Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 22-10-2013 4:43am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

n2 Hóa trị liều cao và xạ trị vùng chậu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh trùng và trứng làm tăng nguy cơ vô sinh cho người điều trị ung thư, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ có thai giảm và hiện tượng mãn kinh sớm xảy ra ở những phụ nữ sống sót sau điều trị ung thư. Và khoảng 48% bệnh nhân nữ sống sót sau ung thư lúc còn nhỏ có khả năng bị “vô sinh lâm sàng”, tức cố gắng có thai nhưng không thành công trong vòng 1 năm hoặc lâu hơn. Tuy vậy, dù có nguy cơ vô sinh, họ vẫn có cơ hội có thai.

Gần đây, tạp chí The Lancet Oncology vừa công bố một nghiên cứu cho thấy khoảng 2/3 số phụ nữ bị ung thư khi còn nhỏ có khả năng có thai. Tỷ lệ mang thai này tương đương với những phụ nữ không ung thư được điều trị vô sinh.

Các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Ung thư và Rối loạn huyết học Dana-Farber/Boston Children's (trung tâm hợp tác nghiên cứu về bệnh lý ung thư và huyết học ở trẻ em giữa Viện Ung thư Dana-Farber và Bệnh viện Nhi Boston) và Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston đã tiến hành một nghiên cứu đoàn hệ gồm những phụ nữ sống sót 5 năm sau khi mắc bệnh ung thư (CCCS). Số liệu được thu nhận từ 26 trung tâm khác nhau ở Mỹ và Canada, với tuổi lúc được chẩn đoán ung thư là dưới 21.

Nghiên cứu chỉ tập trung vào những phụ nữ đang cố gắng có thai. Các nhà nghiên cứu đã phân tích 3.531 phụ nữ (trong CCCS) trong độ tuổi từ 18 đến 39 đã từng quan hệ tình dục và 1.366 phụ nữ là chị em ruột của họ để so sánh. Những phụ nữ trong cả 2 nhóm đối tượng này được chia theo 3 độ tuổi: ≤ 24 tuổi, từ 25 – 29 tuổi và từ 30 – 40 tuổi.

Kết quả cho thấy 455 người tham gia trong nghiên cứu được chẩn đoán vô sinh lâm sàng, cuối cùng 64% trong số này đã mang thai.

Các kết quả cũng cho thấy, ở nhóm trẻ nhất (≤ 24 tuổi) khả năng vô sinh nhiều gần gấp ba lần so với chị em ruột của họ (RR 2.92 [95% CI 1.18—7.20], p=0.020).

Nhưng kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự khác biệt này ít rõ ràng hơn ở những phụ nữ lớn hơn 30 tuổi (1.37 [1.11—1.69], p=0.0035). Các nhà nghiên cứu giải thích, điều này có thể là do vô sinh phổ biến hơn ở tất cả phụ nữ trong độ tuổi này chứ không chỉ với riêng nhóm phụ nữ sống sót sau ung thư.

Đáng ngạc nhiên, khi nghiên cứu tiết lộ rằng dù cùng được chỉ định điều trị vô sinh nhưng những phụ nữ sống sót sau ung thư chỉ phải dùng thuốc ít hơn 2 lần so với chị em ruột của họ (0.57 [95% CI 0.46—0.70], p<0.0001).

Tiến sĩ Sara Barton người đứng đầu nghiên cứu này nói: "Chúng tôi không có dữ liệu về lý do tại sao các y bác sỹ không kê đơn thuốc điều trị hiếm muộn, nhưng lo ngại rằng tồn tại khuynh hướng ngăn cản việc điều trị vô sinh cho những bệnh nhân sống sót sau ung thư.

Có thể do các y bác sỹ đánh giá cơ hội thành công thấp và quyết định không cố gắng điều trị, hoặc có thể những bệnh nhân này không thấy thoải mái đối với việc dùng thuốc sau khi phải trải qua cả một quá trình điều trị nặng nề trước đó. Ngoài ra, có thể những người làm trong lĩnh vực y học sinh sản thấy không được thoải mái khi tiếp nhận các vấn đề y khoa khác kèm theo."

Bà Barton nói thêm rằng các bác sỹ hiện đang thiếu dữ liệu về khả năng mang thai hay sự thành công của điều trị vô sinh trên những phụ nữ sống sót sau ung thư để có thể đưa ra những khuyến cáo cho bệnh nhân của mình.

Bà cho biết: "Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là nghiên cứu lớn đầu tiên về các bệnh nhân nữ sống sót sau ung thư từ lúc nhỏ để lượng giá nguy cơ vô sinh dựa trên định nghĩa lâm sàng vô sinh và mô tả đặc điểm sử dụng, tỷ lệ thành công của các phương pháp điều trị vô sinh trong những trường hợp này."

Trong một bình luận về nghiên cứu này, Giáo sư Richard Anderson (từ Trung tâm Sức khỏe Sinh sản MRC, Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh) cho biết: "Dữ liệu của Barton và cộng sự đã làm nổi bật những nguy cơ vô sinh ở bệnh nhân sống sót sau ung thư khi còn nhỏ bên cạnh nguy cơ suy buồng trứng và các bác sỹ ung thư cần thiết phải nói rõ những nguy cơ này đối với bệnh nhân tại thời điểm chẩn đoán và trong suốt quá trình theo dõi như một phần quan trọng của chăm sóc lâu dài."

Tóm lại, vô sinh sau ung thư là một vấn đề rất quan trọng cần có một sự hiểu biết toàn diện hơn. Các bác sỹ ung thư cần tư vấn bệnh nhân các liệu pháp điều trị và ảnh hưởng lâu dài của nó nhằm có quyết định điều trị và nỗ lực điều trị hỗ trợ sinh sản trong tương lai nhằm bảo toàn khả năng sinh sản.

Đối với nam giới, việc trữ lạnh tinh trùng trước điều trị ung thư là phương pháp tương đối dễ dàng và thuận tiện cho việc điều trị vô sinh. Và hầu hết bệnh nhân nam khá hài lòng với chọn lựa này.

Tuy nhiên, việc bảo toàn khả năng sinh sản sau điều trị ung thư đối với bệnh nhân nữ là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Bởi việc lấy trứng và trữ lạnh trứng/ phôi trước điều trị ung thư để hỗ trợ sinh sản sau này khá khó khăn, và rất nhiều trường hợp không thể thực hiện nếu việc điều trị ung thư không thể trì hoãn. Do đó, kết quả của nghiên cứu này giúp những người phụ nữ không may mắn có thêm động lực để theo đuổi quá trình điều trị ung thư nặng nề phía trước, không chỉ là để sống sót mà còn để có cơ hội được làm mẹ.

Nguồn:

http://www.medicalnewstoday.com/articles/263325.php

http://www.thelancet.com/journals/lanonc/article/PIIS1470-2045(13)70251-1/fulltext#article_upsell

Người dịch: KS. Nguyễn Vũ Hằng Vi

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK