Nhiều nghiên cứu đã cố gắng làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp giữa tình trạng trầm cảm và các triệu chứng của giai đoạn mãn kinh. Để tìm hiểu vấn đề này và tránh những hạn chế của những nghiên cứu cắt ngang mô tả, một nghiên cứu mới đã được tiến hành về vấn đề này với thiết kế nghiên cứu cắt dọc.
Rất nhiều phụ nữ trải qua thời kì mãn kinh như một quá trình chuyển tiếp tự nhiên của cuộc sống mà không có nhiều xáo trộn về mặt tâm sinh lý. Trong khi đó cũng có một số phụ nữ lại cảm thấy rất căng thẳng và khó chịu trong giai đoạn này. Người ta cho rằng người phụ nữ có triệu chứng trầm cảm thường sẽ cảm thấy căng thẳng và phiền toái nhiều hơn khi đến tuổi mãn kinh.
Đã có nhiều nghiên cứu quan tâm đến lý do tại sao thời kì mãn kinh lại gây ra sự phiền toái nặng nề cho những người này. Tuy nhiên những nghiên cứu đó thường áp dụng phương pháp nghiên cứu cắt ngang, vì vậy chúng không thể giúp làm rõ hoàn toàn liệu trầm cảm có góp phần làm cho giai đoạn mãn kinh khó chịu hơn hay ngược lại thời kì mãn kinh khó khăn đã làm tăng triệu chứng trầm cảm.
Trong bài báo mới được đăng trên Maturitas, Bác sĩ Judy R.Strauss của Đại học Phoenix, bang New Jersey, Hoa Kì đã cố gắng làm sáng tỏ mối quan hệ này thông qua một nghiên cứu cắt dọc.
Câu hỏi trọng tâm được đặt ra là: liệu những triệu chứng của bệnh trầm cảm có giúp tiên lượng được mức độ của các triệu chứng trong thời kì mãn kinh hay không. Đồng thời nghiên cứu cũng bàn tới tác động của giai đoạn mãn kinh lên tình trạng trầm cảm.
Tổng cộng 986 phụ nữ được theo dõi trong 9 năm trong nghiên cứu tiền cứu cắt dọc hồi quy này, với độ tuổi trung bình là 39 tuổi, bao gồm cả những người ở giai đoạn tiền mãn kinh và quanh mãn kinh.
Triệu chứng trầm cảm được đánh giá bằng phỏng vấn qua điện thoại còn những triệu chứng mãn kinh được xác định bằng bảng câu hỏi tự trả lời. Tuổi, tình trạng tài chính và trình độ học vấn được sử dụng như những thông số chứng.
Kết quả cho thấy trầm cảm là một yếu tố tiên lượng độc lập có ý nghĩa cho mức độ của những triệu chứng mãn kinh sau này nếu kiểm soát những triệu chứng mãn kinh ban đầu. Ngược lại, nếu kiểm soát những triệu chứng trầm cảm ban đầu, những triệu chứng mãn kinh nặng cũng là một yếu tố tiên lượng độc lập đối với các triệu chứng trầm cảm sau này.
Với mối liên hệ nhân quả của triệu chứng trầm cảm và những triệu chứng của tình trạng mãn kinh sau đó và điều này không hoàn toàn mới, các tác giả vẫn khẳng định: “Vì dùng thiết kế cắt dọc nên những bằng chứng ủng hộ cho kết quả nghiên cứu này mạnh hơn những nghiên cứu cắt ngang trước đây trong việc phân tích mối liên hệ trên.” Kết luận này có sự liên quan mật thiết với thực hành lâm sàng do vấn đề đặt ra là có nên điều trị triệt để hơn nữa tình trạng trầm cảm cho những phụ nữ đang đến tuổi mãn kinh hay không.
Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cũng đề nghị nên điều trị triệt để những triệu chứng nặng của thời kì mãn kinh vì việc điều trị này có thể sẽ giúp phòng ngừa sự khởi phát trầm cảm ở những phụ nữ đã từng bị trầm cảm.
BS. Dương Khuê Nghi
Nguồn: Depression and menopausal symptoms: the chicken or the egg? - Maturitas 2011;70:302-6 (www.ORGYN.com)
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...