxy hóa phản ứng có nguồn gốc từ các hoạt động chuyển hóa trong tế bào và có liên quan mật thiết với bào quan ty thể. Sự mất cân bằng giữa các chất oxy hóa phản ứng và các chất chống oxy hóa cũng như các enzyme chống oxy hóa gây ra rối loạn oxy hóa-khử. Và chính các rối loạn này đã được chứng minh có liên quan đến cơ chế sinh bệnh học của hội chứng buồng trứng đa nang. Khi cán cân này mất cân bằng thì quá trình stress oxy hóa diễn ra, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của noãn nang, quá trình giảm phân của noãn, làm ngắn dần các telomeres, gây lão hóa noãn sau phóng noãn, ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh, làm tổ và sinh tồn của phôi. Qua những nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, có hai liệu pháp điều trị hội chứng buồng trứng đa nang dựa vào cơ chế rối loạn chức năng ty thể: (1) điều trị nhắm trúng đích vào ty thể bằng MitQ và BGP-15, (2) điều trị bằng các chất chống oxy hóa. Việc nghiên cứu làm rõ mối liên hệ giữa HCBTĐN và rối loạn chức năng ty thể là vấn đề cần thiết trong tương lai, đặc biệt là ở các phụ nữ hiếm muộn có HCBTĐN cần hỗ trợ sinh sản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Al-Zubaidi, U., Adhikari, D., Cinar, O., Zhang, Q.-H., Yuen, W. S., Murphy, M. P., Rombauts, L., Robker, R. L., & Carroll, J. (2021). Mitochondria-targeted therapeutics, MitoQ and BGP-15, reverse aging-associated meiotic spindle defects in mouse and human oocytes. Human Reproduction36(3), 771–784. https://doi.org/10.1093/humrep/deaa300
2.      Cozzolino, M., & Seli, E. (2020). Mitochondrial function in women with polycystic ovary syndrome. Current Opinion in Obstetrics & Gynecology32(3), 205–212. https://doi.org/10.1097/GCO.0000000000000619
3.      Hardy, M. L. M., Day, M. L., & Morris, M. B. (2021). Redox Regulation and Oxidative Stress in Mammalian Oocytes and Embryos Developed In Vivo and In Vitro. International Journal of Environmental Research and Public Health18(21), 11374. https://doi.org/10.3390/ijerph182111374
4.      Louwers, Y. V., Stolk, L., Uitterlinden, A. G., & Laven, J. S. E. (2013). Cross-ethnic meta-analysis of genetic variants for polycystic ovary syndrome. The Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism98(12), E2006-2012. https://doi.org/10.1210/jc.2013-2495
5.      Wang, L., Tang, J., Wang, L., Tan, F., Song, H., Zhou, J., & Li, F. (2021). Oxidative stress in oocyte aging and female reproduction. Journal of Cellular Physiology236(12), 7966–7983. https://doi.org/10.1002/jcp.30468
6.      Zeng, X., Huang, Q., Long, S. lian, Zhong, Q., & Mo, Z. (2020). Mitochondrial Dysfunction in Polycystic Ovary Syndrome. DNA and Cell Biology39(8), 1401–1409. https://doi.org/10.1089/dna.2019.5172
7.      Zhang, J., Bao, Y., Zhou, X., & Zheng, L. (2019). Polycystic ovary syndrome and mitochondrial dysfunction. Reproductive Biology and Endocrinology17(1), 67. https://doi.org/10.1186/s12958-019-0509-4


Xem lại Phần 1 - Mối liên quan giữa HCBTĐN và chức năng ty thể. (TẠI ĐÂY)   

 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Tổng quan về đông khô - Ngày đăng: 06-01-2022
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK