Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 31-10-2021 8:29am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Như Quỳnh – IVF Vạn Hạnh

Vô sinh hiếm muộn ảnh hưởng đến gần 15% các cặp đôi, tương đương 48,5 triệu người trên toàn thế giới. Các nguyên nhân phổ biến dẫn tới vô sinh hiếm muộn gồm suy giảm chức năng buồng trứng, đáp ứng buồng trứng kém, yếu tố liên quan đến ống dẫn trứng và nội mạc tử cung. Những trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân chiếm khoảng 10% - 30%. Thói quen liên quan đến nhu cầu thực phẩm, hoạt động thể chất, hút thuốc lá và sử dụng rượu bia được cho là có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Trong số những yếu tố trên, chỉ số khối cơ thể của người mẹ (body mass index – BMI) có mức độ ảnh hưởng cao nhất. BMI được tính bằng cách lấy cân nặng (kilogram) chia cho bình phương chiều cao (m2). Mối liên hệ giữa BMI và vô sinh đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu trước đó. Nói cách khác, sự cân bằng giữa nguồn năng lượng và con đường biến dưỡng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo khả năng sinh sản.
 
          Cân nặng quá thấp hoặc quá cao đều có thể dẫn đến suy giảm khả năng sinh sản. Cụ thể, khi cân nặng cơ thể không thuộc ngưỡng bình thường thì mô mỡ và hoạt động của trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng bị gián đoạn, ảnh hưởng đến quá trình tiết các gonadotropin và tổng hợp các steroid sinh dục. Ví dụ, leptin – một hormone được tiết chủ yếu bởi các tế bào mỡ trắng – có vai trò trung tâm trong hệ sinh sản. Hoạt động của hormone này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự mất cân bằng trong thói quen dinh dưỡng. Quá trình biểu hiện của hormone leptin được điều hòa bởi oestrogen, androgen, insulin và các cytokines tiền viêm. Sự ổn định trong quá trình điều hòa này không được đảm bảo ở những đối tượng phụ nữ nhẹ cân hoặc thừa cân, béo phì. Phụ nữ nhẹ cân thường đối mặt với các vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản, sẩy thai hay kết quả thai không khả quan. Thấp cân, hoạt động thể dục quá mức và/hoặc stress tâm lí gây ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, gây cường androgen, mật độ khoáng chất trong xương giảm và rút ngắn dần giai đoạn hoàng thể. Dựa trên các kết quả thực tế, phụ nữ với chỉ số BMI giảm có tỉ lệ trẻ sinh sống giảm và tăng nguy cơ sẩy thai. Riêng những phụ nữ có chỉ số BMI cao còn đối mặt với vấn đề trong quá trình phóng noãn, cần liều cao gonadotropin để điều hòa kích thích buồng trứng, giảm khả năng chấp nhận của nội mạc tử cung. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã đề cập tới mối liên hệ giữa thói quen dinh dưỡng, đáp ứng buồng trứng và thời điểm mà người phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh. Ví dụ, tiêu thụ chất béo làm ảnh hưởng tới nồng độ hormone AMH (anti-Müllerian hormone) tuần hoàn trong cơ thể.
 
          Mặc dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ cao bị sẩy thai ở những phụ nữ nhẹ cân hoặc thừa cân, tuy nhiên ở những trường hợp này phôi được chuyển mà không thực hiện kiểm tra bộ gen. Điều này gây khó khăn khi muốn xác định nguyên nhân liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể của phôi hay liên quan đến người mẹ. Do vậy, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả thực hiện đánh giá ảnh hưởng của chỉ số BMI cao hoặc thấp đến kết quả thai và loại bỏ yếu tố liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể phôi.
 
          Nghiên cứu quan sát trên 1181 phụ nữ từ tháng 04/2013 đến tháng 03/2020. Trong chu kì đầu tiên, kết quả sinh thiết của ít nhất một phôi được ghi nhận với mục tiêu xác định liên hệ giữa chỉ số BMI người mẹ và tỉ lệ phôi nguyên bội trung bình. Ngoài ra, xét nghiệm khác về ảnh hưởng của BMI đến kết quả lâm sàng (beta hCG dương tính, sẩy thai sinh hóa, sẩy thai sớm, sẩy thai trễ và trẻ sinh sống) và kết quả thai kì sau 1125 chu kì đầu tiên chuyển một phôi nguyên bội.
 
          Chỉ số BMI trung bình trong nghiên cứu là 22,1 ± 3,1 kg/m2 (mức độ dao động từ 17 – 35). Dựa trên chỉ số BMI, các đối tượng tham gia được phân thành 3 nhóm nghiên cứu:
  • Nhóm cân nặng bình thường: BMI 18,5 – 25; n = 1392 với 859 chu kì chuyển phôi
  • Nhóm nhẹ cân: BMI < 18,5; n = 160 với 112 chu kì chuyển phôi
  • Nhóm thừa cân: BMI > 25; n = 259 với 154 chu kì chuyển phôi
 
Nghiên cứu cũng phân tích thêm nhóm phụ với cỡ mẫu gồm 31 đối tượng với chỉ số BMI > 30 và 19 chu kì thực hiện chuyển phôi.
 
Từng phôi được nuôi cấy riêng biệt trong giọt môi trường ở nhiệt độ 37oC, 6% CO2, 5% O2 đến ngày 5 – 7. Phôi được sinh thiết ngay sau khi phát triển tới giai đoạn phôi nang và nở rộng hoàn toàn. Những phôi được xác định là phôi khảm sẽ loại khỏi nghiên cứu vì tỉ lệ dương tính giả cao. Chỉ những phôi nguyên bội mới được chuyển vào buồng tử cung.
 
Kết quả
Giữa các nhóm nghiên cứu không có khác biệt về thời gian vô sinh, nồng độ hormone, nguyên nhân vô sinh, chất lượng tinh trùng và tiền sử bị vô sinh hiếm muộn. Số lượng phôi nang trung bình được sinh thiết giữa các nhóm không có khác biệt, xấp xỉ 3 phôi.
Tỉ lệ phôi nang nguyên bội trung bình ở mỗi bệnh nhân giảm khi chỉ số BMI tăng từ 17 lên 22 – 23. Khác biệt được ghi nhận chủ yếu giữa nhóm nhẹ cân và nhóm có cân nặng bình thường với số liệu lần lượt là 50,8 ± 36,4% và 41,4 ± 37,5% (P < 0,01).
 
Các kết quả lâm sàng và kết quả thai kì được ghi nhận sau khi thực hiện chuyển đơn phôi. Chất lượng phôi qua đánh giá hình thái và ngày mà phôi phát triển thành phôi nang không có khác biệt ở 3 nhóm nghiên cứu.
Về kết quả lâm sàng:
  • Không có khác biệt giữa nhóm phụ nữ nhẹ cân và nhóm có cân nặng trong khoảng bình thường.
  • Nhóm phụ nữ thừa cân có tỉ lệ sẩy thai sớm cao hơn rõ rệt (n = 20/75, 26,7%) so với nhóm có cân nặng trong khoảng bình thường (n = 67/461, 14,5%) (P = 0,01).
  • Nhóm phụ nữ thừa cân có tỉ lệ trẻ sinh sống thấp hơn (n = 55/154; 35,7%) so với nhóm có cân nặng trong khoảng bình thường (n = 388/859; 45,2%) (P = 0,03).
 
Về kết quả thai kì, không có sự khác biệt giữa 3 nhóm nghiên cứu.
Kết quả phân tích ở nhóm phụ (gồm các đối tượng có chỉ số BMI > 30) như sau: tỉ lệ sẩy thai là 30% (n = 3/10) và tỉ lệ trẻ sinh sống là 36,8% (n = 7/19) sau khi chuyển phôi nguyên bội. Kết quả này cũng tương tự ở các trường hợp bệnh nhân thừa cân nhưng không béo phì (BMI 25 – 30).
 
Từ những kết quả trên, nghiên cứu cho thấy BMI > 25 có liên quan đến nguy cơ giảm tỉ lệ trẻ sinh sống và tăng tỉ lệ sẩy thai ở các chu kì chuyển phôi nguyên bội. Hơn nữa, tỉ lệ phôi nang nguyên bội cũng giảm khi chỉ số BMI vượt mức 22 – 23 kg/m2. Nghiên cứu này cũng góp phần thúc đẩy việc tiến hành thực hiện các nghiên cứu khác trong tương lai với mục tiêu phân tích ảnh hưởng của lượng chất béo cơ thể, cơ chế dẫn đến sự tích tụ độc tính gây khiếm khuyết khả năng phát triển toàn vẹn của phôi và/hoặc khả năng chấp nhận của nội mạc tử cung và mang thai.
 
Lược dịch từ:  Fabozzi, G., Cimadomo, D., Allori, M., Vaiarelli, A., Colamaria, S., Argento, C., Amendola, M.G., Innocenti, F., Soscia, D., Maggiulli, R. and Mazzilli, R., 2021. Maternal body mass index associates with blastocyst euploidy and live birth rates: the tip of an iceberg?. Reproductive BioMedicine Online.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK