Bệnh lý não do thiếu máu cục bộ - thiếu oxy mô (HIE, hypoxic-ischemic encephalopathy) theo sau tình trạng ngạt chu sinh (perinatal asphyxia) là một vấn đề thần kinh rất quan trọng trong thời kỳ sơ sinh.
Cần lưu ý rằng, ngạt chu sinh không chỉ mô tả tình trạng ngạt trong lúc sinh. Một cách chính xác hơn, ngạt chu sinh xảy ra khi xuất hiện một chấn thương thần kinh trước, trong, hoặc một khoảng thời gian ngắn sau sinh hoặc có sự phối hợp bất kỳ từ ít nhất hai trong ba yếu tố: (i) thiếu oxy mô (giảm lưu lượng oxy cung cấp cho thai nhi/trẻ sơ sinh); (ii) tăng CO2 trong máu (thay đổi trong sự trao đổi O2/CO2); (iii) thiếu máu cục bộ (tưới máu không tương xứng tại mô và cơ quan).
Tình trạng thiếu oxy mô và thiếu máu cục bộ tại não sẽ dẫn đến hàng loạt các hậu quả, bắt đầu từ quá trình đường phân theo con đường yếm khí, đưa đến giảm ATP và toan hóa cùng sự hình thành hàng loạt các gốc tự do, lắng đọng calci nội bào, tổng hợp quá mức các thụ thể của amino acid. Tất cả sẽ đưa đến sự tổn thương cả về cấu trúc lẫn chức năng của não.
Trị liệu hạ thân nhiệt hoặc hạ nhiệt độ vùng đầu giúp giảm bớt hậu quả của HIE, tuy nhiên tỷ lệ tử vong và di chứng não vẫn khá cao ở những trẻ được áp dụng liệu pháp này. Do đó, một nhu cầu cấp bách được đặt ra đối với những phương pháp điều trị mới hơn, hiệu quả hơn. Phenobarbital liều cao và erythropoietin là 2 liệu pháp hỗ trợ có thể dùng phối hợp hoặc thay thế cho phương pháp hạ thân nhiệt. Phenobarbital liều cao làm giảm tốc độ chuyển hóa tại não, giảm peroxide hóa lipid, từ đó giúp giảm tỷ lệ co giật và các di chứng, liệu pháp này có tính dung nạp cao và không làm tăng tỷ lệ tử vong. Mặt khác, một số nghiên cứu đã cho thấy khả năng của erythropoietin trong việc cải thiện các di chứng do HIE.
Để so sánh hiệu quả của trị liệu phenobarbital liều cao và trị liệu erythropoietin trong điều trị nâng đỡ trẻ ngạt chu sinh, tác giả Avasiloaiei A và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu trên 67 trẻ đủ tháng được chẩn đoán ngạt chu sinh tại đơn vị hồi sức nhi, bệnh viện sản phụ khoa Cuza-Voda, Iasi, Romania. Các trẻ này được chia thành 3 nhóm: nhóm thứ nhất chỉ điều trị hỗ trợ thông thường, nhóm thứ hai điều trị hỗ trợ kết hợp thêm một liều duy nhất Phenobarbital 40mg/kg, và nhóm thứ ba điều trị hỗ trợ kết hợp với erythropoietin 1000IU/kg/ngày x 3 ngày. Các chỉ số được phân tích bao gồm: tuổi thai, cân nặng lúc sinh, điểm số Apgar, pH máu cuống rốn, trạng thái chất chống oxy hóa huyết thanh toàn phần (TAS, total serum antioxidant status), hàm lượng men superoxide dismutase (SOD), glutathione peroxidase (GPx) và malondialdehyde (MDA). Trẻ trong nghiên cứu sẽ được theo dõi đến 18 tháng tuổi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Nhóm trẻ nghiên cứu có tuổi thai trung bình 40.4 tuần, cân nặng lúc sinh trung bình 3278g. Điểm số Apgar trung bình tại các thời điểm 1/5/10 phút tương ứng với 3.6/5.3/6.6 điểm. pH máu cuống rốn dao động 7.00-7.09.
- TAS tăng nhẹ ở nhóm điều trị erythropoietin (1.07 mmol/L) so với nhóm điều trị phenobarbital (1.01mmol/L) và nhóm chỉ điều trị hỗ trợ thông thường (1mmol/L) .
- SOD và GPx giảm ở nhóm trẻ điều trị với Phenobarbital liều cao (SOD: 316 U/L, GPx: 10608 U/L) hoặc erythropoietin (308.6 U/L, GPx: 10462.7 U/L) khi so sánh với nhóm chỉ điều trị hỗ trợ thông thường (SOD: 330.3 U/L, GPx: 11198.2 U/L).
- Tỷ lệ tử vong ở nhóm điều trị phenobarbital (4.6%) hoặc erythropoietin (4.6%) thấp hơn nhóm chỉ điều trị hỗ trợ (17.4%).
- Tỷ lệ di chứng ở nhóm chỉ điều trị hỗ trợ cao hơn nhóm điều trị phenobarbital hoặc erythropoietin.
- Quá trình theo dõi tại thời điểm 3 tháng và 6 tháng cho thấy trị liệu với phenobarbital cho kết quả tốt hơn erythropoietin trong việc cải thiện chức năng nhận thức và vận động của trẻ. Tuy nhiên, khác biệt này không còn ý nghĩa thống kê ở thời điểm 18 tháng.
Nghiên cứu trên, mặc dù cỡ mẫu còn nhỏ, là nghiên cứu đầu tiên so sánh hiệu quả giữa trị liệu phenobarbital liều cao và trị liệu erythropoietin trong cải thiện bệnh lý não ở trẻ ngạt chu sinh. Hai liệu pháp này cùng với điều trị hỗ trợ thông thường có tác động tích cực đến tiên lượng trẻ sơ ngạt chu sinh chu sinh. Không như điều trị hạ thân nhiệt, trị liệu phenobarbital, với giá thành rẻ và đơn giản, có thể áp dụng ở bất kỳ đơn vị hồi sức sơ sinh nào, ngay cả ở các nước chậm/đang phát triển.
(Nguồn: Pediatrics International 2013, 55(5))
BS. Nguyễn An Nghĩa
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...