Theo kết quả của một phân tích gộp, khi so sánh với chuyển phôi tươi, chuyển phôi trữ có kết cục tốt hơn.
Tiến sĩ Matheus Roque, Đại học Autonoma de Barcelona ở Tây Ban Nha và trung tâm Y học sinh sản Origen ở Belo Horizonte, Brazil, cùng cộng sự đã công bố những phát hiện mới của họ trên tạp chí Sinh Sản và Vô Sinh (Fertility and Sterility) vào tháng 1 năm 2013.
Các tác giả nhấn mạnh có bằng chứng gợi ý rằng kết cục của chuyển phôi trữ tối thiểu là ngang bằng với chuyển phôi tươi. “Trong đa số các nghiên cứu so sánh chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ, những phôi có chất lượng tốt nhất được chọn để chuyển phôi tươi, và kết quả lại tương tự giữa hai hình thức điều trị. Vì thế, nếu những phôi có chất lượng tốt nhất được chọn để chuyển phôi trữ và đáp ứng của nội mạc tử cung có thể cải thiện ở những chu kỳ này, điều này có thể hy vọng khả năng thai làm tổ cao hơn, vì vậy có thể cải thiện thành công của toàn bộ chu kỳ (kỹ thuật hỗ trợ sinh sản).”
Để xác định điều này, các tác giả đã tiến hành một tổng quan hệ thống và phân tích gộp. Khởi đầu, họ tổng hợp 64 bài viết về thụ tinh trong ống nghiệm với chuyển phôi tươi hay chuyển phôi trữ từ MEDLINE, EMBASE và từ những thử nghiệm có đối chứng được đăng ký của Cochrane. Lần lượt, họ loại 61 bài viết không thuộc thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, không phù hợp mục tiêu của phân tích gộp, hoặc không đủ thông tin cho kết cục được quan tâm.
Trong 3 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, bao gồm tổng cộng 633 chu kỳ ở những phụ nữ từ 27 đến 33 tuổi, chuyển phôi trữ có liên quan với tỷ lệ có thai diễn tiến cao hơn chuyển phôi tươi (tỷ số nguy cơ RR 1.32, khoảng tin cậy Cl 95%, 1.10 – 1.59, l2, 0; sự khác biệt có ý nghĩa thống kê P = 0.003).
Hơn nữa, tỷ lệ thai lâm sàng cũng cao hơn trong nhóm phụ nữ được chuyển phôi trữ (RR, 1.31; 95% Cl, 1.10 – 1.56; l2, 0; P= .002). Tỷ lệ sẩy thai cao hơn khi quan sát ở nhóm chuyển phôi tươi so với nhóm chuyển phôi trữ, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa (RR, 0.83; 95% Cl, 0.43 – 1.60; l2, 0; P= .57).
Các tác giả kết luận: “Kết quả của phân tích gộp này cho thấy rằng có bằng chứng tương đối mạnh về tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai lâm sàng, thai diễn tiến của những chu kỳ hỗ trợ sinh sản có thể được cải thiện bởi việc thực hiện chuyển phôi trữ so với chuyển phôi tươi. Những kết quả này có thể được giải thích là nhờ cải thiện sự đồng bộ hóa giữa phôi và nội mạc tử cung với chu kỳ chuẩn bị nội mạc tử cung thay vì chu kỳ kích thích buồng trứng có kiểm soát. Dữ liệu này cung cấp luận cứ để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng và nghiên cứu đa trung tâm nhằm đánh giá các kết quả của kích thích buồng trứng có kiểm soát trên sự tiếp nhận của nội mạc tử cung và kết cục của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.”
Người dịch: BS Triệu Thị Thanh Tuyền
Nguồn : Fertil Steril. 2013
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...