Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 23-02-2013 4:05am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

images_10 Hướng dẫn mới của Viện Y học (Institute of medicine-IOM) về cân nặng cần đạt được trong thai kỳ đã cung cấp cho các nhà lâm sàng nền tảng trong thực hành lâm sàng.

 


Bác sĩ sản khoa nên xác định chỉ số khối cơ thể (BMI) của thai phụ ngay lần khám thai đầu tiên và tư vấn cho thai phụ về lợi ích của việc đạt được cân nặng thích hợp trong thai kỳ, chế độ dinh dưỡng vận động và đặc biệt là tránh tăng cân quá mức để đạt những kết quả tốt nhất cho thai kỳ. Sự tương tác giữa Bác sĩ và thai phụ rất cần thiết trong việc quản lý những thai phụ quá cân, béo phì, những thai phụ đang (hoặc đang muốn) tăng cân thấp hơn mức khuyến cáo nhưng thai nhi vẫn phát triển tốt. Cân nặng đạt được trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng tức thời hoặc lâu dài lên sức khỏe của mẹ và bé. Đặc điểm nhân khẩu học của thai phụ trong dân số đã thay đổi rất nhiều so với những thập kỉ trước, có nhiều phụ nữ quá cân hoặc béo phì vào thời điểm thụ thai. Bằng chứng ủng hộ rằng có sự kết hợp giữa việc tăng cân quá mức trong thai kỳ và sự gia tăng trọng lượng của thai nhi và sự duy trì cân nặng của mẹ sau sinh. Đồng thời những thai phụ không đạt đủ cân nặng trong thai kỳ sẽ đi kèm với việc giảm trọng lượng trẻ khi sinh. Đề nghị mức cân nặng cần đạt được trong thai kỳ nhằm mục đích đạt được những kết quả khả quan cho cả thai phụ và trẻ sơ sinh. Vào năm 2009, Viện Y học công bố khuyến cáo đã được chỉnh sửa về cân nặng cần đạt được trong thai kỳ (bảng 1). Những hướng dẫn này dựa trên chỉ số khối cơ thể (Body mass index-BMI) của thai phụ, phân loại thành nhóm nhẹ cân, cân nặng bình thường, quá cân và béo phì theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và không phụ thuộc vào tuổi, số lần sanh, tiền sử hút thuốc lá, đặc điểm chủng tộc. Những thay đổi khác bao gồm loại bỏ những đề nghị trước đó dành cho dân số đặc biệt và thêm vào những khuyến cáo về tăng cân đối với song thai. Đối với trường hợp song thai thì IOM đề nghị thai phụ cần tăng 16,8-24,5 kg (37-54 lb) đối với người có cân nặng trước khi có thai bình thường, 14,1-22,7 kg (31-50 lb) đối với phụ nữ quá cân và 11,3-19,1 kg (25-42 lb) đối với phụ nữ béo phì. Hướng dẫn của IOM không có dữ liệu để quyết định chính xác cân nặng cần đạt được đối với những trường hợp đa thai từ 3 trở lên. Những cập nhật của IOM đã gây nhiều tranh luận từ một số nhà lâm sàng bởi vì họ tin rằng cân nặng cần đạt được quá cao, đặc biệt đối với phụ nữ quá cân và béo phì. Đồng thời họ cũng nhận thấy cân nặng cần đạt quá cao sẽ không giải quyết được mối lo ngại về việc không thể giảm cân nặng sau khi sinh. Sự lo ngại ngày càng tăng khi những hướng dẫn này không có sự khác biệt về mức độ béo phì, không có gì đặc biệt đối với bệnh béo phì ở nữ giới.

Bảng 1. Khuyến cáo về mức độ tăng cân trong thai kỳ của IOM

Phân loại cân nặng trước khi có thai

Chỉ số khối cơ thể

Khoảng tăng cân khuyến cáo (lb)

Mức độ tăng cân khuyến cáo trong tam cá nguyệt hai và ba (lb)
(
Khoảng trung bình [lb/tuần])

Nhẹ cân

Ít hơn 18.5

28–40

1 (1–1.3)

Trung bình

18.5–24.9

25–35

1 (0.8–1)

Quá cân

25–29.9

15–25

0.6 (0.5–0.7)

Béo phì (gồm tất cả mức độ)

30 trở lên

11–20

0.5 (0.4–0.6)

Đối với phụ nữ quá cân

Khuyến cáo mới của IOM về cân nặng cần đạt trong thai kỳ là 6,8-11,3kg (15-25 lb) đối với phụ nữ quá cân (BMI từ 25-29,9). Với sự tăng cân như trên sẽ không ảnh hưởng xấu đến thai nhi và kết quả của trẻ sơ sinh. Trong nhiều nghiên cứu, những thai phụ quá cân chỉ tăng 2,7-6,4 kg (6-14 lb) trong suốt thai kỳ nhưng sự phát triển của thai nhi và kết quả của trẻ sơ sinh và chu sinh tương tự như trên. Đồng thời những thai phụ này giảm cân sau sinh tốt hơn những thai phụ đạt mức cân nặng trong khuyến cáo hiện tại của IOM. Riêng đối với những thai phụ quá cân, mặc dù tăng cân trong thai kỳ thấp hơn mức khuyến cáo nhưng thai nhi phát triển phù hợp, không có bằng chứng ủng hộ việc cố gắng tăng cân như hướng dẫn hiện tại của IOM sẽ cải thiện kết quả của mẹ và bé.

Đối với phụ nữ béo phì

Khuyến cáo của IOM định nghĩa béo phì khi BMI ³30 và không có sự phân biệt giữa béo phì độ I (BMI từ 30-34,9), béo phì độ II (BMI từ 35-39,9) và béo phì độ III (BMI³40). Do những dữ liệu còn hạn chế về phân độ béo phì, IOM đề nghị tất cả phụ nữ béo phì chỉ nên tăng 5-9,1 kg (11-20 1b) trong thai kỳ. Khuyến cáo này cố gắng cân bằng nguy cơ: có những trẻ to hơn so với tuổi thai, có những trẻ nhỏ hơn tuổi thai và việc duy trì cân nặng trước và sau khi sinh. Do thiếu dữ liệu về kết quả của trẻ sơ sinh và bà mẹ sau khi sinh nên các tác giả đã không đưa ra mức cân nặng đích thấp hơn cho những phụ nữ béo phì trầm trọng.

Kết quả của những nghiên cứu đoàn hệ dựa trên dân số lớn được đăng tải sau khi hướng dẫn của IOM ra đời cho thấy không có hại trong việc hạn chế thêm khoảng tăng cân. Một tổng quan hệ thống đã nhận thấy những phụ nữ quá cân hoặc béo phì nếu tăng cân ít hơn mức đề nghị của IOM thì không có nguy cơ sinh con nhẹ cân. Ngược lại, một số nhà nghiên cứu khác đã báo cáo rằng khuyến cáo của IOM quá khắt khe đối với những phụ nữ béo phì trầm trọng và có thể kết hợp với việc gia tăng nguy cơ sinh non, cân nặng nhỏ hơn tuổi thai và tăng tỉ lệ tử vong chu sinh khi so sánh với những phụ nữ có cùng BMI nhưng tăng cân ở mức trung bình trong thai kỳ. Những kết quả này và các nghiên cứu gần đây cho thấy mối quan hệ giữa mức độ béo phì, cân nặng thai nhi, kết quả của mẹ và trẻ sơ sinh rất phức tạp.

Những phụ nữ béo phì mà sụt cân hoặc hạn chế tăng cân trong thai kỳ thì có nguy cơ sinh con nhẹ cân, ngược lại lợi ích đạt được là giảm tỉ lệ sanh mổ, giảm nguy cơ con to, giảm việc duy trì cân nặng sau sinh.

Kết luận và đề nghị

Hướng dẫn tăng cân trong thai kỳ của IOM cung cấp cho các nhà lâm sàng nền tảng để áp dụng trong thực hành. Bác sĩ sản khoa nên quyết định BMI của thai phụ ngay lần khám thai đầu tiên. Điều quan trọng là nên thảo luận với sản phụ về việc tăng cân, chế độ ăn uống và vận động thích hợp ngay lần khám đầu tiên và ở các lần tái khám trong suốt thai kỳ. Trong việc quản lý các thai phụ quá cân hoặc béo phì đang tăng cân hoặc mong muốn tăng cân thấp hơn mức khuyến cáo nhưng thai nhi vẫn phát triển phù hợp thì một điều cần thiết là sản phụ phải có ý thức chăm sóc bản thân kết hợp với sự tư vấn, giám sát của bác sĩ. Cân bằng những nguy cơ về sự phát triển của thai (thai chậm tăng trưởng, thai to), các biến chứng sản khoa, sự duy trì cân nặng sau sinh là cần thiết nhưng sẽ vẫn còn nhiều thử thách cho đến khi các nghiên cứu cung cấp nhiều bằng chứng hơn để đưa ra khuyến cáo tốt hơn cho việc tăng cân trong thai kỳ, đặc biệt đối với những phụ nữ béo phì trầm trọng.

BS Phạm Thị Phương Anh

Nguồn: http://www.acog.org/Resources_And_Publications/Committee_Opinions/Committee_on_Obstetric_Practice/Weight_Gain_During_Pregnancy

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK