Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 23-04-2021 3:20pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS Lê Khắc Tiến – IVFMD Phú Nhuận

Khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, nhiều trường hợp bệnh nhân cần trữ phôi toàn bộ để chờ chu kỳ chuyển phôi trữ nhằm giảm bớt nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng hoặc chờ kết quả chẩn đoán di truyền phôi tiền làm tổ hoặc do các chỉ định khác. Điều này đặt ra câu hỏi liệu rằng có nên chuyển phôi trữ lạnh ngay ở chu kỳ kinh kế tiếp hay trì hoãn chuyển phôi. Để trả lời câu hỏi này, nhóm nghiên cứu của tác giả Sara J Bergenheim và cộng sự đã tiến hành một tổng quan hệ thống và phân tích gộp với từ khoá liên quan đến thời gian chuyển phôi trữ trên các cơ sở dữ liệu lớn (PubMed và EMBASE) với các nghiên cứu được đăng tải đến tháng 3/2020. Có tổng cộng 15 nghiên cứu được đưa vào phân tích, tất cả là các nghiên cứu hồi cứu với mức độ chứng cứ từ rất thấp đến trung bình, với tổng số 6 304 chu kỳ chuyển phôi ngay lập tức vào chu kỳ kinh nguyệt sau và 13 851 chu kỳ trì hoãn chuyển phôi (bao gồm 8 019 chu kỳ được bắt cặp) được chọn làm nhóm chứng. Trong tổng số 15 nghiên cứu, 12 nghiên cứu với mức độ chứng cứ từ rất thấp tới trung bình cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ trẻ sinh sống (Live Birth Rate – LBR) giữa nhóm chuyển phôi ngay lập tức so với nhóm trì hoãn chuyển phôi. Hai nghiên cứu với mức độ chứng cứ trung bình cho thấy nhóm chuyển phôi trữ ngay lập tức có LBR cao hơn và một nghiên cứu nhỏ với mức độ chứng cứ rất thấp cho kết quả ngược lại. Kết quả phân tích gộp cho thấy chuyển phôi trữ ngay lập tức (n =2 076 trường hợp) cho tỷ lệ sinh sống cao hơn có ý nghĩa thống kê so với trì hoãn (n =3 833 trường hợp) với OR cộng gộp hiệu chỉnh là 1,2 (KTC 95% 1,02 – 1,44). Như vậy, với những số liệu từ các chu kỳ chuyển phôi, kết quả phân tích gộp cho thấy trì hoãn chuyển phôi trữ lạnh không giúp cải thiện tỷ lệ trẻ sinh sống trong các trường hợp thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm có chỉ định trữ phôi toàn bộ hoặc đã thất bại với chu kỳ chuyển phôi tươi. Tuy nhiên, bằng chứng cho kết luận này đến từ những nghiên cứu hồi cứu với chất lượng từ rất thấp đến trung bình, vì vậy, cần những nghiên cứu với thiết kế nghiên cứu chặt chẽ hơn để đưa ra các khuyến cáo thuyết phục hơn trong thực hành lâm sàng.

Nguồn: Sara J Bergenheim, Marte Saupstad, Nina Pistoljevic, Anders Nyboe Andersen, Julie Lyng Forman, Kristine Løssl, Anja Pinborg, Immediate versus postponed frozen embryo transfer after IVF/ICSI: a systematic review and meta-analysis, Human Reproduction Update, 2021;, dmab002, https://doi.org/10.1093/humupd/dmab002

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK