Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 31-10-2021 8:42am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận


Các nghiên cứu trước đây cho thấy tinh tương không chỉ cung cấp môi trường chứa các yếu tố bảo vệ tinh trùng. Tinh tương thường chứa nhiều loại cytokine, chemokine, kháng nguyên bố, yếu tố miễn dịch khác, yếu tố tăng trưởng. Các yếu tố tín hiệu này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tử cung và nội mạc tử cung, cũng như giúp cảm ứng trạng thái hoạt hoá đáp ứng miễn dịch của người mẹ - một quá trình cần thiết cho sự phát triển bình thường của thai kỳ. Sự cân bằng giữa các yếu tố tiền viêm và yếu tố miễn dịch trong tinh tương dường như là cần thiết để hỗ trợ tối ưu trong việc phát triển đáp ứng miễn dịch và làm tổ ở phụ nữ. Việc mất cân bằng của 2 nhóm yếu tố trên trong tinh tương có thể là một nguyên nhân gây sẩy thai và các biến chứng trong thai kỳ.
 
Sẩy thai liên tiếp (RPL- recurrent pregnancy loss) được định nghĩa là sẩy mất thai ít nhất 2 lần. Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng RPL như chuyển đoạn nhiễm sắc thể của bố, tử cung bất thường, mẹ bị hội chứng tăng đông máu (thrombophilia), tự miễn tuyến giáp. Tuy nhiên, có khoảng 60-70% các trường hợp RPL không rõ nguyên nhân. Phụ nữ lớn tuổi, hút thuốc lá, béo phì là những yếu tố nguy cơ gây RPL.  
 
Gần đây, có một số nghiên cứu cho thấy tuổi bố lớn và lối sống có thể là những yếu tố góp phần gây sẩy thai. Điều này ngụ ý rằng vai trò của nam giới trong việc mang thai thành công không chỉ là việc thụ thai. Và một giải thuyết được đặt ra là tuổi bố lớn và lối sống (chẳng hạn như hút thuốc lá, béo phì) sẽ làm mất cân bằng các thành phần của tinh tương, từ đó có thể dẫn đến gây sẩy thai.
 
Các nghiên cứu trước đã báo cáo các giá trị tham chiếu cho một số yếu tố miễn dịch trong tinh tương của những nam giới khỏe mạnh có khả năng sinh sản, để tạo nền tảng cho các nghiên cứu sâu hơn về tình trạng bệnh lý.
 
Chính vì thế các nhà khoa học tại Đại học Y Leiden, Hà Lan đã thực hiện một nghiên cứu thăm dò khảo sát nồng độ các cytokine và các phân tử tín hiệu khác trong tinh tương của những nam giới có vợ bị sẩy thai tự nhiên liên tiếp nhiều lần không rõ nguyên nhân. Tiêu chuẩn nhận 52 nam giới vào nhóm nghiên cứu là có vợ bị sẩy thai tự nhiên liên tiếp ít nhất 3 lần trước 20 tuần và không rõ nguyên nhân (không có bằng chứng hiện diện của hội chứng kháng phospholipid – APS, tử cung bất thường, kháng thể kháng enzyme thyroid peroxidase hoặc chuyển đoạn nhiễm sắc thể của bố). Đối chứng là 11 nam giới có vợ đã sinh ít nhất một trẻ và không có tiền sử từng sẩy thai, không hút thuốc, BMI < 25 kg/m2 và nhỏ hơn 40 tuổi.
 
Tổng cộng 25 cytokine, chemokine và yếu tố tăng trưởng được chọn để phân tích bằng phương pháp ELISA hoặc Bio-Plex. Nhóm sử dụng phân tích cụm để phân tích phức hợp cytokine trong tinh tương và để xác định các phân nhóm bệnh nhân khác nhau. Đồng thời, đánh giá các mối liên quan giữa bộ hồ sơ biểu hiện của các cytokine trong tinh tương với các yếu tố lâm sàng và lối sống.
 
Một số kết quả ghi nhận được là:
  • Các cytokine tiền viêm (IL-6, IL-8, IL- 1β, TNF-α và IL-16 có mối tương quan thuận đáng kể (hệ số tương quan Spearman ρ > 0,57; p < 0,05). Trong khi, cặp các cytokine sau có mối tương quan nghịch đáng kể như: IL-7 và sHLA-G (ρ = -0,57), IL-7 và TGF-β1 (ρ = -0,49), VEGF và PGE2 (ρ = -0,43), IL-16 và TGF-β3 (ρ = -0,39), IL-1α và TGF-β1 (ρ = -0,38), tất cả giá trị p sau điều chỉnh đều < 0,05.
  • Có mối tương quan thuận đáng kể giữa tuổi bố với nồng độ IL-6 (ρ = 0,339, p < 0,05), IL-8 (ρ = 0,384; p < 0,05) và IL-16 (ρ = 0,333; p < 0,05). BMI không có tương quan với nồng độ của các cytokine tiền viêm này.
  • Khi phân tích cụm, phát hiện ra 2 bộ hồ sơ về biểu hiện cytokine riêng biệt trong tinh tương; nên phân loại 52 nam giới trong nhóm nghiên cứu thành nhóm I (n = 21) và nhóm II (n = 31). Bộ hồ sơ cytokine nhóm I chủ yếu là yếu tố tiền viêm (IL-18, MCP-1, IL-1β, IL-16, TNF-α, IL-6, IL-8, IL- 12, IL-1α, IL-2). Còn bộ hồ sơ cytokine nhóm II chủ yếu là các yếu tố điều hoà miễn dịch (TGF-β1, TGF-β2, TGF-β3, IL-7, sHLA class I, sHLA-G, PGE2, SDF-1a). Từ đó, thấy được tinh tương của 52 nam giới mà vợ bị RLP không có sự cân bằng nồng độ giữa yếu tố tiền viêm và yếu tố điều hoà miễn dịch.
  • Ở nhóm I cho thấy mức độ tương đối cao hơn của các cytokine tiền viêm, bao gồm IL-1α, IL-1β, IL-6, IL-8, IL-12, IL-18 và TNF-α, so với nhóm bệnh nhân II. Nồng độ của các cytokine tiền viêm (bao gồm IFN-γ, IL-1β, IL-6, IL-8, IL-18 và MCP-1) trong tinh tương của nhóm I cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng; trong khi nồng độ của những cytokine này tương tự giữa nhóm II so với đối chứng.
  • Nam giới thuộc nhóm I lớn tuổi hơn đáng kể (37,8 tuổi so với 34,4 tuổi; p = 0,002) và có nhiều yếu tố nguy cơ về lối sống (như uống rượu bia) hơn đáng kể so với nam giới thuộc nhóm II. Tỉ lệ trẻ sinh sống (thai kỳ đầu tiên sau khi nhóm nam giới lấy mẫu tinh dịch tham gia nghiên cứu này) không có sự khác biệt giữa nhóm I và nhóm II (71% so với 81%; p =0,355); và tỉ lệ sẩy thai cũng không khác biệt (24% so với 13%; p = 0,231).
 
Tóm lại, phân tích cụm cho thấy có bộ hồ sơ biểu hiện cytokine yếu tố tiền viêm nhiều hơn đáng kể so với yếu tố điều hoà miễn dịch trong tinh tương ở một số nam giới mà vợ bị RPL; và có liên quan đến độ tuổi cao và các yếu tố nguy cơ về lối sống không lành mạnh (như uống rượu bia nhiều) của nam giới. Đây là nghiên cứu đầu tiên khảo sát nồng độ các cytokine và các phân tử tín hiệu khác trong tinh tương của những nam giới có vợ bị sẩy thai tự nhiên liên tiếp nhiều lần. Với những hiểu biết sâu hơn về nồng độ thành phần trong tinh tương có thể giúp hiểu rõ hơn về căn nguyên phức tạp của RPL, từ đó có thể tìm ra các phương pháp chẩn đoán và điều trị mới cho các cặp vợ chồng bị RPL.
 
Nguồn: Identification of distinct seminal plasma cytokine profiles associated with male age and lifestyle characteristics in unexplained recurrent pregnancy loss, Journal of Reproductive Immunology, 2021, doi: 10.1016/j.jri.2021.103349

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK