Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 08-09-2020 11:22am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Trong những thập kỷ qua, những tiến bộ trong phòng thí nghiệm và lâm sàng đã cải thiện đáng kể tỉ lệ thai lâm sàng cũng như tỉ lệ trẻ sinh sống trong hỗ trợ sinh sản. Sự tiếp nhận của nội mạc tử cung, số lượng và chất lượng phôi chuyển đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công của một chu kỳ điều trị. Độ dày nội mạc tử cung vào ngày tiêm mũi trưởng thành noãn được xem là chỉ số đánh giá khả năng tiếp nhận phôi của nội mạc tử cung, được nhiều nghiên cứu báo cáo là công cụ tiên lượng cho kết quả điều trị. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng đã có nhiều ý kiến cho rằng nội mạc tử cung mỏng (7-9mm) tương quan với cơ hội có thai sau IVF/ICSI thấp. Một số tác giả khác cũng thực hiện tìm ngưỡng giá trị tối đa của nội mạc tử cung cho phép phôi làm tổ nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng.



Số lượng và chất lượng phôi cũng là yếu tố đánh giá quan trọng. Đa phần các bằng chứng cho thấy phôi có chất lượng tốt cho kết cục điều trị tốt hơn. Số lượng phôi chuyển cũng đang là vấn đề gây tranh cãi vì chuyển 2 phôi cho xác suất sinh sống cao hơn so với chuyển 1 phôi nhưng lại tăng tỉ lệ đa thai từ đó tăng rủi ro cho mẹ và bé. Mang thai có thành công hay không phụ thuộc vào quá trình làm tổ- một quá trình phức tạp bao gồm sự tương tác giữa nội mạc tử cung và phôi, tuy nhiên sự tương tác giữa nội mạc tử cung và phôi cho ra trẻ sinh sống cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy Hong Lv và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của sự tương tác giữa độ dày nội mạc tử cung (EMT) và chất lượng phôi lên tỉ lệ sinh sống trong chu kỳ chuyển phôi tươi.

Nghiên cứu hồi cứu trên 15.012 chu kỳ hỗ trợ sinh sản thực hiện từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2016. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 31,23 tuổi với tổng tỉ lệ sinh sống trên một chu kỳ là 42,8%, tỉ lệ này cao hơn ở những bệnh nhân vô sinh nguyên phát. Tỉ lệ sinh sống khi chuyển 2 phôi cao hơn đáng kể so với chuyển 1 phôi (48,2% với 29,1%; p<0,001). Đánh giá tác động của EMT lên tỉ lệ sinh sống trong chu kỳ chuyển phôi tươi cho thấy tỉ lệ sinh sống tăng khi EMT tăng vào ngày tiêm hCG. Tỉ lệ sinh sống mỗi chu kỳ ở mức ổn định (50,6%-54,2%) khi EMT >=11mm. Không có sự khác biệt nào được quan sát thấy khi so sánh ở nhóm có EMT từ >= 13mm-15mm so với EMT >17mm. Tỉ lệ sinh sống tăng đáng kể khi chuyển phôi phân chia hoặc phôi nang chất lượng tốt, không phụ thuộc vào số lượng phôi chuyển cũng như độ dày nội mạc tử cung. Đánh giá mối tương quan giữa chất lượng phôi và EMT với tỉ lệ sinh sống cho thấy tỉ lệ sinh sống cao hơn đáng kể ở nhóm chất lượng phôi tốt khi EMT <11mm và EMT >= 11mm. Tỉ lệ sinh sống không tăng khi chuyển phôi chất lượng kém bất kể EMT dày hơn (aRR 0,95; 95%CI 0,61–1,46). Tỉ lệ sinh sống cũng không tăng khi EMT dày hơn và chuyển 2 phôi phân chia chất lượng tốt hay bất kỳ phôi nang có chất lượng tốt hay xấu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy giá trị giới hạn của độ dày nội mạc tử cung là 11mm, đây là giá trị có thể dự đoán được khả năng có trẻ sinh sống. Chất lượng phôi cũng được xem là yếu tố tiên lượng tỉ lệ sinh sống. Sự tương tác giữa chất lượng phôi và độ dày nội mạc tử cung có thể cải thiện được giá trị tiên lượng trong thực hành lâm sàng.

Nguồn: Effect of endometrial thickness and embryo quality on live-birth rate of fresh IVF/ICSI cycles: a retrospective cohort study. Reproductive Biology and Endocrinology. 10.1186/s12958-020-00636-6 2020.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK