Thất bại làm tổ nhiều lần (RIF) là một thách thức lớn hiện nay trong hỗ trợ sinh sản. Nhiều phương pháp hỗ trợ khác nhau, trong đó có heparin, đã được sử dụng để cải thiện kết cục thai kỳ cho những trường hợp này. Các nhà nghiên cứu người Anh đã thực hiện một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp để đánh giá hiệu quả của heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH) trên tỷ lệ sinh sống (LBRs) và tỷ lệ làm tổ (IR) ở phụ nữ bị thất bại làm tổ nhiều lần và được thực hiện thụ tinh ống nghiệm.
Bài tổng quan này bao gồm các nghiên cứu so sánh nhóm bệnh nhân sử dụng LMWH so với nhóm chứng hoặc nhóm chỉ dùng giả dược ở phụ nữ bị thất bại làm tổ nhiều lần được tìm kiếm trên MEDLINE, EMBASE, Thư viện Cochrane, tài liệu hội nghị và cơ sở dữ liệu cho các thử nghiệm đã đăng ký và các thử nghiệm đang tiến hành (1980-2012). Phân tích thống kê được thực hiện bằng phần mềm Review Manager 5.1. Kết cục chính là tỷ lệ sinh sống trên số đối tượng nghiên cứu.
Hai thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng và một thử nghiệm bán ngẫu nhiên đáp ứng được tiêu chuẩn nhận. Một nghiên cứu trên những phụ nữ ít nhất 1 lần bị huyết khối (Qublan et al., 2008) và hai nghiên cứu gồm những phụ nữ thất bại làm tổ không rõ nguyên nhân (Urman et al., 2009.; Berker et al., 2011). Tỷ số nguy cơ cộng dồn ở những phụ nữ có ≥ 3 lần thất bại làm tổ (N = 245) cho thấy có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ sinh sống (tỉ số nguy cơ (RR) = 1.79, khoảng tin cậy 95% (CI) = 1,10-2,90, P = 0,02) và giảm tỷ lệ sẩy thai (RR = 0,22, KTC 95% = 0,06-0,78, P = 0,02) ở nhóm có sử dụng LMWH so với nhóm chứng. Tỷ lệ làm tổ ở nhóm có ≥ 3 lần thất bại làm tổ (N = 674) cho thấy có sự cải thiện không đáng kể (RR = 1,73, KTC 95% 0,98-3,03, P = 0,06) trong nhóm sử dụng LMWH. Tuy nhiên, tác dụng có lợi của LMWH là không có ý nghĩa khi chỉ gộp những nghiên cứu trên bệnh nhân thất bại làm tổ không rõ nguyên nhân. Phân tích về số phụ nữ cần được điều trị bằng LMWH cho thấy khoảng tám phụ nữ cần được điều trị để có thêm một trường hợp sinh sống.
Như vậy, ở phụ nữ có ≥ 3 lần thất bại làm tổ, việc sử dụng thuốc hỗ trợ LMWH cải thiện có ý nghĩa tỷ lệ sinh sống 79% so với nhóm chứng, tuy nhiên, điều này cần được xem xét một cách thận trọng, vì tổng số người tham gia trong nghiên cứu này vẫn còn nhỏ. Cần thêm bằng chứng hỗ trợ từ các RCT đa trung tâm có năng lực mẫu đủ trước khi khuyến cáo đưa LMWH vào thực hành lâm sàng thường quy. Bài tổng quan này nhấn mạnh sự cần thiết của khoa học cơ bản và các nghiên cứu lâm sàng trong lĩnh vực quan trọng này.
Nguồn: http://humupd.oxfordjournals.org/content/19/6/674.full
BS Mạc Thị Mỹ Nguyện
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...