Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 14-09-2020 3:29pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Võ Minh Tuấn - IVFMD Tân Bình

Sự thiếu hụt quá trình hoạt hóa noãn (occyte activation deficiency – OAD) được cho là yếu tố chính dẫn đến tỉ lệ thụ tinh kém hoặc thất bại thụ tinh hoàn toàn trong các chu kỳ điều trị hỗ trợ sinh sản. Các trường hợp này chiếm khoảng 1 – 5% trong các chu kỳ ICSI. Trong quá trình thụ tinh, kết quả của quá trình hoạt hóa noãn là noãn tái giảm phân và hoàn tất quá trình giảm phân tạo tiền nhân cái. Quá trình này được kích hoạt thông qua các yếu tố từ tinh trùng và chủ yếu phụ thuộc vào sự gia tăng nồng độ ion Canxi nội bào lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian, gọi là sự dao động nồng độ ion Canxi nội bào. Phospholipase C Zeta (PLCζ) – yếu tố từ tinh trùng là một phân tử có thể khuếch tán vào noãn và thúc đẩy sự dao động nồng độ ion Canxi thông qua con đường tín hiệu inositol 1,4,5 – trisphosphate (InsP3). PLCζ được tìm thấy dưới dạng protein ở những tinh trùng trưởng thành. Một số nghiên cứu cho rằng OAD có liên quan đến sự suy giảm hoặc không có sự biểu hiện của PLCζ do đột biến về gen liên quan đến protein này (tinh trùng globozoospermia là một trường hợp điển hình của việc thiếu hụt PLCζ dẫn đến tỉ lệ thụ tinh kém hoặc thất bại thụ tinh hoàn toàn).

Việc đánh giá sự hiện diện của PLCζ ngày càng nhận được sự quan tâm do nó cung cấp các bằng chứng về vai trò của PLCζ trong quá trình hoạt hóa noãn. Tuy nhiên các phương pháp đánh giá hiện tại vẫn còn đang gây tranh cãi cho kết quả không đồng nhất. Nghiên cứu mới nhất của Meng và cộng sự năm 2020 cung cấp thêm bằng chứng về lợi ích lâm sàng của các đánh giá PLCζ để hỗ trợ AOA. Tác giả này sử dụng kỹ thuật nhuộm miễn dịch huỳnh quang để sàng lọc các cặp vợ chồng thuộc nhóm OAD, bao gồm những người có kết quả thất bại thụ tinh hoàn toàn, tỉ lệ thụ tinh thấp (<50%) và tái thất bại thụ tinh trong các chu kỳ IVF/ICSI.

Sau khi định lượng PLCζ, bệnh nhân được chia nhóm theo mức biểu hiện trung bình của PLCζ và tỉ lệ tinh trùng có PLCζ. Dữ liệu sau đó được so sánh với dữ liệu của một nhóm đối chứng bao gồm những người đàn ông có khả năng sinh sản. Trong nghiên cứu này, Meng và cộng sự phát hiện ra khoảng 80% cặp vợ chồng nghi ngờ OAD có sự suy giảm biểu hiện của PLCζ, cụ thể là tinh trùng có mức PLCζ thấp hoặc tỉ lệ tinh trùng biểu hiện PLCζ thấp, hoặc sự kết hợp của cả hai trường hợp trên.

Điều đáng chú ý là mặc dù nghiên cứu này chỉ ra rằng sự thiếu hụt PLCζ có liên quan đến sự bất thường hình thái tinh trùng như tinh trùng globozoospermia, trong nghiên cứu ghi nhân ba trong năm trường hợp bệnh nhân đang điều trị ICSI – AOA có các chỉ số tinh dịch đồ bình thường. Như vậy có thể thấy các chỉ số tinh dịch đồ thông thường không thể xác định được những bệnh nhân đó có thật sự thiếu hụt PLCζ và cần kết hợp kỹ thuật AOA hay không. Vì vậy, tác giả đã đưa ra giá trị ngưỡng dựa trên mức PLCζ trung bình trong tinh trùng và tỉ lệ tinh trùng có biểu hiện PLCζ để xác định một cách khách quan những trường hợp OAD có liên quan đến PLCζ mới có lợi trong việc điều trị ICSI – AOA.

Điều đáng chú ý thứ hai, mặc dù nghiên cứu của Meng và cộng sự cung cấp bằng chứng thí nghiệm về các bất thường PLCζ nhưng tính chính xác trong kỹ thuật đánh giá vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ví dụ, nghiên cứu chưa chứng minh được liệu số lượng tế bào để định lượng có đủ lớn để cung cấp kết quả chính xác về mức biểu hiện của PLCζ hay không. Bên cạnh đó, thời gian kiêng xuất tinh, các kỹ thuật đánh giá khả năng sống sót của tinh trùng không được kiểm soát nên không biết các yếu tố này có liên quan đến biểu hiện của PLCζ hay không. Ngoài ra, nghiên cứu đánh giá biểu hiện PLCζ của Meng không đáp ứng đối với các nhóm vô tinh không do tắc do PLCζ chỉ bắt đầu biểu hiện tại giai đoạn biệt hóa cuối cùng của tế bào mầm. Mặc dù phương pháp đánh giá biểu hiện PLCζ thông qua kỹ thuật nhuộm miễn dịch huỳnh quang trên tế bào, tác giả vẫn cho rằng thí nghiệm này cần phải được bàn luận kỹ hơn trước khi đưa vào ứng dụng lâm sàng.

Nguồn: Figueira, Rita Cássia S., and Sandro C. Esteves. "Phospholipase C zeta and oocyte activation defects: moving toward the objective identification of patients eligible for artificial oocyte activation." Fertility and Sterility (2020).

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK