Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 06-11-2019 9:34am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
 CVPH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Phú Nhuận

Chất lượng và chức năng của tinh trùng bị suy yếu liên quan đến mức độ stress oxy hóa (OS) cao trong đường sinh sản nam giới. Để bảo vệ tinh trùng khỏi tác nhân ROS, tinh tương tinh dịch chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa bao gồm các chất chống oxy hóa enzyme là SOD, GPX và CAT và chất chống oxy hóa không enzyme (canxi, sắt, kẽm, selen). Vì vậy, các nguyên tố vi lượng là một thành phần sinh lý quan trọng trong đường sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, sự tích lũy của chúng với số lượng lớn có thể dẫn đến sự gián đoạn trao đổi chất và thúc đẩy sự hình thành ROS, dẫn đến làm giảm khả năng sinh sản của nam giới. Do đó, tác giả Oumaima Ammar và cộng sự tiến hành nghiên cứu này nhằm xác định mối tương quan giữa các nguyên tố vi lượng (sắt và canxi) với tiềm năng sinh sản khác nhau và xác nhận mối quan hệ của nó với stress oxy hóa.



Mẫu tinh dịch được thu nhận từ 108 bệnh nhân bao gồm 27 bệnh nhân asthenoteratozoospermia (AT), 20 bệnh nhân teratoleucozoospermia (TL), 32 bệnh nhân teratozoospermia (Terato) và 29 nam giới bình thường. Mẫu tinh dịch được đánh giá theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO 2010). Sau khi phân tích tinh dịch, tinh dịch được ly tâm để thu nhận tinh tương và cặn tinh trùng. Cặn tinh trùng được đánh giá khả năng tạo ROS bằng cách sử dụng nhuộm nitroblue tetrazolium (NBT). Tinh tương được sử dụng để phân tích sản phẩm cuối cùng của sự peroxy hóa lipid (malondialdehyde - MDA) và các nguyên tố vi lượng bằng phương pháp đo quang phổ. Nồng độ MDA sử dụng phương pháp thiobarbituric acid với độ hấp thụ ở 535nm. Nồng độ sắt được xác định bằng bộ thuốc thử thương mại Cobasb với độ hấp thụ ở 552nm. Nồng độ canxi trong được đo bằng bộ Cobas.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ ROS trong tinh dịch cao hơn đáng kể trong ba nhóm bệnh nhân bất thường so với nhóm bình thường (37,21 ± 10,44% nhóm bình thường so với 71,92 ± 10,12% ở nhóm AT, 74,1 ± 10,49% ở bệnh nhân TL và 69,55 ± 9,26% ở nhóm Terato). Nồng độ MDA cao hơn đáng kể trong ba nhóm bệnh nhân bất thường so với nhóm bình thường (1,095 ± 0,993nmol/l ở nhóm AT, 1,03 ± 0,38nmol/l ở nhóm TL và 0,84 ± 0,39nmol/l ở nhóm Terato so với nhóm bình thường là 0.56 ± 0.25 nmol/l). Nồng độ sắt và canxi trong tinh tương của các nhóm bệnh nhân bất thường tăng cao hơn đáng kể so với nhóm bình thường. Tuy nhiên, canxi và sắt đều cho thấy mối tương quan nghịch với khả năng di động và hình thái tinh trùng bình thường, riêng sắt có sự tương quan thuận với chỉ số dị thường và nồng độ bạch cầu. Bên cạnh đó, mức độ ROS trong tinh dịch có tương quan nghịch với độ di động, tương quan thuận với tỷ lệ hình thái tinh trùng bất thường và sự hiện diện của bạch cầu. MDA chỉ có mối tương quan thuận đáng kể với hình thái bất thường của tinh trùng. Kết quả cho thấy, có mối tương quan thuận giữa hàm lượng sắt và canxi tinh dịch với tác nhân gây stress oxy hóa (ROS, MDA). Stress oxy hóa và nguyên tố vi lượng dư thừa có liên quan đến chất lượng tinh trùng thấp. Sắt và canxi có thể là chất trung gian tác động của tổn thương oxy hóa và gây ra sự peroxy hóa lipid. Một số nghiên cứu khác cho rằng một số nguyên tố vi lượng của tinh dịch người như sắt và canxi có mối tương quan thuận với việc gây ra tổn thương peroxy hóa. Nhiều nghiên cứu khác kết luận rằng sắt làm tăng oxy hóa ở tinh hoàn và mào tinh hoàn, gây bất lợi cho DNA tinh trùng, dẫn đến apoptosis và giảm tuổi thọ tinh trùng. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã chứng minh canxi có ảnh hưởng xấu đến độ di động của tinh trùng trưởng thành trong tinh dịch và việc tiếp xúc của tinh trùng người in vitro với nồng độ canxi thấp sẽ tăng cường khả năng thụ tinh.

Từ kết quả nghiên cứu, tác giả cho thấy có mối tương quan trực tiếp giữa chất lượng tinh trùng thấp với sự gia tăng các nguyên tố vi lượng và stress oxy hóa. Sự gia tăng nồng độ sắt và canxi tinh dịch, có thể tác động mạnh mẽ đến tính toàn vẹn màng tinh trùng, do đó có thể ảnh hưởng đến các đặc điểm cấu trúc và chức năng của tinh trùng. Vì vậy, việc đánh giá các dấu ấn sinh học của sự oxy hóa tinh trùng và tình trạng nguyên tố vi lượng ở nam giới vô sinh được khuyến nghị và có thể là một công cụ tiên lượng hữu ích trong đánh giá khả năng sinh sản của nam giới. Đồng thời, phải nghiên cứu nhiều hơn nữa về việc so sánh sự tương quan giữa hàm lượng nguyên tố vi lượng và chất lượng tinh dịch với các dấu hiệu khác của stress oxy hóa như tình trạng chống oxy hóa tinh dịch hoặc tính toàn vẹn DNA.

Nguồn: Oumaima Ammar (2019), The association between iron, calcium, and oxidative stress in seminal plasma and sperm quality, Environmental Science and Pollution Research. https://doi.org/10.1007/s11356-019-04575-7.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK