Tin chuyên ngành
on Wednesday 25-09-2019 2:27pm
Danh mục: Sản khoa & nhi sơ sinh
Ths. Huỳnh Thị Ngọc Ngân - Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Nhiều phụ nữ vẫn dùng thêm các viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất trong giai đoạn trước khi sinh vì muốn đảm bảo đủ vitamin và khoáng chất cho cả mẹ và bé mặc dù họ đã có chế độ ăn đa dạng và khỏe mạnh, đã cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết.
Bài viết sau đây đề cập một số vitamin quan trọng nhất trong giai đoạn tiền sản và sự cần thiết phải bổ sung các vitamin này.
Vitamin trước khi sinh là gì?
Vitamin trước khi sinh là các viên uống bổ sung có chứa các vitamin và khoáng chất với hàm lượng cao nhằm đáp ứng cho nhu cầu tăng cao các chất này của phụ nữ trong suốt thời gian mang thai.
Lý tưởng nhất, phụ nữ nên bổ sung các vitamin trước khi sinh trong suốt thời gian mang thai và cho con bú.
Một số phụ nữ bổ sung các chất dinh dưỡng này với các viên uống riêng lẻ, nhưng sẽ dễ hơn nếu uống một viên duy nhất bổ sung đồng thời nhiều loại vitamin và khoáng chất.
Lợi ích
Uống vitamin trước khi sinh có thể làm giảm nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và bé cũng như giúp mẹ sinh đủ tháng.
Axit folic
Uống axit folic trước khi mang thai và trong suốt thai kỳ có thể giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh. Axit folic còn được gọi là folate hoặc vitamin B9.
Các ống thần kinh là cấu trúc phôi thai cuối cùng tạo thành cột sống và não của thai nhi. Khiếm khuyết ống thần kinh có thể gây ra các tình trạng nghiêm trọng về cột sống và não, bao gồm tật nứt đốt sống, một tình trạng mà các bộ phận của xương sống không đóng đúng cách.
Axit folic còn giúp cơ thể mẹ bầu tạo ra các tế bào hồng cầu, giúp giảm nguy cơ thiếu máu. Thiếu máu có thể gây ra các biến chứng thai kỳ, chẳng hạn như:
- nhẹ cân
- sinh non
- thiếu máu ở trẻ sơ sinh
Ngoài axit folic, một số chất dinh dưỡng quan trọng khác cũng rất cần thiết cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và cho sự phát triển thai nhi. Các vitamin và khoáng chất này bao gồm:
Sắt: Phụ nữ mang thai cần khoảng gấp đôi lượng sắt so với người bình thường. Sắt là một thành phần quan trọng trong các tế bào hồng cầu. Phụ nữ mang thai không bổ sung đủ sắt có thể bị thiếu máu do thiếu sắt.
Kẽm: Hỗ trợ hệ miễn dịch và giúp cơ thể tạo ra protein, phân chia tế bào và tổng hợp DNA cho các tế bào mới.
Vitamin B12: Giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu và tế bào thần kinh khỏe mạnh, là những tế bào chuyên biệt được tìm thấy trong tủy sống và não. Vitamin B12 còn giúp các tế bào này hoạt động tốt hơn.
Canxi và vitamin D: Phối hợp với nhau để giúp xương và răng của thai nhi phát triển tốt. Vitamin D còn quan trọng cho sự phát triển của mắt và da. Canxi có thể làm giảm nguy cơ tiền sản giật, nguyên nhân hàng đầu gây ra một số bệnh và gây tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
Vitamin A: Giúp các tế bào phát triển và biệt hóa, góp phần giúp tăng cường thị lực và hỗ trợ sự phát triển của nhiều cơ quan quan trọng.
Vitamin B6: Đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức, chuyển hóa glucose, chức năng miễn dịch và tạo máu. Ngoài ra, vitamin B6 còn giúp giảm buồn nôn khi mang thai.
Iốt: Một nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự phát triển của hệ thần kinh trung ương, não và hệ xương. Thiếu iốt nghiêm trọng ở phụ nữ mang thai có thể làm chậm sự phát triển của thai nhi hoặc gây ra các khiếm khuyết về thần kinh, thai chết lưu hoặc sẩy thai.
Vitamin trước khi sinh nào tốt nhất
Có nhiều loại vitamin trước khi sinh, có thể mua tại nhà thuốc hoặc trực tuyến. Đôi khi bác sĩ có thể kê toa vitamin trước khi sinh cho những phụ nữ có vấn đề đặc biệt về sức khỏe.
Lựa chọn thực phẩm bổ sung trước khi sinh tùy thuộc vào thành phần của sản phẩm. Mỗi phụ nữ sẽ cần bổ sung các vitamin và khoáng chất với liều khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như chế độ ăn uống, tuổi tác và mức độ hoạt động.
Thông thường, một sản phẩm bổ sung vitamin trước khi sinh cho phụ nữ trên 19 tuổi nên chứa:
- Axit folic: Ít nhất 400 mcg trước khi mang thai, 600 mcg khi mang thai và 500 mcg khi cho con bú.
- Vitamin B12: 2,6 – 2,8 mcg.
- Sắt: 27 mg khi mang thai và 9 - 10 mg khi cho con bú.
- Canxi: 1000 - 1300 mg.
- Vitamin D: 600 đơn vị quốc tế (IU).
- Kẽm: 11 mg khi mang thai và 12 mg khi cho con bú.
- Vitamin A: 750 - 770 mcg khi mang thai và 1200 - 1300 mcg khi cho con bú.
- Vitamin B6: 1,9 – 2,0 mg.
- Iốt: 220 mcg khi mang thai và 290 mcg khi cho con bú.
Một vài chất dinh dưỡng khác cũng thường có trong công thức viên uống bổ sung vitamin trước khi sinh, nhưng ít được đề cập hơn về lợi ích cũng như hàm lượng và thời gian sử dụng.
Một ví dụ cho các chất này là axit béo Omega 3, một axit béo quan trọng cho cấu trúc cho màng tế bào, đặc biệt là màng tế bào não và võng mạc.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), nhu cầu omega 3 là 1,4 g mỗi ngày đối với phụ nữ mang thai và 1,3 g mỗi ngày đối với phụ nữ cho con bú, so với lượng 1,1 g mỗi ngày ở phụ nữ bình thường từ 14 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, một thống kê năm 2015 trên gần 150 nghiên cứu về tác dụng của việc bổ sung Omega 3 đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi cho thấy chỉ có một sự gia tăng nhỏ về thời gian mang thai và cân nặng khi sinh.
Vì vậy, mặc dù một số viên uống bổ sung vitamin trước khi sinh có thể không chứa Omega 3, axit béo này cũng không cần thiết phải bổ sung như mọi người từng nghĩ.
Thông thường, viên uống vitamin trước khi sinh thường chứa omega 3 vì một số phụ nữ mang thai có thể không bổ sung đủ omega 3 từ chế độ ăn của họ.
Cá và hải sản là nguồn omega 3 phổ biến, nhưng đôi khi các thực phẩm này lại chứa hàm lượng thủy ngân cao mà theo nghiên cứu có thể liên quan đến bất thường khi sinh.
Chỉ nên ăn các loại cá hoặc hải sản chứa omega 3 và có hàm lượng thủy ngân thấp như:
- cá da trơn
- cá hồi
- cá minh thái (pollock)
- tôm
- cá kiếm
- cá mập
- cá thu vua
- sinh vật biển phù du (marin)
- cá ngói
- cá cam thô
- cá ngừ trắng
Nhiều người không thể bổ sung axit béo omega 3 từ cá hoặc hải sản, như người ăn chay, thì có thể bổ sung từ nguồn thực vật.
Một số thực vật chứa axit béo omega 3 như hạt chia, rong biển, quả óc chó và đậu nành Nhật bản Edamame.
Vitamin E và C
Các nhà sản xuất thường bổ sung vitamin E và C trong viên uống vitamin trước khi sinh. Hai vitamin này là những chất chống oxy hóa rất tốt, được phối hợp với nhau để bảo vệ cơ thể khỏi stress oxy hóa.
Vitamin C còn giúp tái tạo collagen, chuyển hóa folate và sắt. NIH khuyến nghị phụ nữ nên bổ sung vitamin C với liều lượng khoảng 80 - 85 mg mỗi ngày khi mang thai và 115 - 120 mg trong thời gian cho con bú.
Cũng theo NIH, hàm lượng vitamin E cần bổ sung cho phụ nữ có thai và cho con bú vào khoảng 15 - 19 mg mỗi ngày.
Một nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng dùng vitamin E và C trong thai kỳ có thể làm giảm stress oxy hóa và các biến chứng liên quan, như:
- tiền sản giật
- vỡ ối trước khi chuyển dạ (PROM)
- thai nhi chậm tăng trưởng
Khi nào nên bắt đầu bổ sung viên uống vitamin trước khi sinh
Tốt nhất, phụ nữ nên bắt đầu dùng viên uống vitamin trước khi sinh vài tháng trước khi mang thai và tiếp tục duy trì cho đến hết thời gian cho con bú.
Cụ thể, phụ nữ nên uống 400 - 800 mcg axit folic mỗi ngày trong ít nhất ba tháng trước khi mang thai và trong suốt thai kỳ, để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.
Đa số phụ nữ bắt đầu dùng vitamin trước khi sinh khi biết mình có thai.
Những phụ nữ có tình trạng sức khoẻ không tốt nên nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng vitamin trước khi sinh để tránh các biến chứng hoặc tương tác có thể xảy ra.
Phản ứng phụ
Các thành phần có trong viên uống vitamin trước khi sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ, chủ yếu là khó chịu tiêu hóa với mức độ từ nhẹ đến trung bình, như:
- buồn nôn
- ợ nóng
- tiêu chảy
- táo bón
Một ví dụ đáng chú ý là vitamin A. Khi bổ sung vitamin A với liều trên 10.000 IU hoặc 3000 mcg có thể gây các bất thường khi sinh, cũng như mất xương và tổn thương gan.
Khi dùng vitamin trước khi sinh, nếu có xuất hiện các phản ứng phụ hoặc các triệu chứng không thể giải thích được thì nên ngừng sử dụng và báo với bác sĩ hoặc dược sĩ. Phụ nữ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng nên đến khám tại các cơ sở y tế để được hỗ trợ y tế khẩn cấp.
Một số lưu ý khác
Việc cân nhắc nên uống loại vitamin nào trước khi sinh, thời điểm bắt đầu dùng và cách dùng như thế nào tuỳ thuộc vào từng người.
Có nhiều sản phẩm bổ sung vitamin chứa lượng vitamin với hàm lượng cần thiết, mặc dù không phải là loại dành cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
Phụ nữ ăn chay có thể cần vitamin trước khi sinh với hàm lượng cao hơn vì không thể cung cấp đủ các dưỡng chất này từ thực vật, chẳng hạn như:
- Vitamin B12
- Vitamin B2 (riboflavin)
- Canxi
- Vitamin D
- Iốt
Phụ nữ mang thai đang dùng bất kỳ loại thuốc hoặc viên uống bổ sung thì nên báo với bác sĩ trước khi chọn viên uống bổ sung vitamin.
Một số loại thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và các viên uống bổ sung từ thảo dược có thể tương tác với các thành phần vitamin trước khi sinh, như:
- thuốc kháng đông
- St. John's wort (thảo mộc chống trầm cảm)
- kháng sinh
- thuốc chống động kinh
- thuốc trị hen suyễn (theophylline)
- thuốc giảm cân orlistat
- retinoid
- thuốc ức chế bơm proton
- metformin
- thuốc ức chế men chuyển
- methotrexate
- corticosteroid
Một số vitamin và khoáng chất trước khi sinh được hấp thu tốt nhất với liều lượng nhỏ, đặc biệt là canxi, vì vậy nhiều vitamin trước khi sinh được dùng tốt nhất một hoặc hai lần mỗi ngày.
Việc chia nhỏ các liều vitamin, và uống cùng với thức ăn và nước, có thể giúp giảm các tác dụng phụ không đáng kể. Nếu xảy ra các tác dụng phụ với vitamin trước khi sinh, phụ nữ có thai có thể cân nhắc đổi nhãn hiệu hoặc công thức khác.
Tóm lại,
Một số viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất có thể giúp giảm nguy cơ và biến chứng khi sinh. Các dưỡng chất quan trọng cho phụ nữ cần dùng trước và trong khi mang thai hoặc cho con bú, bao gồm:
- axit folic
- sắt
- vitamin B12
- vitamin B6
- canxi
- vitamin D
- kẽm
- iod
- vitamin A
Bác sĩ hoặc dược sĩ có thể giúp các phụ nữ chọn được viên uống vitamin trước khi sinh phù hợp với tình trạng sức khỏe và chế độ ăn của từng người, tránh được các tương tác và biến chứng có thể xảy ra.
Nguồn: Huizen, Jennifer. "What are the best prenatal vitamins to take?" Medical News Today. MediLexicon, Intl., 13 Sep. 2019. Web.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Thủy đậu và thai kỳ - Ngày đăng: 19-08-2019
Fetal Fibronectin trong dự đoán sinh non trên song thai - Ngày đăng: 31-12-2018
Khuyến cáo về tiêm ngừa ở phụ nữ hiếm muộn: Đồng thuận của ASRM - Ngày đăng: 31-12-2018
Chẩn đoán và xử trí giãn não thất thai nhi mức độ nhẹ khuyến cáo của SOCIETY FOR MATERNAL FETAL MEDICINE (SMFM) – 2018 - Ngày đăng: 26-12-2018
Vai trò của Probiotics, Prebiotics và Synbiotics ở trẻ sơ sinh non tháng - Ngày đăng: 17-12-2018
Sinh Non Và Những Thai Kỳ Có Nhiễm Khuẩn Âm Đạo - Ngày đăng: 17-10-2018
Nội soi bào thai điều trị HC truyền máu song thai - Ngày đăng: 08-10-2018
Biến chứng của song thai - Ngày đăng: 08-10-2018
Cập nhật xử trí rách tầng sinh môn độ 3 và độ 4 trong sản khoa - Ngày đăng: 08-10-2018
Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang và dự phòng đái tháo đường thai kỳ - Ngày đăng: 04-10-2018
Cập nhật thuyên tắc phổi và thuyên tắc ối - Ngày đăng: 04-10-2018
Cập nhật vai trò của Progesterone trong y học bào thai - Ngày đăng: 03-10-2018
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Năm 2020
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK