Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 29-05-2019 3:42pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Lê Khắc Tiến
Nhóm nghiên cứu Nội tiết – Mãn kinh
Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận




Kể từ lần chuyển phôi đông lạnh (FET – frozen-thawed embryo transfer) đầu tiên thành công vào năm 1983,  FET đã trở thành một phần không thể thiếu trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (IVF) hay tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection – ICSI). FET tạo điều kiện lưu trữ các phôi dư từ IVF/ICSI để chuyển trong chu kỳ tiếp theo. FET tăng tỉ lệ thụ thai, giảm chi phí, phòng ngừa hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS - Ovarian hyperstimulation syndrome) khi so sánh với phương pháp chuyển phôi tươi. Hơn nữa, FET còn là phương pháp điều trị vô sinh phổ biến ở phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Phụ nữ PCOS thường dễ xuất hiện OHSS hơn, do đó cần giảm tần suất kích thích buồng trứng, nghĩa là giảm sử dụng phôi tươi trong điều trị vô sinh ở phụ nữ PCOS.
 
Letrozole là một chất ức chế men aromatase thế hệ thứ ba không làm giảm chức năng của thụ thể estrogen và duy trì hoạt động của cơ chế phản hồi lên vùng hạ đồi tuyến yên để kích thích sự phát triển của đoàn hệ noãn, tăng số nang noãn vượt trội và phóng noãn, không gây ra tác dụng phụ trên nội mạc tử cung. Việc sử dụng Letrozole gần đây đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia như một phương pháp thay thế hiệu quả cho liệu pháp thay thế hormone (HRT – hormone replacement therapy) hay còn được gọi là chu trình nhân tạo (artificial cycle) trong FET. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh được liệu tỉ lệ sinh sống (LBR - live birth rate) ở những phụ nữ PCOS sau chuyển phôi đông lạnh có chu kỳ được kích thích bằng Letrozole (L-FET letrozole-stimulated cycle) so với chu kỳ nhân tạo (AC-FET) có sự khác biệt hay không. Để làm rõ vấn đề này, tác giả Zhang và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trên tổng số 2.664 phụ nữ bị PCOS đến khám tại các trung tâm y tế tuyến cuối tại Trung Quốc. Đối tượng nghiên cứu được chia thành hai nhóm: một nhóm sử dụng Letrozole và một nhóm sử dụng liệu pháp thay thế hormone khi chuyển phôi đông lạnh.
 
Kết quả cho thấy, LBR trong mỗi lần chuyển phôi là tương tự giữa 2 nhóm (54,4% ở nhóm L-FET và 50,7% ở nhóm AC-FET). Tỉ lệ sẩy thai thấp hơn đáng kể ở nhóm L-FET khi so sánh với nhóm AC-FET (9,1% so với 17%). Tuy vậy, sau khi hiệu chỉnh yếu tố gây nhiễu, LBR tăng đáng kể ở nhóm L-FET khi so sánh với nhóm AC-FET (odds ratio hiệu chỉnh [aOR] 1,33, KTC 95% 1,09 – 1,61) và tỷ lệ sẩy thai ở nhóm L-FET vẫn thấp hơn so với nhóm AC-FET (odds ratio hiệu chỉnh [aOR] 0,51, 95% KTC 95% 0,35 – 0,74).
 
Từ nghiên cứu trên, tác giả Zhang và các cộng sự đưa ra kết luận, ở những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang được chuyển phôi trữ lạnh, sử dụng Letrozole để chuẩn bị nội mạc tử cung sẽ giúp tăng tỉ lệ thai sống hơn so với chu trình nhân tạo. Để khẳng định kết quả này, cần có thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng trong tương lai.
 
Nguồn: Zhang, J., Liu, H., Wang, Y., Mao, X., Chen, Q., Fan, Y., … Kuang, Y. (2019). Letrozole use during frozen embryo transfer cycles in women with polycystic ovary syndrome. Fertility and Sterility. doi:10.1016/j.fertnstert.2019.04.014

Các tin khác cùng chuyên mục:
Sinh non và nguy cơ bệnh thận mạn - Ngày đăng: 23-05-2019
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK