Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 29-02-2012 2:26am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

tre bu me_1Hai nghiên cứu mới đây cho thấy trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ có thể có chức năng phổi tốt hơn và giảm được nguy cơ hen suyễn so với trẻ em được nuôi bằng các phương pháp khác.


Các nhà nghiên cứu cho rằng những nghiên cứu trước đây cho thấy một sự mâu thuẫn trong lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ với các vấn đề về phát triển phổi ở trẻ em, trong số đó, có nghiên cứu dẫn đến kết luận rằng các bà mẹ mắc bệnh hen suyễn có thể làm tăng thêm nguy cơ bệnh ở trẻ khi cho con bú.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy trẻ em có mẹ mắc bệnh hen suyễn cũng nhận được những lợi ích thiết thực từ việc bú sữa mẹ như những trẻ em có mẹ không mắc bệnh.

“Bằng chứng cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng thể tích phổi, và việc này không liên quan gì đến việc mẹ có bị hen suyễn hay không,” tiến sỹ Wilfried Karmaus, người đã nghiên cứu về hen suyễn tại đại học South Carolina, Columbia, cho biết.

“Thể tích phổi tăng có thể làm giảm nguy cơ mắc hen suyễn,” ông nói. “Do đó, việc khuyến khích các bà mẹ, kể cả các bà mẹ mắc hen suyễn cho con bú là một việc làm cần thiết.”

Một nghiên cứu khác được lấy dữ liệu từ hơn 1.500 trẻ sơ sinh ở Anh được theo dõi về sức khỏe từ những năm giữa thập niên 90 đăng gần đây trên tạp chí của Hoa Kỳ về Hô hấp và chăm sóc sức khỏe (American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine).

Một cuộc khảo sát thu thập ý kiến của các gia đình về việc nuôi con bằng sữa mẹ, hút thuốc lá thụ động và những yếu tố nguy cơ gây hen suyễn trên trẻ từ khi mới chào đời. Từ năm 8 tới 14 tuổi, các em được xét nghiệm về chức năng hô hấp cũng như thực hiện các xét nghiệm về dị ứng.

Tiến sỹ Claudia Kuehni, đại học Bern, Thụy Sỹ và các đồng sự chứng minh được rằng thời gian bú sữa mẹ càng dài, kết quả của xét nghiệm đo vận tốc luồng khí lúc thở ra của các em càng tốt.

Trong hai nghiên cứu khác, cũng tìm hiểu về dung tích của phổi, bú sữa mẹ từ bốn tháng trở lên cho kết quả tốt hơn đối với các trẻ có mẹ hen suyễn.

Các nhà nghiên cứu cho biết cải thiện chức năng hô hấp có vẻ như không liên quan gì đến tiền căn của một số trẻ đã từng bị nhiễm trùng đường hô hấp – một lợi ích đã được biết của việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Nhóm nghiên cứu của Kuehni cho biết rằng cải thiện chức năng hô hấp nhờ nuôi con bằng sữa mẹ có thể không tạo sự khác biệt trên những đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng trên phạm vi rộng hơn, nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi một số bệnh hô hấp.

Một hạn chế của nghiên cứu này, theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu, đó là chỉ có một phần ba – khoảng 4.000 trẻ – trong tổng số trẻ họ theo dõi và mời đến làm xét nghiệm thực sự thực hiện các xét nghiệm về hô hấp. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả của nghiên cứu nếu một nhóm đối tượng đặc biệt nào đó có xu hướng tham gia xét nghiệm nhiều hơn những nhóm đối tượng khác.

Trong một nghiên cứu khác, ở New Zealand, một nhóm các nhà nghiên cứu cũng theo dõi các trẻ em sơ sinh, nhưng thay vì thực hiện các xét nghiệm, họ khảo sát ghi nhận của cha mẹ khi trẻ được 6 tuổi về việc đứa trẻ có bị hen suyễn hay có phải sử dụng ống xịt hoặc thở khò khè trong năm trước đó hay không.

Từ thông tin của hơn 1.000 trẻ, bao gồm 200 trẻ được ghi nhận mắc hen suyễn trong lần thăm khám trước đó, nhóm nghiên cứu của Karen Silvers ghi nhận cứ mỗi tháng được nuôi bằng sữa mẹ (không bao gồm bất kỳ một sự tác động nào khác) sẽ giảm 9% nguy cơ hen suyễn.

Silvers, đại học Otago tại Christchurch, và đồng sự công bố những nghiên cứu của họ trên Tạp chí Nhi khoa (Journal of Pediatrics).

Karmaus cho biết các nhà nghiên cứu đã đặt ra giả thuyết rằng sữa mẹ có chứa tế bào miễn dịch liên quan đến tình trạng dị ứng và hen suyễn được truyền sang trẻ trong quá trình bú sữa mẹ, điều này có thể đã gây ra những ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp của các trẻ em có mẹ bị hen suyễn, và một số bà mẹ có quan tâm đến vấn đề này sẽ không cho con bú mẹ để ngừa hen suyễn cho trẻ.

Tuy nhiên với những nghiên cứu mới đây thì các bà mẹ mắc hen suyễn không nên quá lo lắng.

Giả thuyết của ông đặt ra rằng bú sữa mẹ có thể củng cố chức năng phổi và giúp bảo vệ trẻ khỏi hen suyễn về sau – tuy nhiên giả thuyết này hiện vẫn chưa được chứng minh.

Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo cho trẻ bú sữa mẹ bắt buộc trong 6 tháng đầu đời và có thể kéo dài đến 2 tuổi hoặc lâu hơn.

Tiến sỹ Theresa Guilbert, chuyên gia về hô hấp ở trẻ em, tại đại học Wisconsin, trường Y và Y tế cộng đồng Maldison, cho biết, dù đã có những nghiên cứu mới, nhưng việc mẹ mắc hen suyễn truyền bệnh cho con trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.

Chưa có nghiên cứu nào khẳng định được về nguyên nhân và những tác động của vấn đề, bà cho biết. Ngoài ra, những kết quả khác nhau có thể do những điều kiện nghiên cứu khác nhau, trong việc lựa chọn mẫu từ những vùng khác nhau với chế độ ăn và điều kiện sống khác nhau.

“Có rất nhiều lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ,” Guilbert, người không tham gia trong nghiên cứu mới đây, chia sẻ với Reuters Health. “Tôi nghĩ rằng dù những người có thẩm quyền vẫn cho rằng có nguy cơ cho đứa con được nuôi bằng sữa của mẹ bị hen suyễn, nhưng tôi không cho rằng bất cứ kết quả nghiên cứu nào hiện nay đủ chắc chắn để khuyến cáo các bà mẹ ngừng việc nuôi con bằng sữa mẹ bởi vì có quá nhiều lợi ích trong việc này.”

BS.Phạm Nguyễn Quỳnh Anh

Nguồn: bit.ly/yCsmfY American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine, online February 3, 2012 and bit.ly/wVKRCQ Journal of Pediatrics, online January 29, 2012.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK