Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 14-09-2020 3:31pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Võ Minh Tuấn - IVFMD Tân Bình

Trong quá trình điều trị IVF, nồng độ oxy trong tủ cấy là yếu tố quan trọng quyết định quá trình phát triển của phôi. Phôi sử dụng lượng oxy tương đối ổn định ở giai đoạn ngày 3, tuy nhiên khi phát triển đến giai đoạn phôi nang, nhu cầu tiêu thụ oxy của phôi sẽ tăng cao (Houghton và cộng sự, 1996). Oxy đóng vai trò trong việc sản xuất năng lượng, nhưng ở nồng độ quá cao, nó có thể gây độc do hình thành ROS (Catt và Henman, 2000). Trong khi mức oxy trong cơ thể dao động từ 1,5 đến 8,7% trong ống dẫn trứng và tử cung của một số loài (Fischer và Bavister, 1993). Vào khoảng đầu thế kỷ trước, hệ thống tủ cấy cung cấp oxy với nồng độ 5%, giống với môi trường tự nhiên hơn cho giao tử phôi, đã được phát triển. Từ đó, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả trong sự phát triển của phôi khi nuôi cấy ở nồng độ oxy 5%. Khi giảm nồng độ oxy từ 20 xuống 5% sẽ giúp tăng tỷ lệ sinh sống (Bontekoe và cs 2012). Hiện nay có rất nhiều lo ngại về hậu quả lâu dài có thể xảy ra khi thay đổi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, chẳng hạn như việc thay đổi nồng độ Oxy trong quá trình nuôi cấy phôi, có rất ít nghiên cứu đánh giá liệu điều này có ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ sinh ra hay không. Do đó theo Fleming và cộng sự năm 2018, điều kiện nuôi cấy phôi có thể là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của trẻ sau này. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả muốn so sánh ảnh hưởng của điều kiện nuôi cấy phôi với nồng độ oxy khác nhau đến kết quả sản khoa và kết quả sơ sinh của những trẻ được sinh ra sau khi chuyển phôi tươi ngày 3.

Đây là một nghiên cứu thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (RCT). 1125 chu kỳ ICSI hoặc IVF với noãn hiến tặng được thực hiện từ năm 2009 đến năm 2012 và được chia làm hai nhóm: nhóm 1 (nuôi cấy ở điều kiện 6% Oxy, n = 514) và nhóm 2 (nuôi cấy ở điều kiện 20% Oxy, n = 499). Tất cả các đối tượng trong nghiên cứu được chuyển phôi ngày 3 (bao gồm chuyển phôi tươi và phôi trữ). Các trường hợp mang thai trên 24 tuần được ghi nhận và tiếp tục theo dõi.

Tổng cộng có 730 trẻ được sinh ra trong nghiên cứu này, trong đó có 286 trường hợp sinh đôi (39,2%). Nghiên cứu thu được một số kết quả như sau:
  • Không có sự khác biệt về số trẻ sinh sống trong một chu kì chuyển phôi ở hai nhóm (0,5 ± 0,7 ở cả hai nhóm).
  • Tỉ lệ sinh đơn và sinh đôi ở hai nhóm 1 và nhóm 2 tương tự nhau (tỉ lệ sinh đơn: 40,8% so với 38,1%; tỉ lệ sinh đôi: 10,7% so với 12,3%).
  • Ngoài ra, các kết quả chu sinh ở nhóm 1 và nhóm 2 cho thấy không có sự khác biệt, cụ thể: tỷ lệ sinh non (10,8% so với 13,24%); cân nặng lúc sinh (3229 ± 561g so với 3154 ± 731g); tỷ lệ trẻ thiếu cân nặng sau sinh (2,92% so với 2,45%); chiều cao khi sinh (50,18 ± 2,41cm so với 49,7 ± 3,59cm).
Ngày nay, nhiều trung tâm thụ tinh ống nghiệm vẫn sử dụng nồng độ Oxy cao để nuôi cấy phôi. Tuy nhiên, ưu điểm của việc sử dụng nồng độ Oxy thấp trong quá trình nuôi cấy phôi vẫn còn đang gây tranh luận. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có ảnh hưởng đến kết quả sinh sống của trẻ sau sinh khi nuôi cấy phôi ngày 3 ở nồng độ Oxy 20%, trong phạm vi sử dụng các noãn hiến tặng. Nghiên cứu này vẫn có hạn chế khi số lượng các trường hợp mang thai được phân tích vẫn khá ít và các dữ liệu về vấn đề thai kỳ không thể được truy xuất cho tất cả các chu kì điều trị.
 
Nguồn: Rendón Abad, Maria, et al. "The influence of oxygen concentration during embryo culture on obstetric and neonatal outcomes: a secondary analysis of a randomized controlled trial." Human Reproduction (2020).

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK