Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 21-02-2017 9:23am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Hồ Ngọc Anh Vũ
BV Mỹ Đức

Kết quả từ một tổng quan hệ thống so sánh hiệu quả của các phương thức điều trị đầu tay khác nhau trên nhóm phụ nữ có tình trạng không phóng noãn – phân loại nhóm II theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO và mong con vừa được công bố trên Tạp chí Bristish Medical Journal (BMJ).

Tổng quan sử dụng kết quả từ các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng (RCT) được tìm kiếm từ thư viện Cochrane, Medline và Embase. Các nghiên cứu RCT này được tiến hành nhằm so sánh các phương thức gây phóng noãn khác nhau với giả dược hoặc không can thiệp gì hoặc giữa các phương pháp với nhau, bao gồm: clomiphene, tamoxifen, letrozole, metformin, gonadotropins, đốt điểm buồng trứng hoặc kết hợp clomiphene với metformin. Có tổng số 57 nghiên cứu RCT được thu nhận và phân tích. Các nghiên cứu được tiến hành trên 8082 phụ nữ.

Kết cục chính được lựa chọn là thai lâm sàng, được định nghĩa bởi thai kỳ có xuất hiện ít nhất hình ảnh một túi thai trên siêu âm. Nếu không có dữ liệu về tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ sinh sống hoặc tỷ lệ thai sinh hoá (xét nghiệm máu/ nước tiểu dương tính với hCG) được sử dụng. Kết cục phụ bao gồm thai sinh sống, có phóng noãn, sẩy thai và đa thai.

Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy tất cả các liệu pháp trị liệu đều ưu thế hơn sử dụng giả dược hay không can thiệp gì.

Tỷ lệ có thai khi sử dụng letrozole, sử dụng clomiphene kết hợp với metformin đều cho kết quả cao hơn khi so sánh với sử dụng clomiphene đơn thuần (OR và KTC 95%: 1,58 và 1,25 - 2,00; 1,81 và 1,35 - 2,42) tương tự với tỷ lệ có phóng noãn (1,99 và 1,38 - 2,87; 1,55 và 1,02 - 2,36). Việc sử dụng letrozole mang lại tỷ lệ sinh sống cao hơn khi so sánh với sử dụng clomiphene đơn thuần (1,67 và 1,11 - 2,49). Tỷ lệ đa thai khi sử dụng letrozole và metformin thấp hơn so với sử dụng clomiphene đơn thuần (0,46 và 0,23 - 0,92; 0,22 và 0,05 - 0,92).

Kết quả từ tổng quan cho thấy, trên nhóm phụ nữ có tình trạng không phóng noãn – phân loại nhóm II theo WHO, việc sử dụng letrozole đơn thuần hay sử dụng clomiphene kết hợp với metformin ưu thế hơn sử dụng clomiphene đơn thuần khi xét đến tình trạng có thai và phóng noãn. Letrozole là phương pháp duy nhất mang lại tỷ lệ sinh sống cao hơn có ý nghĩa thống kê so với sử dụng clomiphene đơn thuần. Sử dụng letrozole có thể được khuyến cáo như là liệu pháp đầu tay và nên dần được chấp nhận trong hoạt động lâm sàng. Kết hợp clomiphene với metformin cũng có thể là một chọn lựa.

Khó khăn nằm ở việc sử dụng letrozole hay metformin để gây phóng noãn chưa được chấp thuận và đang được sử dụng dưới dạng off-label tại một số quốc gia, hay bị cấm sử dụng (Đan Mạch), ngoại trừ sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng. Về tính an toàn, các chứng cứ hiện tại cũng cho thấy việc sử dụng letrozole trong điều trị hiếm muộn không làm tăng nguy cơ bất thường ở trẻ sơ sinh.
 
Source: Wang R, Kim B V, van Wely M, Johnson NP, Costello MF, Zhang H, et al. Treatment strategies for women with WHO group II anovulation: systematic review and network meta-analysis. Bmj 2017; 356:1–11.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK