Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Monday 19-08-2019 1:22pm
Viết bởi: Administrator
CNHS Phan Thị Mến
IVFMD – Bệnh viện Mỹ Đức
 
TỔNG QUAN

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, rất dễ lây lan do virus Varicella Zoster thuộc họ Herpes virus gây ra[1][2]. Tại Việt Nam, điều kiện khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm bùng phát thành dịch. Theo thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) năm 2017, số ca mắc bệnh thủy đậu gần 39.000 ca tăng khoảng 46% so với năm 2016[3]. Theo thống kê từ Hội Y học Dự phòng Việt Nam, năm 2018 có hơn 31.000 ca thủy đậu được ghi nhận trên quy mô cả nước[4].

Người mắc bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện các triệu chứng sau khi tiếp xúc với siêu vi khoảng 10 đến 21 ngày và kéo dài từ 5 đến 10 ngày. Triệu chứng ban đầu thường là sốt nhẹ, cảm thấy mệt mỏi, đau đầu. Sau đó, phát ban gây ngứa giống như mụn nước xuất hiện đầu tiên ở đầu, từ từ xuất hiện trên bụng, ngực hoặc lưng và cuối cùng lan khắp toàn thân[5,6].

Bệnh thủy đậu lây truyền từ người này sang người khác qua sự tiếp xúc trực tiếp với mụn nước hoặc qua đường giọt bắn khi người bệnh ho hay hắt hơi. Người bệnh mắc thủy đậu có thể lây cho người khác trong vòng 48 giờ trước khi mụn nước xuất hiện cho đến khi tất cả mụn nước khô lại (thường 5 ngày). Bệnh thủy đậu thường là bệnh nhẹ, tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng da nặng, viêm phổi, viêm não, tử vong, ... Các biến chứng của bệnh thường xảy ra trên các đối tượng như trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch (ung thư, nhiễm HIV), …[6,7].

Mặc dù bệnh thủy đậu xảy ra phổ biến ở trẻ em hơn là người lớn với 90% người trên 15 tuổi tại Anh và xứ Wale có miễn dịch với varicella zoster. Tuy nhiên, cũng tại Anh và Wales ghi nhận 25 trường hợp tử vong do thủy đậu hằng năm thì 80% là người lớn với những biến chứng nghiêm trọng. Tỉ lệ phụ nữ mang thai bị thủy đậu biến chứng viêm phổi cũng được ghi nhận 10 - 14%. Tại Anh từ năm 1985 đến 1999, ghi nhận 9 trường hợp tử vong mẹ gián tiếp và một trường hợp tử vong mẹ muộn do biến chứng nhiễm trùng thủy đậu[6]. Phụ nữ mắc thủy đậu trong lúc mang thai thường dễ bị nhiều biến chứng trầm trọng hơn những người lớn khác, trong một số trường hợp bệnh có thể truyền sang cho thai nhi. Sự ảnh hưởng của thủy đậu đến thai nhi theo từng giai đoạn của thai kỳ.

THUỶ ĐẬU VÀ THAI KỲ

Sẩy thai hầu như không xảy ra nếu người mẹ mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu mắc thủy đậu trước 20 tuần, đặc biệt từ tuần 8 đến 20 thì thai nhi đối mặt nguy cơ hội chứng thủy đậu bẩm sinh từ 0.4 - 2%. Đặc trưng của hội chứng này là sẹo ở da, những bất thường khác như: bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần…. Hội chứng thủy đậu bẩm sinh được mô tả đầu tiên vào năm 1947, tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 130 trường hợp được báo cáo trong các tài liệu. Một số liệu được tổng hợp từ 9 nghiên cứu đoàn hệ ghi nhận 13 ca bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh trong 1.423 trường hợp mẹ bị thủy đậu trước 20 tuần, 7 ca được ghi nhận khi mẹ bị thủy đậu ở tuần lễ 20-28, 1 ca ở tuần 28[2,6].

Đối với trường hợp người mẹ bị nhiễm varicella trong giai đoạn gần sinh hoặc sau sinh thì bé sơ sinh rất dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa (trước đây thường gọi là thủy đậu bẩm sinh) do người mẹ chưa đủ thời gian để tạo kháng thể truyền cho con. Nếu mẹ bị nhiễm bệnh từ 1 đến 4 tuần trước sinh thì có tới 50% bé bị nhiễm và khoảng 23% phát triển thành thủy đậu lâm sàng[6].

Những phụ nữ mang thai đã tiêm ngừa thủy đậu hay đã từng mắc thủy đậu trước đó thì không cần lo lắng về ảnh hưởng của bệnh đến bản thân hay thai nhi. Nếu thai phụ chưa có kháng thể nên hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh cho đến khi các mụn nước đều đã khỏi. Khi bị nhiễm bệnh, thai phụ nên được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, vệ sinh thân thể sạch sẽ để tránh bội nhiễm, có thể sử dụng paracetamol nếu bị sốt. Thai phụ cần phải đến bệnh viện ngay khi có những dấu hiệu của biến chứng như các triệu chứng hô hấp, thần kinh: sợ ánh sáng, co giật, xuất huyết, phát ban dày đặc có hoặc không tổn thương niêm mạc, … vì thai phụ là nhóm nguy cơ cao với biến chứng thủy đậu nên có thể sử dụng huyết thanh thủy đậu (varicellla zoster immune globulin - VZIG) với những thai phụ chưa bị thủy đậu hoặc chưa tiêm ngừa. VZIG không phòng ngừa được hội chứng thủy đậu bẩm sinh hay thủy đậu ở bé sơ sinh mà phòng ngừa biến chứng nặng ở mẹ, vì thế để phòng ngừa biến chứng cho bé thì nên sử dụng cho bé sơ sinh. Những phụ nữ mang thai bị thủy đậu trong 4 tuần cuối của thai kỳ nên sinh chủ động tránh ít nhất 7 ngày kể từ lúc bắt đầu phát ban nếu việc kéo dài thai kỳ không ảnh hưởng đến cả mẹ và bé[6]. Người mẹ bị thủy đậu vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ, trường hợp có những mụn nước gần núm vú thì người mẹ nên vắt sữa để cho bé bú, hạn chế những tổn thương làm vỡ mụn nước[2].

TIÊM CHỦNG

Tiêm chủng vắc xin thủy đậu là biện pháp dự phòng bệnh tốt nhất. Theo trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa kỳ (CDC), vắc xin giúp ngăn ngừa hơn 90% trường hợp mắc bệnh. Một tỉ lệ nhỏ người đã tiêm ngừa thủy đậu vẫn bị thủy đậu, nhưng những triệu chứng của bệnh biểu hiện nhẹ như có ít hoặc không nổi những mụn nước (thường là những đốm đỏ), không sốt[7].

Vắc xin thủy đậu là vắc xin sống giảm độc lực, được làm từ chủng Oka của virus varicella. Vắc xin được sử dụng tại Hoa Kỳ từ tháng 3 năm 1995 và sau khi đưa vào sử dụng tỉ lệ mắc bệnh của dân số chung tại nước này đã giảm 80%, tỉ lệ tử vong giảm 2/3[6]. Tại Việt nam, hiện tại có hai loại vắc xin đang được sử dụng: Varivax (nhà sản xuất Merk Sharp & Dohme – Mỹ) tiêm hai liều cách nhau 4 - 8 tuần và Varicella (nhà sản xuất Green Cross – Hàn Quốc) tiêm một liều duy nhất. Các đối tượng được khuyến cáo nên tiêm ngừa thủy đậu: trẻ em, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân hay những người có nguy cơ mắc bệnh cao, phụ nữ có kế hoạch mang thai. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đã tiêm ngừa thủy đậu nên tránh mang thai ít nhất 1 tháng sau khi hoàn tất mũi tiêm thứ hai và tránh tiếp xúc với những người nguy cơ mắc bệnh cao như trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch cho đến 6 tuần sau tiêm vì vẫn có tỉ lệ rất thấp lây nhiễm virus từ vắc xin. Nếu mang thai trong thời gian tiêm ngừa vắc xin thì cũng không quá lo lắng vì vắc xin thủy đậu sản xuất từ virus giảm độc lực. Vì vậy, nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi thấp hơn nhiều so với nhiễm bệnh tự nhiên. Trong trường hợp này, người phụ nữ nên đi khám thai định kỳ để theo dõi sát sức khỏe của thai nhi[6].

Thủy đậu là một bệnh xảy ra phổ biến ở trẻ em nhưng nếu bị nhiễm trong giai đoạn mang thai có thể dẫn đến biến chứng trầm trọng cho cả người mẹ và thai nhi. Tiêm ngừa vắc xin thủy đậu là một biện pháp dự phòng bệnh hữu hiệu nhất. Phụ nữ mang thai dù có tiêm ngừa thủy đậu hay chưa tiêm trước đó thì việc khám thai định kỳ là vô cùng cần thiết để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. WHO (2014). “Varicella”. https://www.who.int/biologicals/vaccines/varicella/en/
  2. Lamont, R. F., Sobel, J. D., Carrington, D., Mazaki-Tovi, S., Kusanovic, J. P., Vaisbuch, E., & Romero, R. (2011). Varicella-zoster virus (chickenpox) infection in pregnancy. BJOG 118(10), 1155–1162. doi:10.1111/j.1471-0528. 2011.02983.x
  3. http://soyte.hanoi.gov.vn/vi/news/pho-bien-kien-thuc-90/chu-quan-voi-benh-thuy-dau-coi-chung-nguy-hiem-3423.html
  4. https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/thuy-dau-vao-mua-canh-bao-khong-the-xem-nhe-520825.html
  5. Boston Public Health Commission. “Chickenpox (varicella)”. http://bphc.org/whatwedo/infectious-diseases/Infectious-Diseases-A-to-Z/Pages/Chickenpox.aspx
  6. Royal College of Obstetricians and Gynaecologists (2015), Green-top Guideline No 13, Chickenpox in Pregnancy.
  7. Mona Marin, Adriana S. Lopez (2018). Varicella (chickenpox). Infectious Diseases Related to travel. CDC Yellow Book 2018: Health Information for International Travel, Oxford University Press, New York, 346 – 349.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Biến chứng của song thai - Ngày đăng: 08-10-2018
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK