Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 23-05-2019 6:02pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

BS. Lê Tiểu My

Tam cá nguyệt 3 của thai kỳ là giai đoạn hình thành và phát triển mạnh nhất của các nephrone, hơn 60% nephrone được tạo ra trong giai đoạn này. Sinh non trước 37 tuần làm gián đoạn quá trình hình thành nephrone, không chỉ tăng nguy cơ suy thận cấp sau sinh mà còn tăng nguy cơ tăng huyết áp và bệnh thận mạn khi trẻ lớn lên. Không chỉ sinh non, trẻ nhẹ cân (< 2.500 g) cũng được ghi nhận là có nguy cơ bệnh thận mạn sau này.

Trước đây cũng đã có một số nghiên cứu khảo sát bệnh thận ở trẻ sinh non được công bố dựa trên cơ chế tổn thương thận khi quá trình thành lập nephrone chưa hoàn thiện. Một nghiên cứu đoàn hệ từng ghi nhận sinh non tăng nguy cơ bệnh thận mạn tính, tuy nhiên không đánh giá nguy cơ theo từng nhóm tuổi thai non tháng.

Mới đây, một nghiên cứu đoàn hệ đánh giá tương quan giữa sinh non và nguy cơ bệnh thận mạn đã công bố kết quả. Khảo sát thực hiện tại Thuỵ Điển trên hơn 4 triệu trẻ sinh sống từ 1973 – 2014, trong đó có 4305 trường hợp được chẩn đoán bệnh thận mạn được theo dõi đánh giá nguy cơ từ sau sinh cho đến độ tuổi trung niên. Kết quả phân tích cho thấy sinh non (< 37 tuần) tăng gần gấp đôi nguy cơ bệnh thận mạn và sinh cực non (< 28 tuần) tăng hơn gấp ba nguy cơ bệnh thận mạn từ sau khi chào đời đến tuổi trung niên. Kết quả nguy cơ ở nhóm sinh non và sinh cực non lần lượt là 1,9 (95% CI 1,74 – 2,16; p < 0,001); 3,01 (95% CI 1,67 – 5,45; p < 0,001). Thậm chí, đối với nhóm trẻ sinh từ 37 – 38 tuần cũng có tăng nhẹ nguy cơ bệnh thận mạn 1,3 lần (1,2 – 1,4; p < 0,001). Kết quả này tương đồng với nhiều nghiên cứu lớn được công bố trước đây, ví dụ như nghiên cứu trên 2,2 triệu trường hợp tại Na Uy, nghiên cứu cấp quốc gia tại Nhật Bản. Kết quả của hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy trẻ sinh non và nhẹ cân đều tăng nguy cơ bệnh thận mạn.

Suy thận mạn ở trẻ sinh non nhiều nhất ở giai đoạn 0 – 9 tuổi (5,09, 4,11 – 6,31; p < 0,001), sau đó giảm nhưng vẫn còn trong giai đoạn 10 – 19 tuổi (1,97, 1,57 – 2,49; p < 0,001) và 20 – 43 tuổi (1,43, 1,15 – 1,57; p < 0,001). Nguy cơ này ảnh hưởng như nhau ở cả nam và nữ. Ở trẻ nam, nguy cơ tăng 1,76 lần (1,52 – 2,04; p < 0,001); nữ tăng 2,21 lần (1,88 – 2,60; p < 0,001). Kết quả phân tích các yếu tố liên quan còn cho thấy nguy cơ bệnh thận mạn ở trẻ sinh non dường như không liên quan đến yếu tố di truyền hoặc môi trường sống của gia đình.
Nghiên cứu kết luận do nguy cơ bệnh thận tăng khi sinh non và cực non nên những trẻ này cần được theo dõi liên tục đến tận độ tuổi trung niên. Việc theo dõi và đánh giá nguy cơ nhằm có biện pháp dự phòng và bảo tồn chức năng thận trong suốt cuộc đời của trẻ sinh non.
 
Lược dịch từ: Preterm birth and risk of chronic kidney disease from childhood into mid-adulthood: national cohort study
BMJ 2019; 365 doi: https://doi.org/10.1136/bmj.l1346 (Published 01 May 2019)
 
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK