Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 26-09-2020 6:56pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH: Nguyễn Thụy Trà My - IVFAS
 
Hội chứng quá kích buồng trứng (Ovarian Hyperstimulation syndrome – OHSS) là một biến chứng nghiêm trọng của điều trị kích thích buồng trứng trong IVF và có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Mặc dù đã có khuyến cáo sử dụng GnRH đồng vận (GnRH agonist) thay thế hCG để tiêm trưởng thành noãn cho những đối tượng có nguy cơ cao bị quá kích buồng trứng, việc khởi động trưởng thành noãn bằng GnRH agonist trên chu kì sử dụng phác đồ đối vận (GnRH antagonist) dẫn đến việc ly giải hoàng thể sớm. Do đó, khoảng hơn 75% chu kì IVF trên toàn thế giới vẫn đang sử dụng hCG để tiêm trưởng thành noãn. Vì vậy, tỷ lệ bệnh nhân có nguy cơ cao bị OHSS vẫn còn xảy ra và biến chứng của OHSS nặng được ghi nhận dao động khoảng 9-38%. Từ những bất cập đó, nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm ra các yếu tố tiên lượng OHSS cũng như mô hình tiên lượng sự tiến triển của OHSS để có thể cải thiện được kết quả điều trị IVF.

Gần đây, nghiên cứu của Lainas và cộng sự (2020) được đăng tải trên tạp chí Human Reproduction đã phát triển mô hình để đưa ra quyết định nên chuyển phôi tươi hay trữ phôi toàn bộ ở những bệnh nhân có nguy cơ bị quá kích buồng trứng nặng, dựa vào các thông số được đo ở ngày 3 sau chọc hút noãn.

Dựa vào biểu hiện lâm sàng (mức độ tràn dịch màng bụng) [2, 11]và các thông số đo đạc ở ngày chọc hút noãn (D0), ngày thứ 3, 5 sau chọc hút noãn như chỉ số Hct, WBC và kích thước buồng trứng (Maximal Ovarian Diameter – MOD), nghiên cứu đã xây dựng mô hình tiên lượng sự tiến triển của OHSS và đưa ra quyết định lâm sàng rằng nên chuyển phôi tươi hay sẽ trữ phôi toàn bộ ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị OHSS sau khi tiêm trưởng thành noãn bằng hCG. Bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng cao sẽ được theo dõi đến ngày 7, 9 và 11 sau chọc hút noãn.

Trong nghiên cứu, bệnh nhân có nguy cơ bị OHSS nặng sau khi tiêm trưởng thành noãn bằng hCG được định nghĩa là khi bệnh nhân có ít nhất 19 nang ≥ 11mm vào ngày tiêm mũi trưởng thành noãn bằng hCG và được chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn phân loại của Navot (1992) [5, 12].

Sau khi phân tích đường cong ROC, các giá trị ngưỡng tối ưu để tiên lượng sự tiến triển của OHSS nặng là mức độ cổ trướng ở mức 2, chỉ số Hct > 39,2%, WBC > 12.900/mm3 và MOD > 85mm (*). Trong đó, giá trị có khả năng tiên lượng tốt nhất cho sự tiến triển của OHSS nặng là mức độ tràn dịch màng bụng với giá trị AUC là 0,88 (95% CI: 0,84–0,92).

Để xây dựng mô hình, nghiên cứu cũng thực hiện đánh giá các yếu tố độc lập của 4 giá trị tiên lượng (mức độ tràn dịch màng bụng, chỉ số Hct, WBC, MOD) lên sự tiến triển của OHSS nặng. Kết quả nghiên cứu nhận thấy, khi không có hoặc có 1,2,3 hay cả 4 yếu tố vượt ngoài giá trị ngưỡng trên (*) thì khả năng tiên lượng sự tiến triển OHSS tăng dần, lần lượt là 0%; 0,8%; 13,3%; 37,2%; 88,9%. Từ kết quả trên, mô hình đã được xây dựng dựa vào số lượng giá trị tiên lượng nhằm dự đoán khả năng tiến triển của OHSS ở những bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng nặng (Hình 1).


Hình 1: Mô hình dự đoán khả năng tiến triển của OHSS ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị quá kích buồng trứng nặng, dựa vào số lượng giá trị tiên lượng, để đưa ra quyết định chuyển phôi tươi hay trữ phôi toàn bộ.

Khả năng dự đoán của mô hình tiên lượng sự tiến triển của OHSS nặng này rất cao, với giá trị AUC là 0,93, độ nhạy là 88,5% và độ đặc hiệu 84,2%.

Kết luận

Đây là nghiên cứu đầu tiên xây dựng mô hình tiên lượng sự tiến triển của OHSS nặng, ở giai đoạn sớm sau chọc hút noãn dựa vào các giá trị tiên lượng về mức độ tràn dịch màng bụng, chỉ số Hct, WBC và MOD. Với khả năng dự đoán của mô hình rất cao nên việc ứng dụng mô hình có thể được xem như công cụ đắc lực để bác sĩ đưa ra quyết định lâm sàng an toàn cho bệnh nhân rằng nên cân nhắc chuyển phôi tươi, giai đoạn phôi nang khi một vài giá trị tiên lượng ở trong ngưỡng cho phép hay sẽ trữ phôi toàn bộ khi các giá trị tiên lượng vượt ngưỡng cho phép, vì điều này có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân bởi OHSS muộn. Ngoài ra, việc nuôi phôi và chuyển phôi giai đoạn phôi nang cũng giúp chọn lọc phôi tốt hơn và hạn chế việc xảy ra OHSS muộn khi bệnh nhân mang thai.

Tài liệu tham khảo

Lainas, G.T., et al., A decision-making algorithm for performing or cancelling embryo transfer in patients at high risk for ovarian hyperstimulation syndrome after triggering final oocyte maturation with hCG. Hum Reprod Open, 2020. 2020(3): p. hoaa013.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK