Tin chuyên ngành
on Friday 27-09-2019 2:34pm
Danh mục: Sản khoa & nhi sơ sinh
Nguyễn Thị Ngọc Nữ
IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức
Bệnh dại là một bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền từ động vật sang người, gây ra bởi virus dại (Rhabdovirus), giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae, gây tử vong cho tất cả bệnh nhân nhưng có thể phòng ngừa được [7,6]. Virus dại được bảo tồn chủ yếu trong cơ thể vật chủ và truyền qua người thông qua nước bọt của động vật dại, có 2 hình thức: tiếp xúc với vùng da trầy xước hoặc qua vết cắn [7]. Các loại tiếp xúc khác như vuốt ve động vật dại hay tiếp xúc với máu, phân, nước tiểu của động vật dại, không liên quan đến nguy cơ phơi nhiễm. Virus dại khi gặp môi trường khô hoặc tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp sẽ không lây nhiễm [1]. Hầu như tất cả các ca bệnh dại đều tử vong khi biểu hiện lâm sàng. Chó là động vật trung gian truyền bệnh dại qua người nhiều nhất, hơn 99% tử vong ở người do bệnh dại là do chó cắn. Thời gian ủ bệnh của bệnh dại thường là 2-3 tháng, nhưng cũng có thể thay đổi từ 1 tuần đến 1 năm. Triệu chứng đầu tiên của bệnh dại có thể giống với các triệu chứng của bệnh cúm bao gồm cơ thể yếu mệt và khó chịu, sốt, đau đầu. Những triệu chứng này có thể kéo dài trong nhiều ngày [7]. Bệnh nhân cũng có thể cảm giác như bị kim chích, khó chịu hay ngứa, cảm giác bỏng rát (dị cảm) ở vị trí vết cắn [1]. Quá trình diễn ra trong vài ngày sau đó sẽ xuất hiện các triệu chứng cấp tính. Thời kì cấp tính của bệnh thường kết thúc sau 2- 10 ngày. Một khi các dấu hiệu lâm sàng của bệnh dại xuất hiện, bệnh này hầu như luôn gây tử vong do các biến chứng liên quan đến thần kinh ngoại biên và thần kinh trung ương (liệt, co giật, kích thích/ ức chế hô hấp, tăng tiết dịch, hôn mê). Trong bệnh dại, điều trị chỉ mang tính hỗ trợ. Do đó, điều trị dự phòng là rất quan trọng [3].
DỊCH TỄ
Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Những năm 1990-1995, tỷ lệ tử vong là 0,43/100.000 dân, trung bình mỗi năm có 350-500 ca tử vong. Các biện pháp phòng chống bệnh dại đã được tăng cường nên số ca tử vong từ năm 1996 - 2007 đã giảm 75% so với năm 1995. Năm 2007, cả nước có 131 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong giai đoạn 2015 -2016, có 169 ca bệnh dại được báo cáo, trong đó có 2 ca là mẹ đang cho con bú, và 4 ca trong thời kỳ mang thai, tất cả đều bị phơi nhiễm bởi chó cắn, không ai tìm đến dự phòng sau phơi nhiễm bệnh dại. Cả sáu ca đều tử vong [3,4].
ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bệnh dại không có chống chỉ định và được chứng minh là an toàn, không gây tác dụng phụ cho phụ nữ mang thai và cho con bú [7,2]. Tất cả phụ nữ có thai bị động vật hoang cắn đều có nguy cơ với bệnh dại. Nếu nguy cơ tiếp xúc với bệnh dại là đáng kể thì dự phòng trước phơi nhiễm có thể được chỉ định trong suốt thai kì. Phơi nhiễm với virus dại ở người mẹ hoàn toàn không phải là chỉ định chấm dứt thai kì [5]. Dự phòng sau phơi nhiễm (post-exposure prophylaxis - PEP) là phương pháp điều trị cần thiết, ngay lập tức cho nạn nhân bị phơi nhiễm với virus dại [7,1,3]. Điều này ngăn chặn virus xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương và dẫn đến tử vong sau đó. Điều trị hiệu quả ngay sau khi tiếp xúc với bệnh dại có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của các triệu chứng và tử vong.
PEP bao gồm các nội dung sau [7,3]:
- Rửa vết thương ngay thật kỹ và rộng bằng xà phòng, sau đó là nước muối sinh lý.
- Điều trị tại chỗ vết thương càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc bằng các chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng virus tại vết cắn. Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày.
-
Chỉ định một đợt tiêm vắc-xin bệnh dại mạnh và hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Có 2 phác đồ dưới đây được WHO đồng ý và khuyến cáo sử dụng:
- Phác đồ tiêm bắp: 0,5ml x 5 liều cho một đợt điều trị dự phòng vào ngày 0, 3, 7, 14, 28.
- Phác đồ tiêm trong da: liều đơn 0,1ml x 8 liều cho một đợt điều trị dự phòng vào ngày 0, 3, 7, mỗi ngày tiêm 2 liều đơn vào 2 vị trí khác nhau của vùng cơ Delta, tiêm tiếp vào ngày 28 và ngày 90 kể từ mũi tiêm thứ nhất, mỗi ngày 1 liều vào cơ Delta.
- Sử dụng kháng huyết thanh kháng bệnh dại (HRIG - Human Rabies Immune Globulin), nếu có chỉ định.
- Việc chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hoặc vắc xin và kháng huyết thanh dại phải thực hiện càng sớm càng tốt.
1. Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe
2. Phối hợp thú y và y tế thực hiện giám sát nơi có ổ dịch chó dại cũ, nơi thường xảy ra bệnh dại ở súc vật, những nơi mua bán súc vật nhất là chó, mèo. Thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo; tiêm vắc xin dại có hiệu lực cho đàn chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể súc vật nuôi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/rabies/transmission/index.html. Last accessed on Sept 7, 2019.
- Chutivongse S, Wilde H. Postexposure rabies vaccination during pregnancy: experience with 21 patients. Vaccine. 1990;8:409.
- Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế. Bệnh dại. http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1086/benh-dai. Last accessed on Sept 7, 2019.
- Nguyen HT, Tran CH, Dang AD, et al. Rabies Vaccine Hesitancy and Deaths Among Pregnant and Breastfeeding Women — Vietnam, 2015–2016. MMWR Morb Mortal Wkly Rep 2018;67:250–252.
- Post-exposure antirabies prophylaxis in pregnant women. Figueroa Damián R, Ortiz Ibarra FJ, Arredondo García JL. Ginecol Obstet Mex. 1994 Jan; 62():13-6.
- Wiwanitkit V. Rabies vaccination in pregnancy and lactation. Anatol J Obstet Gynecol. 2009;4:2.
- World health organization. https://www.who.int/neglected_diseases/news/Rabies_WHO_has_published_new_recommendations_for_immunization/en/. Last accesed on Sept 7, 2019
Từ khóa: Bệnh dại và thai kỳ
Các tin khác cùng chuyên mục:
Bổ sung vitamin nào tốt nhất trước khi sinh - Ngày đăng: 25-09-2019
Thủy đậu và thai kỳ - Ngày đăng: 19-08-2019
Fetal Fibronectin trong dự đoán sinh non trên song thai - Ngày đăng: 31-12-2018
Khuyến cáo về tiêm ngừa ở phụ nữ hiếm muộn: Đồng thuận của ASRM - Ngày đăng: 31-12-2018
Chẩn đoán và xử trí giãn não thất thai nhi mức độ nhẹ khuyến cáo của SOCIETY FOR MATERNAL FETAL MEDICINE (SMFM) – 2018 - Ngày đăng: 26-12-2018
Vai trò của Probiotics, Prebiotics và Synbiotics ở trẻ sơ sinh non tháng - Ngày đăng: 17-12-2018
Sinh Non Và Những Thai Kỳ Có Nhiễm Khuẩn Âm Đạo - Ngày đăng: 17-10-2018
Nội soi bào thai điều trị HC truyền máu song thai - Ngày đăng: 08-10-2018
Biến chứng của song thai - Ngày đăng: 08-10-2018
Cập nhật xử trí rách tầng sinh môn độ 3 và độ 4 trong sản khoa - Ngày đăng: 08-10-2018
Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang và dự phòng đái tháo đường thai kỳ - Ngày đăng: 04-10-2018
Cập nhật thuyên tắc phổi và thuyên tắc ối - Ngày đăng: 04-10-2018
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK