Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 30-10-2021 10:51pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Phan Thị Thanh Thảo, BS. Nguyễn Thành Nam, IVFMD Tân Bình

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (BLTQĐTD) như Chlamydia, lậu, giang mai, viêm gan B, viêm gan C, herpes sinh dục, HIV… được biết đến là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cũng như sức khỏe về lâu dài của phụ nữ. Ngoài tác động đến sức khỏe sinh sản và trẻ sơ sinh, BLTQĐTD còn ảnh hưởng đến bạn tình của người phụ nữ, tăng nguy cơ nhiễm và lây truyền HIV/AIDS, đặc biệt ở nhóm người đồng tính, người chuyển giới và người đa dạng giới tính. Vì vậy cần tầm soát kỹ lưỡng các bệnh lý này để có chiến lược điều trị cho các đối tượng đã quan hệ tình dục và/ hoặc có kế hoạch chuẩn bị mang thai. Dưới đây là bản tóm tắt các khuyến cáo về sàng lọc BLTQĐTD để phát hiện nhiễm trùng không triệu chứng dựa trên mức độ nghiêm trọng và biến chứng của bệnh, tỷ lệ hiện mắc trong dân số, chi phí, và các yếu tố khác của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ 2021 (Centers for Disease Control and Prevention, CDC). Khuyến cáo này cập nhật một số điểm đáng chú ý so với khuyến cáo năm 2015 như mở rộng yếu tố nguy cơ ở phụ nữ mang thai đối với bệnh giang mai, sàng lọc viêm gan C được miễn ở những nơi có tỷ lệ nhiễm < 0,1%.
 
Bảng tóm tắt các khuyến cáo của CDC 2021 về sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Đối tượng Chlamydia trachomatis
Phụ nữ
  • Nên kiểm tra định kỳ nhiễm C. trachomatis hàng năm cho tất cả phụ nữ có quan hệ tình dục dưới 25 tuổi, cũng như phụ nữ ≥ 25 tuổi có nguy cơ cao (có bạn tình mới, nhiều hơn một bạn tình, hoặc bạn tình mắc BLTQĐTD).
  • Có thể xem xét sàng lọc Chlamydia ngoài sinh dục (trực tràng) trên cơ sở các hành vi tình dục và phơi nhiễm được bệnh nhân báo cáo, thông qua quyết định lâm sàng được thảo luận giữa bệnh nhân và bác sĩ.
Phụ nữ mang thai
  • Tất cả phụ nữ mang thai dưới 25 tuổi và ≥ 25 tuổi có nguy cơ cao mắc BLTQĐTD nên được tầm soát C. trachomatis ở lần khám thai đầu tiên.
  • Những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị nhiễm C. trachomatis, cũng nên được kiểm tra lại trong tam cá nguyệt thứ ba để ngăn ngừa các biến chứng sau khi sinh ở mẹ và nhiễm C. trachomatis ở trẻ sơ sinh.
  • Tất cả những bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm C. trachomatis cần xét nghiệm kiểm tra 4 tuần sau điều trị và xét nghiệm kiểm tra lại trong vòng 3 tháng.
Nam giới quan hệ tình dục với nữ giới
  • Không đủ bằng chứng để khuyến cáo tầm soát C. trachomatis định kỳ ở nam thanh niên có hoạt động tình dục, trên cơ sở hiệu quả và chi phí. Tuy nhiên, việc sàng lọc nam giới đã hoạt động tình dục nên được xem xét tại các cơ sở lâm sàng có tỷ lệ nhiễm cao.
Quan hệ đồng tính nam (Men Who Have Sex with Men, MSM)
  • Tầm soát ít nhất một lần /năm đối với MSM hoạt động tình dục đường hậu môn kể cả việc có sử dụng bao cao su.
  • Khám sàng lọc trong 3 đến 6 tháng/lần nếu có nguy cơ cao (MSM đang sử dụng dự phòng trước phơi nhiễm HIV, hoặc nếu họ hoặc bạn tình của họ có nhiều bạn tình).
Người chuyển giới (Transgender) và người đa dạng giới và tình dục (Gender Diverse People)
 
  • Các khuyến cáo tầm soát nên được điều chỉnh dựa trên giải phẫu học của người chuyển giới, ví dụ, tầm soát Chlamydia định kỳ mỗi năm ở phụ nữ < 25 tuổi, phụ nữ ≥  25 tuổi có nguy cơ cao nên được mở rộng cho tất cả nam giới chuyển giới và những người đa dạng giới có cổ tử cung. Nếu trên 25 tuổi, những người có cổ tử cung nên được kiểm tra nếu có nguy cơ cao.
  • Xem xét khám sàng lọc vùng trực tràng dựa trên các hành vi tình dục được báo cáo và phơi nhiễm.
Người nhiễm HIV
 
  • Đối với những người có hoạt động tình dục, cần sàng lọc ở lần tầm soát HIV đầu tiên và ít nhất 1 lần/năm từ các lần sau.
  • Tùy thuộc vào các hành vi nguy cơ của cá nhân và dịch tễ địa phương mà có thể tầm soát thường xuyên hơn.
 
Đối tượng Neisseria gonorrhoeae
Phụ nữ
  • Nên kiểm tra định kỳ nhiễm N. gonorrhoeae hàng năm cho tất cả phụ nữ có quan hệ tình dục dưới 25 tuổi, cũng như phụ nữ ≥ 25 tuổi có nguy cơ cao (có bạn tình mới, nhiều hơn một bạn tình, hoặc bạn tình mắc BLTQĐTD).
  • Có thể xem xét sàng lọc bệnh lậu ngoài sinh dục (hầu hoặc trực tràng) cho phụ nữ trên cơ sở các hành vi tình dục và phơi nhiễm được báo cáo, thông qua quyết định lâm sàng được thảo luận giữa bệnh nhân và bác sĩ.
Phụ nữ mang thai
  • Tất cả phụ nữ mang thai dưới 25 tuổi và ≥ 25 tuổi có nguy cơ cao mắc BLTQĐTD nên được tầm soát N. gonorrhoeae ở lần khám thai đầu tiên.
  • Những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị nhiễm N. gonorrhoeae cũng nên được kiểm tra lại trong tam cá nguyệt thứ ba để ngăn ngừa các biến chứng sau khi sinh ở mẹ và nhiễm N. gonorrhoeae ở trẻ sơ sinh.
  • Tất cả những bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm N. gonorrhoeae nên được xét nghiệm lại trong vòng 3 tháng sau điều trị.
Nam giới quan hệ tình dục với nữ giới
  • Không đủ bằng chứng để khuyến cáo tầm soát N. gonorrhoeae định kỳ ở nam thanh niên có hoạt động tình dục, trên cơ sở hiệu quả và chi phí. Tuy nhiên, việc sàng lọc nam giới đã hoạt động tình dục nên được xem xét tại các cơ sở lâm sàng có tỷ lệ nhiễm cao.
Quan hệ đồng tính nam (Men Who Have Sex with Men, MSM)
  • Tầm soát ít nhất một lần /năm đối với MSM hoạt động tình dục đường miệng, đường hậu môn kể cả việc có sử dụng bao cao su.
  • Khám sàng lọc trong 3 đến 6 tháng/lần nếu có nguy cơ cao
Người chuyển giới (Transgender) và người đa dạng giới và tình dục (Gender Diverse People)
 
  • Các khuyến cáo tầm soát nên được điều chỉnh dựa trên giải phẫu học của người chuyển giới, ví dụ tầm soát N. gonorrhoeae định kỳ mỗi năm ở phụ nữ <25 tuổi, phụ nữ > 25 tuổi có nguy cơ cao nên được mở rộng cho tất cả nam giới chuyển giới và những người đa dạng giới có cổ tử cung. Nếu trên 25 tuổi, những người có cổ tử cung nên được kiểm tra nếu có nguy cơ cao.
  • Xem xét khám sàng lọc tại hầu họng, trực tràng dựa trên các hành vi tình dục được báo cáo và phơi nhiễm.
Người nhiễm HIV
 
  • Đối với những người có hoạt động tình dục, cần sàng lọc ở lần tầm soát HIV đầu tiên và ít nhất 1 lần/năm từ các lần sau.
  • Tùy thuộc vào các hành vi nguy cơ của cá nhân và dịch tễ địa phương mà có thể tầm soát thường xuyên hơn.
Đối tượng Bacterial Vaginosis (BV), Trichomoniasis và Herpes sinh dục
Phụ nữ
  • Phụ nữ có triệu chứng nên được đánh giá và điều trị, và đồng thời xét nghiệm người bạn tình của họ.
Phụ nữ mang thai
  • Các bằng chứng không ủng hộ việc tầm soát BV, Trichomonas vaginalis, HSV-2 định kỳ ở những phụ nữ mang thai không có triệu chứng. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhiễm HSV-2, cần xét nghiệm HSV type đặc hiệu để hướng dẫn, tư vấn về nguy cơ mắc bệnh Herpes sinh dục khi mang thai.
Nam giới quan hệ tình dục với nữ giới
  • Có thể xét nghiệm type HSV cụ thể đối với nam giới đến sàng lọc BLTQĐTD (đặc biệt đối với nam giới có nhiều bạn tình).
Quan hệ đồng tính nam (Men Who Have Sex with Men, MSM)
  • Có thể xét nghiệm type HSV cụ thể nếu chưa rõ tình trạng nhiễm bệnh ở MSM với nhiễm trùng đường sinh dục chưa được chẩn đoán trước đó.
Người nhiễm HIV
  • Có thể xét nghiệm type HSV cụ thể đối với những người đến sàng lọc BLTQĐTD (đặc biệt đối với những người có nhiều bạn tình).
 
Đối tượng Giang mai
Phụ nữ và nam giới có quan hệ tình dục với phụ nữ
  • Sàng lọc những người không có triệu chứng có nguy cơ cao (tiền sử bị giam giữ hoặc mại dâm, địa lý, chủng tộc/dân tộc và là nam giới dưới 29 tuổi) để phát hiện nhiễm giang mai.
Phụ nữ mang thai
  • Với phụ nữ mang thai, nên tầm soát từ lần đầu tiên khám thai. Bạn tình của phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai cần được đánh giá, xét nghiệm và điều trị.
  • Phụ nữ mang thai nên được kiểm tra lại bệnh giang mai khi thai được 28 tuần và khi sinh nếu người mẹ sống trong cộng đồng có tỷ lệ mắc bệnh giang mai cao hoặc có nguy cơ mắc bệnh giang mai khi mang thai (ví dụ lạm dụng thuốc gây nghiện hoặc mắc BLTQĐTD khi mang thai, quan hệ tình dục nhiều bạn tình, có bạn tình mới hoặc có bạn tình bị BLTQĐTD).
Quan hệ đồng tính nam (Men Who Have Sex with Men, MSM)
  • Sàng lọc ít nhất 1 lần/năm đối với MSM có hoạt động tình dục.
  • Sàng lọc 3 đến 6 tháng một lần nếu có nguy cơ cao.
Người chuyển giới (Transgender) và người đa dạng giới và tình dục (Gender Diverse People)
  • Xem xét sàng lọc ít nhất hàng năm dựa trên các hành vi tình dục và phơi nhiễm được báo cáo.
Người nhiễm HIV
  • Đối với những người có hoạt động tình dục, nên sàng lọc giang mai ngay từ lần đầu đánh giá HIV và ít nhất mỗi năm sau đó.
  • Việc sàng lọc thường xuyên hơn có thể phù hợp tùy thuộc vào các hành vi nguy cơ của cá nhân và dịch tễ học địa phương.
 
Bài viết tiếp theo sẽ cập nhật các khuyến cáo sàng lọc các bệnh viêm gan B, viêm gan C, HPV và HIV. Các chiến lược sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường đường tình dục này sẽ tạo cơ hội cho bác sĩ và bệnh nhân phát hiện và điều trị bệnh nhiễm trùng không có triệu chứng, ngăn ngừa lây truyền sang người khác, xác định bạn tình có nguy cơ nhiễm bệnh để sàng lọc và điều trị,
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Workowski KA, Bachmann LH, Chan PA, Johnston CM, Muzny CA, Park I, Reno H, Zenilman JM, Bolan GA. Sexually Transmitted Infections Treatment Guidelines, 2021. MMWR Recomm Rep. 2021 Jul 23;70(4):1-187. doi: 10.15585/mmwr.rr7004a1. PMID: 34292926; PMCID: PMC8344968.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK